Thứ trưởng Bộ GD: “Cần thay đổi quan điểm, các trường ĐH tự chủ là phải tự lo"

22/04/2023 06:20
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, cần cùng nhau tháo gỡ chính là thay đổi quan điểm, tư tưởng về tự chủ đại học.

Ngày 21/4, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về tự chủ đại học với chủ đề “Trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học: Kết quả, bài học kinh nghiệm và những yêu cầu trong giai đoạn mới”.

Quyền lực hội đồng trường còn rất hạn chế

Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư Bùi Văn Ga – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, tuy Luật Giáo dục Đại học đã quy định rất rõ quyền lực quyền lực của hội đồng trường, nhưng thực tế thì quyền lực của hội đồng trường lại rất hạn chế.

Hoạt động của hội đồng trường ở nhiều trường đại học còn mang tính hình thức, trách nhiệm giải trình và trách nhiệm xã hội còn rất mờ nhạt.

Ngoài ra, có việc cơ quan chủ quản can thiệp vào các vấn đề tự chủ, đặc biệt là bộ máy quản lý, nhân sự và đầu tư của các cơ sở giáo dục đại học.

Giáo sư Bùi Văn Ga phát biểu tại hội thảo (ảnh: P.L)

Giáo sư Bùi Văn Ga phát biểu tại hội thảo (ảnh: P.L)

Giáo sư Bùi Văn Ga đưa ra ví dụ, tại Đà Nẵng có trường hợp lãnh đạo Sở, ngành đảm nhiệm vai trò thành viên hội đồng trường ở 3, 4 trường khác nhau, nên cũng không có thời gian nghiên cứu tài liệu, góp ý.

Nhắc đến việc thời gian gần đây, nhiều trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh còn khuyết vị trí hiệu trưởng trong thời gian dài, chỉ có phó hiệu trưởng phụ trách, nên nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng nên nghiên cứu lại cơ chế quy định việc bổ nhiệm hiệu trưởng, hội đồng trường, xem vướng ở đâu để có các chính sách cho phù hợp.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, nếu cứ để tình trạng này kéo dài các trường sẽ không thực hiện được các mục tiêu đề ra.

Giáo sư Bùi Văn Ga nhấn mạnh, khi các trường đại học vẫn còn cơ quan chủ quản như hiện nay, thì phương án tốt nhất là nhất thể hóa theo mô hình như các Đại học Quốc gia để tránh sự chồng lấn, xung đột của vai trò hiệu trưởng, hủ tịch hội đồng trường và bí thư đảng ủy.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình chia sẻ quan điểm tại hội thảo (ảnh: P.L)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình chia sẻ quan điểm tại hội thảo (ảnh: P.L)

Đồng quan điểm này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, năng lực tự chủ cũng khiến cho nhiều trường đại học e dè.

"Hiện chúng ta đang chuyển cơ chế quản lý từ hiệu trưởng sang hội đồng trường. Luật đã quy định rất rõ vai trò, nhiệm vụ của hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường.

Nhưng khi các trường triển khai thực hiện chủ trương của hội đồng trường thì kiểm tra, giám sát các mục tiêu, chiến lược, cơ chế tài chính…cơ quan giám sát như kiểm toán lại không thống nhất, gây khó cho quá trình thực hiện. Đây rõ ràng là sự bất cập trong quản lý, vận hành luật” – Phó Giáo sư Phan Thanh Bình nêu.

Cần thay đổi quan điểm về tự chủ đại học

Phát biểu kết luận tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, bản chất của tự chủ là phát huy tối đa nguồn lực, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống.

Vì vậy, những chính sách xây dựng cũng phải thực hiện theo nội dung này, do bản chất của tự chủ là phân quyền, phân quyền theo các cấp sao cho phát huy tốt nhất các giá trị của hệ thống.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, kết quả từ hội thảo cũng đã chứng minh được tính hiệu quả, thành công của các trường, hệ thống giáo dục đại học đã đạt được, và thực tế đã có những thay đổi mang tính căn bản trong hệ thống giáo dục đại học, dù chưa sâu sắc và chưa toàn diện.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu kết luận hội thảo (ảnh: P.L)

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu kết luận hội thảo (ảnh: P.L)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, trở ngại lớn nhất chính là chưa thay đổi tư tưởng, quan điểm khiến cho việc chỉnh sửa, triển khai các văn bản chưa đồng bộ.

“Năng lực không phải là vấn đề đáng quan ngại, năng lực hình thành trong quá trình thực hiện, cái đáng quan tâm và cùng nhau tháo gỡ chính là thay đổi về quan điểm, tư tưởng về tự chủ đại học”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, quan điểm và nhận thức của các đơn vị hiện nay trong việc thực hiện tự chủ đại học là luật trao cho ta quyền gì, tăng thẩm quyền ra sao.

Ranh giới giữa tự chủ và tự do, giữa Nhà nước và các cơ sở giáo dục đại học, giữa các cơ sở giáo dục với xã hội, với người học ra sao khiến cho nhiều đơn vị, cán bộ quản lý còn dè dặt trong việc triển khai.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị cần thay đổi quan điểm là các trường đại học tự chủ là phải tự lo.

Cuối cùng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các ban ngành, cơ sở giáo dục đại học cần chủ động, quyết liệt hơn nữa, đẩy mạnh việc truyền thông Nghị quyết 29-NQ/TW, để việc đánh giá, tổng kết làm sao cho xã hội, người học thấy rõ được những mặt tích cực, tồn tại đang có cần tháo gỡ, giúp các đơn vị nhận diện rõ vấn đề, những nhận định, đánh giá có tính thuyết phục hơn, nhằm triển khai nghị quyết có hiệu quả hơn.

Việt Dũng