Thu hút người tài quan trọng nhưng giữ chân người tài còn quan trọng hơn!

27/02/2022 07:24
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phó Giáo sư Võ Thị Ngọc Thúy: “Thu hút và giữ chân người tài luôn là ưu tiên số 1 của người lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc phát triển đội ngũ giảng viên không chỉ đơn thuần đảm bảo yếu tố về số lượng, mà còn cần phải đảm bảo cả yếu tố chất lượng để nâng cao chất lượng giáo dục.

Các trường đại học muốn đạt được mục tiêu phát triển bền vững thì cần phải có chiến lược phát triển giảng viên rõ ràng, có các giải pháp để thu hút và giữ chân người tài đến làm việc và cống hiến.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy – Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen. (Ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy – Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen. (Ảnh: NVCC)

Bàn luận về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thị Ngọc Thúy – Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen nói rằng, hoạt động tuyển dụng, thu hút người tài đối với các trường đại học công lập và ngoài công lập có nhiều điểm tương đồng, song cũng có một số điểm khác biệt nhìn từ khía cạnh cơ chế. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là cơ sở giáo dục phải tạo được môi trường làm việc tích cực, thoải mái, giúp giảng viên thỏa mãn đam mê và định hướng nghề nghiệp của mình.

Có chính sách phù hợp với 2 nhóm giảng viên

Theo quan điểm của Phó Giáo sư Võ Thị Ngọc Thúy, có 3 vấn đề quan trọng để thu hút và giữ chân người tài làm việc tại trường đại học.

Thứ nhất, cơ sở giáo dục đại học phải hoạch định rõ ràng về mục tiêu, chiến lược phát triển của nhà trường, từ đó, hoạt động tuyển dụng, nâng cao chất lượng đội ngũ cũng phải thực hiện theo đúng hướng đi, chiến lược phát triển đó.

Bởi lẽ, bất cứ ứng viên nào lựa chọn công tác tại một đơn vị cũng sẽ tìm hiểu mục tiêu, đường hướng phát triển của đơn vị đó, để xem chiến lược phát triển của trường đại học có phù hợp với định hướng nghề nghiệp họ hay không.

Thứ hai, trường đại học phải tạo ra được cơ chế mở để giữ chân người tài – những người đã lựa chọn cùng cơ sở giáo dục thực hiện mục tiêu, chiến lược phát triển đã vạch ra.

Theo Phó Giáo sư Võ Thị Ngọc Thúy, một yêu cầu quan trọng là cần có chính sách điều chỉnh lương giảng viên một cách hợp lý.

Đối với các cơ sở công lập, mức lương của giảng viên được tính theo quy định, nên muốn có đội ngũ nhân lực chất lượng cao thì phải tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho một giảng viên được sống đúng với đam mê, định hướng của mình.

Thông thường, những người làm giáo dục thường hoạt động trong hai vai trò: đào tạo và nghiên cứu khoa học. Có giảng viên thiên về hướng nghiên cứu, có giảng viên lại mong muốn chuyên sâu hơn về công tác giảng dạy. Trường đại học phải cố gắng tạo điều kiện để họ được phát huy thế mạnh, sở trường và đam mê của mình.

Hiện nay, có nhiều trường đại học công lập đã làm tốt yêu cầu này. Ví dụ có trường lập ra quỹ để giảng viên làm khoa học, tạo điều kiện tốt nhất cho những người đam mê nghiên cứu. Hoạt động này cũng giúp các thầy cô tăng thêm thu nhập từ các đề tài, dự án nghiên cứu của mình.

Còn đối với cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, vì có một số điểm và cách làm mở hơn từ cơ chế tự chủ nên có thể linh hoạt và chủ động hơn trong việc áp dụng chính sách thu hút người tài.

Cở sở giáo dục có thể phân loại hai nhóm giảng viên khác nhau để áp dụng các chính sách phù hợp, bao gồm nhóm giảng viên theo định hướng đào tạo và nhóm giảng viên theo định hướng nghiên cứu.

“Trường Đại học Hoa Sen đào tạo theo định hướng ứng dụng, vì vậy, việc thực hiện thu hút nhân tài cũng phải theo đúng mục tiêu, chiến lược của nhà trường.

Và điều quan trọng là khi thu hút người tài vào là phải đảm bảo được môi trường làm việc mà họ mong muốn.

Chúng tôi tuyển dụng những giảng viên đã từng làm ở các vị trí cao trong các tập đoàn và doanh nghiệp lớn, những người đã từng là CEO của các công ty.

