Thú chơi cổ vật hoàng cung

29/07/2012 10:56
Nét mặt hân hoan vì tậu được chiếc ly bạch ngọc với giá tiền hơn 300 triệu đồng, ông Lê Kiều, đại gia ngành gỗ ở quận Phú Nhuận, TP HCM, khẳng định rằng đây là chén ngọc có một không hai trên thế gian.
"Từ một khối ngọc, nó được các nghệ nhân đẽo tạc, mài giũa nên hình hài tinh xảo. Điểm đặc biệt của chén bạch ngọc này ở chỗ nó từng là vật dùng của bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, vợ Vua Gia Long, người sáng lập triều Nguyễn", ông Kiều tin tưởng nói.

Không như dân chơi cổ vật bình thường, ông Hảo, 56 tuổi, chuyên sưu tầm cổ vật liên quan đến các triều vua Nguyễn tâm sự, ngoài sự quý giá về chất liệu, đồ ngự dụng còn quý ở giá trị lịch sử. Cứ nghĩ cảm giác mình được dùng cái chén, cái ly, cái tô… mà ngày trước vua, mẹ vua, vợ vua dùng thì thấy sung sướng.

Tuy nhiên, dân săn đồ ngự dụng bên cạnh niềm đam mê phải có lắm tiền. Bởi mỗi món đồ mà vua chúa sử dụng đều là ngọc ngà quý hiếm nên rất đắt.

Thu choi co vat hoang cung
Một số đồ ngự dụng tại bảo tàng cung đình Huế. Ảnh: An ninh thế giới.

Biệt thự của ông Hảo nằm ở khu dân cư Nam Long (quận 9, TP HCM). Trong căn phòng sang trọng rộng hơn 100 m2, giữa rừng cổ vật nào là sắc phong, bảo kiếm, ấn triện, tô sành chén sứ…, ông Hảo thổ lộ, ông tâm đắc nhất là chiếc lược làm từ sừng tê giác tinh xảo với hoa văn chạm khắc hình con chim phượng đài các.

Dân sưu tầm đồ ngự dụng như ông Kiều, ông Hảo có chung tâm tình rằng cổ vật của các vương triều trôi dạt, lưu lạc trong dân gian không quá hiếm, ai cũng có thể tung tiền để chọn một hay nhiều món đồ mà mình thích. Nhưng với những món đồ ngự dụng, tay chơi phải có duyên.

Ông Trần Sính, chủ một cửa hiệu đồ cổ ở phố Lê Công Kiều (quận 1) giãi bày: "Vua chỉ có một, hoàng hậu và hoàng thái hậu cũng chỉ có một nên đồ ngự dụng chỉ là con số nhỏ giọt. Rồi khi vua, hoàng hậu, thái hậu qua đời, những đồ này thường được chôn cùng chủ nhân của nó nên càng thêm hiếm. Qua những cuộc binh biến càng khiến đồ ngự dụng là báu vật hiếm có".

Cũng theo ông Sính, cổ vật hoàng cung còn lưu lạc hiện nay phần lớn là đồ sành sứ phục vụ ẩm thực của các vua triều Nguyễn, triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. "Đồ ngự dụng liên quan đến vua và hoàng hậu mà tôi từng thấy tận mắt đa phần là đồ phục vụ cho việc ăn trầu, hút thuốc, uống rượu và ăn cơm. Những món đồ này hầu hết là đồ sứ ký kiểu, nghĩa là triều đình vẽ kiểu rồi đặt hàng từ các xưởng sản xuất gốm sứ nổi tiếng ở Trung Quốc, Pháp sản xuất", ông Sính cho biết.

Biệt danh "vua ngự dụng", ông Linh, ở phường Đa Kao (quận 1), khoe đang lưu giữ 20 món đồ của các vua triều Nguyễn mà món nào cũng độc, lạ, quý. Đó là chiếc ấm trà thời Vua Thành Thái. Nó có quai rồng, vòi phượng và quan trọng trên hết là trong men chế tác ấm, trước khi nung lửa, nghệ nhân có trộn bột vàng ròng nên khi để trong đêm, nó hắt lên ánh vàng huyền bí. Hay đôi đũa ngọc chạm rồng làm từ ngọc lam, khảm ngà. Khi ngự thiện, Vua Gia Long dùng đũa này với chén bạch ngọc. Bộ chén đũa như thế có tác dụng hóa giải độc.

Ông Linh bật mí, riêng đôi đũa ngọc lam khảm ngà mà ông mua cách đây 2 năm có giá hơn 15 cây vàng, tính theo thời giá thị trường hiện nay là 600 triệu đồng.

Thu choi co vat hoang cung
Những cổ vật trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc. Ảnh: An ninh thế giới.

Tuy nhiên, không ai dám chắc những món đồ ngự dụng mà các tay chơi kể trên đang sở hữu có phải thực sự là đồ hoàng cung hay chỉ là giả cổ. Không như các tay chơi đều đoán chắc bảo vật hiếm có của mình là đồ vua dùng, ông Trần Sính khẳng định, "trên 99% là đồ giả cổ". Theo ông Sính, chuyện lọc lừa trong giới cổ vật, đặc biệt là trong lĩnh vực đồ ngự dụng nói riêng rất "khủng khiếp".

Để người mua tin mấy món đồ giả cổ là đồ ngự dụng, bọn gian thường dựng những kịch bản lừa siêu hạng, như giữa lúc "con mồi" xem món đồ thì xuất hiện vị khách sang trọng cũng đến xem. Sau một hồi trò chuyện, ông khách vờ tiếc rẻ vì không đủ tiền mua món đồ quý và bật mí cho "con mồi" vài địa chỉ của chuyên gia chuyên thẩm định cổ vật. Mấy tay "chuyên gia" sau khi săm soi đã khẳng định đó là "đồ thật" và ngỏ ý với ông khách nọ nếu không mua thì để lại cho mình bởi khó mà gặp cơ may trong đời. Nếu "con mồi" nhẹ dạ thì sẽ tin thật và "dính bẫy".

Ông Nguyễn, ngụ quận Gò Vấp chia sẻ, hiện có rất nhiều diễn đàn của dân sưu tập cổ vật, song có nhiều kẻ có mưu đồ xấu gia nhập, thi thoảng tung lên món đồ nào đó bảo là "đồ ngự dụng" rồi ngỏ lời nhờ mọi người thẩm định. Sau đó, chính kẻ tung món đồ này hoặc đồng bọn sẽ vào vai khách ghé thăm rồi tạo những phản hồi đại ý: "đúng là vật quý", "đích thị đồ ngự dụng rồi"… Từ những thông tin ảo, người bán sẽ đánh tiếng cần bán món hàng xưa nay hiếm. Trước cơn cuồng vọng sở hữu đồ độc, những tay chơi kém hiểu biết sẽ "hung hăng" lao vào mua.

Theo An ninh Thế giới

* Tên nhân vật được thay đổi