Thời gian thăng hạng chức danh của giáo viên THCS, THPT vẫn kéo dài

24/04/2023 06:42
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông phải mất 9 năm (không kể 1 năm tập sự) để thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ III lên II.

Ngày 14/4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung quy định bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Quy định mới về thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp từ 30/5/2023 tại Thông tư Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT có 3 điểm mới sau đây.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: giaoduc.net.vnẢnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: giaoduc.net.vn

Sửa đổi điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp

1. Đối với giáo viên mầm non

Quy định cũ Quy định mới
Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng. Từ đủ 03 (ba) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I (mã số V.07.02.24) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.25) hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên, tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng. Từ đủ 09 (chín) năm trở lên tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Bảng so sánh cho thấy, giáo viên mầm non hạng III thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng II được rút ngắn thời gian 6 năm so với quy định cũ.

Giáo viên mầm non được thăng hạng kéo theo hệ số lương cũng tăng. Theo quy định tại Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT thì hệ số lương giáo viên mầm non như sau:

Giáo viên mầm non hạng I: 4,0 đến 6,38; Giáo viên mầm non hạng II: 2,34 đến 4,98; Giáo viên mầm non hạng III: 2,10 đến 4,89.

2. Đối với giáo viên tiểu học

Quy định cũ Quy định mới
Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I (mã số V.07.03.27) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên, tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng. Tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng. Tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Bảng so sánh cho thấy, giáo viên tiểu học thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn thì thời gian giữ hạng chức danh được tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng - chứ không phải tính đến ngày bắt đầu nộp hồ sơ khi cơ quan có thẩm quyền ra thông báo như quy định cũ.

Ví dụ: Phòng Giáo dục và Đào tạo quận X ra thông báo giáo viên nộp hồ sơ thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ ngày 1/5/2023 đến ngày 31/5/2023.

Giả sử, đến thời điểm ngày 31/5/2023 thầy A đã có thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III đủ 9 năm (không kể thời gian tập sự) thì đủ điều kiện nộp hồ sơ thi/xét thăng hạng II. Còn theo quy định cũ thì thầy A thiếu 1 tháng giữ hạng chức danh nghề nghiệp nên không đủ điều kiện nộp hồ sơ.

Thực tế có địa phương ra thông báo nộp hồ sơ thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhưng đến vài tháng sau thì hội đồng mới tổ chức thi/xét thăng hạng khiến giáo viên gặp bất lợi vì có trường hợp không được tính thêm quãng thời gian đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ.

Vậy nên, quy định giáo viên nộp hồ sơ thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng là hợp tình, hợp lí.

3. Đối với giáo viên trung học cơ sở

Quy định cũ Quy định mới
Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng. Tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên, tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng. Tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Tương tự như giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở cũng được tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng - chứ không phải tính đến ngày bắt đầu khi cơ quan có thẩm quyền ra thông báo nộp hồ sơ.

Tuy vậy, theo ý kiến nhiều giáo viên trung học cơ sở, việc họ phải mất tới 9 năm để thăng hạng từ III lên II là quá lâu và không hợp lí. Nếu giáo viên được thăng hạng sớm, cũng đồng nghĩa với tiền lương được tăng thêm thì họ sẽ có động lực với nghề nghiệp hơn.

4. Đối với giáo viên trung học phổ thông

Quy định cũ Quy định mới
Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II (mã số V.07.05.14) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III (mã số V.07.05.15) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng. Tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I (mã số V.07.05.13) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II (mã số V.07.05.14) hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên, tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng. Tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

So với bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thì việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông cũng không thay đổi là bao so với thông tư cũ (Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT chưa sửa đổi). Họ chỉ có một chút lợi về thời gian nộp hồ sơ (tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng) so với quy định cũ.

Điều băn khoăn, giáo viên trung học phổ thông hạng II phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) thì mới đủ điều kiện thi/xét thăng hạng là quá dài.