Với những giảng viên này, nhà trường tạo điều kiện để họ giảng dạy theo hướng thực hành ứng dụng, nghĩa là thầy cô không đơn thuần lên lớp giảng bài mà sẽ bắt tay thực hiện các dự án thực tế cùng sinh viên. Điều này vừa hỗ trợ tốt cho công tác đào tạo của nhà trường, vừa giúp các giảng viên có môi trường làm việc theo đúng định hướng, đam mê của mình”, cô Thúy cho biết.

Còn đối với những giảng viên có định hướng thiên về nghiên cứu khoa học, họ sẽ được chọn là giảng viên nghiên cứu và đào tạo, nhà trường sẽ có những chế độ để khuyến khích các thầy cô tham gia nghiên cứu bên cạnh hoạt động đào tạo.

Thực hiện chính sách này, Trường Đại học Hoa Sen đã đạt được những tín hiệu tốt trong việc thu hút và giữ chân nhân tài, thu hút được những nhà quản lý cấp cao ở các doanh nghiệp cũng như những nhà nghiên cứu giỏi.

Với cách phân chia ra 2 nhóm giảng viên như vậy sẽ tạo điều kiện môi trường làm việc tốt để họ an tâm cống hiến, cũng là cách tạo động lực cho đội ngũ giảng viên đại học hiện nay.

Vấn đề thứ ba trong mục tiêu thu hút người tài, phát triển đội ngũ giảng viên theo Phó Giáo sư Võ Thị Ngọc Thúy là cần phải tạo ra phúc lợi, sự gắn bó, gắn kết giữa những người đồng nghiệp với nhau, nhằm tạo ra một môi trường giáo dục thân thiện, tích cực và tiến bộ.

Luôn tìm cách gia tăng nhân tài cho trường đại học

Phó Giáo sư Võ Thị Ngọc Thúy cho biết, giáo dục là một loại hình dịch vụ đặc biệt, có sự tương tác giữa con người với con người. Dẫu những sản phẩm tài liệu, giáo trình có hay đến đâu, nếu không có đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên giỏi thì không thể có được chất lượng giáo dục.

Không chỉ giảng viên là người giữ vai trò quan trọng, tất cả những nhân viên trong nhà trường đều là những “mắt xích” không thể thiếu nhằm phục vụ quá trình đào tạo của nhà trường.

Chính vì vậy, việc thu hút nhân tài, tạo nên một nguồn lực đội ngũ chất lượng là vấn đề quan trọng của trường đại học.

“Với một cơ sở giáo dục, ngoài việc ổn định nhân sự thì phải đào tạo và đào tạo liên tục cho các thầy cô, phải luôn tìm cách để tăng thêm nhân tài.

Ở các trường ngoài công lập, với cơ chế tự chủ, nhà trường thuận lợi và chủ động hơn trong cách làm, khi tìm thấy người tài ở các lĩnh vực khác nhau, chúng tôi sẵn sàng thành lập các tổ chức, trung tâm đào tạo của cơ sở đó để họ đào tạo bổ sung thêm cho sinh viên.

Tôi muốn nhấn mạnh một điều, việc thu hút người tài quan trọng nhưng giữ chân người tài còn quan trọng hơn. Các trường cần xây dựng được môi trường, điều kiện làm việc tốt để tạo nên sự ổn định, sự đồng bộ về chất lượng đội ngũ”, Cô Thúy cho hay.

Theo Phó Giáo sư Võ Thị Ngọc Thúy, hiện nay, chế độ cho những người làm giáo dục vẫn chưa thực sự tương xứng với những đóng góp lao động của họ. Bởi những nhà giáo đang thực hiện nhiệm vụ quan trọng của một đất nước.

Vẫn còn tình trạng nhiều giảng viên, giáo viên vừa tham gia giảng dạy vừa phải làm thêm những công việc không liên quan đến giáo dục để tăng thêm thu nhập. Điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo, chất lượng giáo dục.

“Nếu nói rằng, "giáo dục là quốc sách hàng đầu" thì phải có những chính sách tiên quyết, thực sự xứng đáng với một lĩnh vực là quốc sách hàng đầu. Và việc đầu tiên cần làm là có những đổi mới trong chế độ dành cho giảng viên, giáo viên các cấp.

Đây là bài toán mà Nhà nước phải thực sự quan tâm, vì mục tiêu chất lượng giáo dục và sự phát triển của đất nước”, lãnh đạo Trường Đại học Hoa Sen bày tỏ quan điểm.

Phạm Minh