Thủ khoa ĐH Kinh tế - Luật chia sẻ bí quyết học tốt: Nghiêm khắc với chính mình!

23/12/2022 06:35
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Lập kế hoạch học tập theo ngày, nghiêm khắc và tự tạo áp lực cho bản thân là cách Nguyễn Thị Thanh Như đạt 29,4 điểm - thủ khoa đầu vào ĐH được vinh danh.

Mới đây, Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Vinh danh thủ khoa” năm 2022, nhằm tôn vinh, tuyên dương gương sinh viên đạt thủ khoa tuyển sinh, thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học, học viện, cao đẳng trên địa bàn thành phố.

Trong tổng 75 thủ khoa được Ban Thư ký Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh xét chọn, có 40 thủ khoa trúng tuyển và 35 thủ khoa tốt nghiệp đại học, học viện, cao đẳng.

Một trong những gương mặt tiêu biểu đó là Nguyễn Thị Thanh Như, tân sinh viên Khoa Kinh tế đối ngoại, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Nữ sinh là thủ khoa đầu vào toàn trường với 29,4/30 điểm. Trước đó, nữ sinh từng đạt nhiều giải thưởng, thành tích ấn tượng ở cấp trung học phổ thông.

Nguyễn Thị Thanh Như, thủ khoa đầu vào Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 được Hội sinh viên Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh vinh danh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nguyễn Thị Thanh Như, thủ khoa đầu vào Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 được Hội sinh viên Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh vinh danh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Không có hoàn cảnh nào tuyệt vọng, chỉ có người tuyệt vọng vì hoàn cảnh"

Nguyễn Thị Thanh Như sinh ra ở vùng quê giáp biên giới của tỉnh Long An, trong gia đình có 4 thành viên. Ngay từ nhỏ, Thanh Như nhận ra được sự cực khổ, thiếu thốn của gia đình, sự khó khăn vẫn còn hiện hữu trên quê hương nên luôn có ý thức vươn lên, học giỏi.

“Em hiểu cuộc sống của gia đình, bố mẹ đầy rẫy lo toan, bộn bề, kiếm từng đồng học phí trang trải cho em đến trường. Em luôn trân trọng và đặt mục tiêu phấn đấu, cố gắng hết sức mình để hy vọng sau này sẽ có cuộc sống gia đình khá giả hơn, góp một phần sức mình xây dựng và phát triển quê hương”, Thanh Như chia sẻ.

Chia sẻ về mục tiêu lựa chọn ngành, trường đại học, Thanh Như nói: “Em yêu thích lĩnh vực kinh tế, nhất là mong tìm kiếm cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế, hội nhập, học hỏi các quốc gia trên thế giới để phát triển kinh tế trong nước. Sau khi tham khảo định hướng từ những người đi trước, ngành Kinh doanh quốc tế, Khoa Kinh tế đối ngoại, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh sẽ là đòn bẩy để em từng bước thực hiện mục tiêu của mình".

Sau khi xác định ngành, trường đại học, Thanh Như chủ động lên kế hoạch học tập, ôn luyện. Với nền tảng học tốt, Thanh Như xuất sắc đạt 29,4 điểm và trở thành thủ khoa đầu vào toàn trường.

Chia sẻ về thành tích, Thanh Như nói: "Em luôn cố gắng duy trì phong độ học và hoàn thiện mình tốt hơn theo phương châm: “Không có hoàn cảnh nào tuyệt vọng, chỉ có người tuyệt vọng vì hoàn cảnh”.

Không một ai có quyền lựa chọn nơi mình sinh ra. Thay vì than trách hoàn cảnh, hãy lấy chính hoàn cảnh là lý do để bắt đầu. Khi bản thân thành công trong chính hoàn cảnh khó khăn ấy, đó mới thật sự là đáng tự hào".

Chia sẻ về phương pháp học tập, theo Thanh Như, chỉ cần thật sự nghiêm khắc với chính mình trong tất cả mọi việc.

“Thông thường, khi làm bất cứ công việc nào, em sẽ tập trung hoàn toàn vào công việc đó. Ví dụ, khi học bài, em sẽ dành 100% sự tập trung. Nhờ đó, em có thể dễ dàng nhớ và hiểu bài lâu hơn, đồng thời giúp em tránh mất nhiều thời gian ôn lại trước những kỳ kiểm tra.

Em luôn dành một khoảng thời gian nhất định để đánh dấu, vạch ra kế hoạch những việc cần làm trong ngày. Điều này không chỉ giúp em không quên, mà còn giúp đánh giá hiệu quả công việc từng ngày đến đâu, dễ dàng điều chỉnh sao cho tốt hơn”, Thanh Như chia sẻ.

Trên hành trình thành công luôn có sự quan tâm, dõi theo của những cô giáo tận tụy

Có lẽ người để lại cho Thanh Như ấn tượng sâu sắc và cảm mến nhất là cô giáo đã mất của mình, cô Trần Thị Thúy Liễu - giáo viên dạy Toán cấp trung học cơ sở.