Trước đây, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến giáo viên về Thông tư sửa đổi chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT, người viết đã từng góp ý về quy định thời gian giữ hạng của giáo viên trung học phổ thông hạng III trên diễn đàn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, xin trích lại một số nội dung như sau:

"Đã là thi thăng hạng chức danh thì phải chọn được người có năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, không cần thiết phải quy định (giáo viên) tận 9 năm công tác (không kể thời gian tập sự). Quy định như thế khác nào triệt tiêu động lực phấn đấu của nhà giáo, thậm chí có người buông xuôi.

Bởi, giáo viên trung học phổ thông hạng III, mã số V.07.05.15, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ 2,34 - 4,98 với mức lương dao động từ khoảng 3,48 - 7,42 triệu đồng/tháng (chưa tính các khoản phụ cấp) là rất thấp.

Chính vì hệ số lương thấp nên giáo viên mới cần phấn đấu thi/xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II để có hệ số lương, mức lương cao hơn.

Nhưng rất tiếc khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT thì không hề có sự điều chỉnh quy định về thời gian giữ hạng của giáo viên trung học phổ thông hạng III.

Giáo viên không cần học thêm chứng chỉ bồi dưỡng nghề nghiệp để thăng hạng

Hiện hành, theo quy định tại chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 , với mỗi hạng chức danh, giáo viên các cấp đều phải có một loại chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương ứng.

Do đó, nếu muốn được thăng hạng thì giáo viên bắt buộc phải đi học thêm chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp mới với hạng cao hơn.

Tuy nhiên, từ ngày 30/5/2023, chỉ yêu cầu giáo viên các cấp có 01 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chung cho tất cả các hạng chức danh. Cụ thể:

Chỉ cần 01 loại chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên các cấp tương ứng. Ví dụ: Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông.

Các loại chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo hạng I, II, III đã cấp trước ngày 30/6/2022 đều được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học.

Các chứng chỉ này được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên không phải học thêm chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng hạng chức danh nữa.

Đối với giáo viên tuyển dụng mới thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong thời gian thực hiện chế độ tập sự.

Giáo viên các cấp không cần nộp minh chứng để chuyển sang hạng mới

Khoản 2 Điều 5 Thông tư 08/TT-BGDĐT quy định rõ: Không yêu cầu giáo viên phải cung cấp minh chứng về việc thực hiện nhiệm vụ của hạng khi bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định tại các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT.

Hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên Theo quy định tại Điều 36 Nghị định 115/2020/NĐ-CP thì hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên bao gồm:

1. Sơ yếu lý lịch viên chức theo quy định hiện hành được lập chậm nhất là 30 ngày trước thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, có xác nhận của cơ quan, đơn vị sử dụng viên chức;

2. Bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng viên chức hoặc của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập về các tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp của viên chức theo quy định;

3. Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng; Trường hợp viên chức có bằng tốt nghiệp chuyên môn đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học theo quy định mà tương ứng với yêu cầu của chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng thì được sử dụng thay thế chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; Trường hợp viên chức được miễn thi môn ngoại ngữ, môn tin học quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 39 Nghị định này thì được miễn chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học;

4. Các yêu cầu khác theo quy định của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng.

Thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên gồm mấy môn? Theo Điều 39 Nghị định 115/2020/NĐ-CP thì thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp có các môn sau: Môn kiến thức chung; Môn ngoại ngữ; Môn tin học; Môn nghiệp vụ chuyên ngành.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/thoi-su-phap-luat/thong-tu-082023bgddt-sua-doi-thong-tu-01-02-03-042021ttbgddt-ve-xep-luong-tieu-chuan-voi-giao-vien--82915.html

https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/thoi-su-phap-luat/03-quy-dinh-moi-ve-thang-hang-giao-vien-cac-cap-tu-3052023-tai-thong-tu-082023-cua-bo-giao-duc-83401.html

https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/thoi-su-phap-luat/luong-giao-vien-mam-non-nam-2023-thay-doi-ra-sao-muc-luong-cao-nhat-tu-ngay-01072023-la-11484000-do-59404.html

https://giaoduc.net.vn/quy-dinh-9-nam-moi-duoc-thang-hang-khien-nhieu-giao-vien-thpt-tam-tu-post226796.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên