"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tập thể Chính phủ đã để lại những dấu ấn tốt"

28/01/2017 00:48
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - TS.Nguyễn Minh Phong: "Phát ngôn mạnh mẽ của Thủ tướng, sự chuyển động nhanh hơn của tập thể Chính phủ cho thấy quyết tâm hành động và sự cầu thị cao".

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhân dịp đón Xuân Đinh Dậu, Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, Chính phủ đã để lại nhiều dấu ấn trên các phương diện kinh tế - xã hội của đất nước, đó là tiền đề mở ra nhiều điều tốt đẹp trong năm 2017.

- Ông có đánh giá gì về nỗ lực của Chính phủ trong năm vừa qua, nhất là những chuyển động theo hướng “liêm chính – kiến tạo – hành động”?

TS.Nguyễn Minh Phong:
Năm 2016 là năm có nhiều ý nghĩa, khởi đầu của cái gì đó mới mẻ hơn, khác với những năm trước đó. Cảm nhận rõ nhất là những quyết sách của Chính phủ hướng trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp, vì vậy hy vọng vào tính thanh liêm kiến tạo của Chính phủ cũng đậm hơn.

Có thể nói rằng kết thúc năm 2016 cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tập thể Chính phủ đã để lại những dấu ấn tốt.

Điểm thứ hai nữa là qua một loạt các chỉ đạo của Thủ tướng, phát ngôn mạnh mẽ của Thủ tướng, sự chuyển động nhanh hơn của tập thể Chính phủ cho thấy quyết tâm hành động và sự cầu thị cao hơn.

Thủ tướng đã lập ra Tổ công tác kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, của Chính phủ, nhằm hiện thực hóa tốt hơn nữa quyế tâm “liêm chính – kiến tạo – hành động”.

Cách đây gần 2 tháng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hơn một lần nhắc nhở không kéo nhau đến chúc Tết lãnh đạo và ngay lập tức có sự chuyển động tốt hơn ở các cấp. Đây là một cái mới! Mặc dù trước đây cũng có một vài lần hò hét nhưng không có chuyển biến đáng kể.

TS.Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần phải coi doanh nghiệp tư nhân là động lực tăng trưởng chính và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. ảnh: Vân Khánh.
TS.Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần phải coi doanh  nghiệp tư nhân là động lực tăng trưởng chính và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. ảnh: Vân Khánh.

Ở góc độ kinh tế, nền tảng cơ bản là tốt. Một là môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, diễn đàn thế giới tăng tới 14 bậc; xét về mặt xuất khẩu qua biên giới tốt. Còn theo đánh giá của Word Bank thì tăng 9 bậc và một loạt các chỉ tiêu cải thiện môi trường đầu tư cũng tăng lên.

Sự chuyển động mạnh mẽ từ Chính phủ đã tác động tới các địa phương, tiếp tục tháo gỡ các thủ tục hành chính, tạo sự thuận lợi cho môi trường đầu tư, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp ngày càng tăng lên.

Đáng chú ý đó là sự bùng nổ của các doanh nghiệp tư nhân đăng ký mới đi vào hoạt động, trong năm 2016 có hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đạt gần 800.000 tỷ đồng; có tới 26.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại; dự trữ ngoại hối cũng ở mức rất cao với 41 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay.

Một điểm nhấn nữa rất đáng chú ý là những sự dịch chuyển mang tính chất chất lượng cũng rõ hơn, đó là việc xuất khẩu hoa quả tăng mạnh nhất 2,6 tỷ USD so với gạo trên 1,5 tỷ USD.

Đặc biệt là chúng ta đã áp dụng những công nghệ mới để đảm bảo xuất khẩu lâu dài hàng năm cho các địa phương khác, các nước khác cực kì mạnh mẽ.

Tới đây, nếu như Chính phủ thúc đẩy thêm được vấn đề xuất khẩu chính ngạch hàng nông sản chất lượng cao thì sẽ tiếp tục tạo dấu ấn mạnh. 

- Vậy có những khó khăn nào đang chờ đợi Chính phủ, thưa ông?

TS.Nguyễn Minh Phong: Chính phủ luôn phải đối diện với nhiều khó khăn, và trong phạm vi của cuộc trao đổi lần này, tôi chỉ xin nêu ra một số vấn đề lớn cần phải lưu tâm.

Thứ nhất, đi liền với kế hoạch phát triển nông sản chất lượng cao là phải ngăn chặn từ gốc hàng xấu, hàng kém chất lượng, hóa chất độc hại, kiểm soát tốt môi trường bên trong. Nếu như khâu này lỏng lẻo thì lập tức mất uy tín và ảnh hưởng nghiêm trọng tới xuất khẩu.

Tôi cho rằng đây cũng là nhiệm vụ quan trọng trong năm nay của Thủ tướng và tập thể Chính phủ, vì nó là một kênh tạo nên triển vọng tốt của nền kinh tế.

Thứ hai là năm qua chúng ta phải đổi diện với vụ việc ô nhiễm biển nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và làm xáo trộn đời sống của ngư dân các tỉnh miền Trung. 

Từ vụ việc này cũng đặt ra vấn đề phải ngăn chặn triệt để, không bao giờ xảy ra thêm một vụ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nữa. Đây cũng là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong năm 2017.

"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tập thể Chính phủ đã để lại những dấu ấn tốt" ảnh 2

Kịch bản nào cho nền kinh tế Việt Nam năm 2017?

Chắc chắn những sự cố lớn xảy ra trong năm 2016 đã có một thông điệp rất quan trọng là đến lúc phải coi môi trường là một cuộc chiến thực sự chứ không phải chỉ là đánh nhau với bọn buôn lậu, chống diễn biến hòa bình...