Theo dòng tâm sự, Thanh Như kể, năm lớp 6, em có ý định bỏ học Toán vì cảm thấy áp lực trước những đề bài khó. Khi đó, chính cô đã khuyên và tiếp thêm động lực, nhóm lửa và thổi bùng lên niềm đam mê môn Toán của em trở lại.

“Cô không chỉ là giáo viên, mà còn là người mẹ thứ hai của em. Cô giúp em tìm lại tình yêu với Toán học, luôn sẵn sàng truyền nguồn động lực mạnh mẽ cho em trước những kỳ thi quan trọng.

Cô dạy em môn Toán lớp 6 và ôn thi đội tuyển Toán lớp 9. Quãng thời gian ôn thi đội tuyển, 1 thầy, 1 trò nên ngoài chú trọng vào kỳ thi, cô dạy cho em cách làm thế nào để đạt điểm cao kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Em nhớ mãi cái ôm tiếp động lực của cô trước cổng trường trung học phổ thông ngày kỳ thi tuyển sinh vào 10 diễn ra. Nhờ cái ôm, cùng những bài học mà cô dạy, đã giúp em đạt điểm 10 môn Toán. Bất ngờ hơn, cô cũng chính là người báo tin mừng khi em trở thành thủ khoa đầu vào của Trường Trung học phổ thông Kiến Tường (Long An). Em thật sự biết ơn cô rất nhiều. Chỉ tiếc, ngày em trở thành thủ khoa đầu vào trường đại học thì không còn cô để báo tin mừng”, Thanh Như bộc bạch.

Với thành tích học tập ấn tượng cùng kết quả thi đại học xuất sắc, nhất là được nhận bằng khen của Hội sinh viên Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Như gửi lời tri ân đến nhà giáo quá cố và không quên cảm ơn gia đình, những thầy cô giáo cũ.

“Sự chăm sóc từng li từng tí của mẹ, những giọt mồ hôi của bố là động lực để em nỗ lực, trưởng thành hơn từng ngày.

Cảm ơn cô Nguyễn Thị Thúy An (giáo viên chủ nhiệm lớp 10) đã luôn theo sát, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ em trong suốt quá trình học tập cũng như các hoạt động của trường, lớp”, Thanh Như xúc động.

Nhắc về học trò cũ, nhà giáo Nguyễn Thị Thúy An, giáo viên dạy môn Toán, chủ nhiệm Thanh Như lớp 10 cho biết, Thanh Như ngoan, có ý thức tự giác rất cao.

Nhà giáo Nguyễn Thị Thúy An, giáo viên dạy môn Toán, chủ nhiệm Nguyễn Thị Thanh Như lớp 10. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nhà giáo Nguyễn Thị Thúy An, giáo viên dạy môn Toán, chủ nhiệm Nguyễn Thị Thanh Như lớp 10. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

“Thanh Như là thủ khoa đầu vào của Trường Trung học phổ thông Kiến Tường, nên so với mặt bằng chung của lớp, em nổi trội hơn hẳn. Tôi mừng khi trực tiếp là giáo viên chủ nhiệm lớp 10 của Thanh Như.

Đạt điểm cao, nhưng ngay từ những ngày đầu nhập học cấp 3, Thanh Như không tỏ ra kiêu ngạo mà nhanh chóng hòa đồng với bạn bè, tình cảm và rất tâm lý. Đặc biệt, khi học sinh trong lớp có tâm tư khó nói, hoặc gặp vấn đề khó khăn, Thanh Như là người trực tiếp chia sẻ, hỏi han, là cầu nối giữa giáo viên với các bạn trong lớp. Nhờ đó, việc dạy học cũng như quản lý của giáo viên chủ nhiệm được thuận lợi hơn rất nhiều”, cô An chia sẻ.

Dù chỉ làm giáo viên chủ nhiệm năm lớp 10, nhưng cô An vẫn luôn dõi theo, hỗ trợ Thanh Như trong suốt 3 năm học trung học phổ thông và cho đến bây giờ.

“Tôi nhớ, năm lớp 10, Thanh Như có khả năng học tốt và là thành viên trong đội tuyển học sinh giỏi môn Toán nên ngoài làm các bài trong sách giáo khoa, tôi sẽ giao riêng cho Thanh Như những bài tập nâng cao hơn để em mở rộng kiến thức, đáp ứng yêu cầu kỳ thi chọn học sinh giỏi.

Thanh Như luôn thể hiện tinh thần chủ động, thường xuyên tìm kiếm dạng bài tập theo nhiều kênh, nguồn khác nhau. Trước câu hỏi khó, em quyết tâm tự tìm lời giải bằng được. Chỉ những câu hỏi quá hóc búa, Thanh Như mới tìm đến giáo viên để xin gợi ý”, cô An cho biết.