Chúng ta phát triển kinh tế nhưng đồng thời phải có sự quan tâm tới hậu quả có thể xảy ra với giống nòi.

Thứ ba là vấn đề an sinh xã hội. Tính theo tiêu chí nghèo đa chiều thì con số đã lên tới hơn 10% rồi; cộng thêm với số lượng cận nghèo nữa thì thấy vấn đề việc làm, giải quyết an sinh xã hội cũng là một nhiệm vụ nặng nề của Chính phủ trong năm 2017.

Cuối cùng là cuộc chiến chống tham nhũng của năm 2016 còn nhiều tồn tại. Vấn đề này Thủ tướng đang quyết tâm giải quyết, nhưng nó cũng cần có nỗ lực chung của cả bộ máy. Tôi tin rằng, Thủ tướng quyết liệt và cả tập thể Chính phủ cũng quyết liệt thì cuộc chiến chống tham nhũng sẽ có thêm nhiều kết quả tốt.

Hàng nông sản chất lượng cao đang là thế mạnh của Việt Nam. ảnh: TTXVN.
Hàng nông sản chất lượng cao đang là thế mạnh của Việt Nam. ảnh: TTXVN.

- Những khó khăn ấy dường như đang tạo nhiều sức ép hơn lên nền kinh tế và khiến cho mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% là một thách thức lớn, thưa ông?

TS.Nguyễn Minh Phong: Chắc chắn mục tiêu tăng trưởng 6,7% là một thách thức rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại, vì những lý do sau:

Thứ nhất, thế giới nói chung có nhiều nền kinh tế lớn cũng chưa có những dấu hiệu thực sự khả quan. Thí dụ các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh, Trung Quốc, Châu Âu đều kém đi; Nga thì chưa phục hồi.

Những đầu tầu kinh tế sẽ kém đi trong khi giá dầu lại tăng lên sẽ là một rào cản đáng kể.

Như vậy, ở đây có hai yếu tố: Một là thị trường để tiêu thụ kém đi, trong khi chi phí đầu vào lại tăng lên, vậy thì sức ép vào kinh tế Việt Nam lại nhiều hơn.

"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tập thể Chính phủ đã để lại những dấu ấn tốt" ảnh 4

"Người dân và doanh nghiệp còn rất khổ cực khi tiếp xúc với cơ quan nhà nước"

Đấy là chưa kể đồng tiền của nhiều quốc gia cũng có biến động khá mạnh. Và nếu TTP lại bị kết thúc chẳng hạn hay bị trục trặc thì sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới đầu tư FDI.

Thứ hai, ở trong nước, đầu tư công đã tới giới hạn rồi, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì vẫn chậm, lực đẩy hiện nay chưa tốt. Lấy đâu ra nguồn vốn đầu tư và đầu tư hiệu quả là một bài toán rất nan giải.

Chưa kể, Chính phủ đang phải giải quyết nhiều dự án thua lỗ lớn, dù có cơ cấu hay bán cho tư nhân cũng không phải dễ dàng gì.

Nếu chỉ để đạt GDP hình thức thì rất dễ, có thể vay nợ đầu tư vào cái này, cái kia là xong. Tức là để tăng GDP chỉ cần tăng đầu tư thôi. Nhưng nó không bền vững.

Còn muốn tăng bền vững thì chỉ có một cách duy nhất là mời doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước đầu tư nhiều hơn. Chúng ta phải thừa nhận thẳng thắn với nhau rằng, lúc này kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng chính.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển tốt nhất. Nói cách khác là khu vực tư nhân trở thành động lực chính, chỉ khi ấy mới bền vững được, chỉ khi ấy mới nhanh được.

Nhưng hiện nay vẫn còn một số lĩnh vực chỉ thấy doanh nghiệp nhà nước, thí dụ như xăng dầu chẳng hạn. Tôi cho rằng, nhà nước kiểm soát tài nguyên là đúng, vì cái này còn liên quan tới an ninh quốc gia.

Nhưng kinh doanh xăng dầu bán lẻ thì hoàn toàn có thể để tư nhân làm, thậm chí doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh cũng được. Thị trường có tính cạnh tranh cao thì càng tốt, càng minh bạch, dẹp được lợi ích nhóm.

Bên cạnh đó, phải tiếp tục đẩy mạnh cho phát triển nông nghiệp chất lượng cao như đã làm tốt thời gian qua thì mới đảm bảo được uy tín xuất khẩu; đồng thời tiếp tục làm tốt hơn nữa với công nghệ chế biến.
 
Thứ ba là một số tập đoàn kinh tế tiếp tục đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam, phải tận dụng sự hợp tác để phát triển thành chuỗi các doanh nghiệp Việt cùng kết hợp sản xuất, lắp ráp.

Đặc biệt là nếu làm tốt hơn nữa thì có một điểm sáng rất mới đó là dịch chuyển dòng lao động chất lượng cao sang khu vực ASEAN và các nước khác. Cái này đòi hỏi anh phải có ý thức.

Ví dụ hàng chục nghìn cử nhân thất nghiệp, hoàn toàn có thể đào tạo thêm kỹ năng làm việc cộng với ngoại ngữ theo yêu cầu từ thị trường lao động các nước có nền kinh tế phát triển.

Như vậy, vừa giải quyết được một phần bài toán an sinh xã hội, mà số lao động đưa đi nước ngoài hoàn toàn có thể nâng cao trình độ và tạo ra hiệu ứng rất tốt cho các bạn trẻ khác. 

Số lao động này khi đã làm tốt công việc ở các nước phát triển thì hoàn toàn có thể phát huy tinh thần khởi nghiệp, đưa nguồn lực trở lại phát triển kinh tế Việt Nam.
 
Trân trọng cảm ơn chia sẻ của ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)