Cũng theo cô An, Thanh Như tự tạo cho mình áp lực để phấn đấu nên có thời điểm, em đặt nặng vấn đề học tập, dễ suy sụp nếu kết quả không như mong muốn, mục tiêu đề ra.

“Có tinh thần học tốt là điều đánh giá cao, nhưng quá đặt nặng vấn đề học, thi, điểm số và thành tích lại thành rào cản, nhược điểm của Thanh Như.

Ngày biết kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh không như ý nguyện, Thanh Như chia sẻ với tôi. Khi đó, Thanh Như hơi nản và lo sợ bản thân sẽ thất bại trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Vì có thành tích học rất tốt ở các lớp dưới, nên em luôn mang trong mình tâm lý, áp lực hiện hữu là phải đạt điểm cao trong tất cả các kỳ thi. Tôi luôn khuyên em rằng, tập trung vào mục tiêu cuối cùng bằng hết khả năng của mình mới là điều quan trọng nhất”, cô An chia sẻ thêm.

Biết tin học trò trở thành thủ khoa đầu vào trường đại học, cô An không giấu được niềm vui: “Tôi tự hào, tin tưởng cô học trò sẽ có thêm những thành tích nổi bật trên giảng đường đại học. Nhưng tôi cũng mong Thanh Như sẽ dần giải phóng những áp lực học tập, chú trọng xây đắp giá trị tâm hồn và dung hòa các mối quan hệ xã hội. Bởi, điểm số không phải là yếu tố duy nhất quyết định trình độ, thành công của mỗi người”.

Rèn kỹ năng tự học ở bất cứ đâu

Bước vào môi trường đại học, cũng giống như những sinh viên khác, Thanh Như lúc đầu cảm thấy ngỡ ngàng.

Theo Thanh Như, cách học đại học hoàn toàn khác xa với cách học ở bậc trung học phổ thông. Yếu tố rõ nhất là đòi hỏi người học phải chủ động tìm tòi, tự nghiên cứu.

“Giảng viên là người truyền đạt kiến thức nền tảng, sinh viên là người tiếp thu, đồng thời cũng là người áp dụng tri thức đã học thật tốt vào thực tiễn.

Ở trong môi trường hầu như bạn bè ai cũng giỏi khiến em cảm thấy mình cần phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để không tụt lại phía sau.

Năm nhất, chủ yếu em sẽ học các môn đại cương. Trong đó, em yêu thích nhất là môn Giới thiệu ngành Kinh doanh quốc tế. Bởi vì, những kiến thức của môn học này gần gũi, thiết thực nên có thể áp dụng ngay vào trong thực tiễn đời sống. Ngoài ra, những hoạt động làm việc nhóm về xây dựng một dự án kinh doanh quốc tế khiến em cảm thấy thú vị, tạo cảm giác như mình đang thực hành làm việc trong môi trường doanh nghiệp thực thụ”, Thanh Như chia sẻ.

Nguyễn Thị Thanh Như (áo xanh) trong buổi làm bài tập nhóm, lớp đại học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nguyễn Thị Thanh Như (áo xanh) trong buổi làm bài tập nhóm, lớp đại học. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trái ngược, môn Kinh tế vi mô lại là thử thách đối với Thanh Như bởi kiến thức nặng, trừu tượng hơn những môn đại cương khác. Do đó, sau mỗi giờ lên giảng đường, hoặc thời gian rảnh, Thanh Như thường chủ động trao đổi với bạn học về những vấn đề chưa hiểu rõ. Nhờ đó, những bài tập lớn, nghiên cứu của Thanh Như thường hoàn thành suôn sẻ.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, Thanh Như sẽ cố gắng cân bằng giữa việc học và việc tham gia các hoạt động đoàn, hội ở trường đại học. Bởi, em hiểu rằng học tập thôi là chưa đủ, việc tham gia các hoạt động sẽ giúp em có thêm nhiều kĩ năng, mở rộng mối quan hệ, ngày càng chín chắn, tự tin hơn.

Một số thành tích nổi bật của Nguyễn Thị Thanh Như:

12 năm đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện.

Đạt giải Nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn cấp trường năm học 2014-2015.

Đạt Giải II trong kỳ thi giải toán bằng tiếng Việt trên Internet cấp thị xã năm học 2015-2016; 2016-2017.

Đạt giải Nhất môn Toán cấp trường năm học 2018-2019.

Đạt giải Khuyến khích kỳ thi chọn học sinh giỏi bộ môn văn hóa cấp thị xã, tỉnh năm học 2018-2019.

Thủ khoa đầu vào Trường Trung học phổ thông Kiến Tường.

Học sinh “3 Tốt” cấp trường năm học 2021-2022.

Thủ khoa đầu vào Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Vinh danh và nhận Bằng khen của Hội sinh viên Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh.

Ngọc Mai