"Thủ tướng quyết liệt xử lý trách nhiệm người đứng đầu, tôi rất ủng hộ"

23/11/2015 13:58
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo bày tỏ như vậy khi bàn về việc đổi mới tư duy phục vụ doanh nghiệp và người dân.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, việc Thủ tướng yêu cầu xem xét hình thức xử lý kỷ luật với những người đứng đầu là hết sức cần thiết, nhằm đổi mới tư duy phục vụ doanh nghiệp và người dân.

- Liên quan đến chuyện tái cơ cấu nền kinh tế thì việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng được đem ra bàn rất nhiều trong thời gian qua. Theo ông, việc chây ì, chậm cổ phần hóa cần phải xử lý thế nào?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo: Tôi được biết là Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể nếu cổ phần hóa chậm hoặc không cổ phần hóa.

Chúng ta biết rằng, bấy lâu nay doanh nghiệp nhà nước được ưu tiên đủ thứ, nào là vốn, nào là ngành hàng, nào là đất đai cơ sở hạ tầng, thế nhưng lại đứng trên cả thị trường cho nên sẽ làm méo mó thị trường, gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Chính vì không thể để tồn tại cái kiểu tư duy coi ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước như một bầu sữa rồi bám mãi vào ấy, nên Thủ tướng mới quyết liệt yêu cầu cổ phần hóa, còn nếu không thì sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Đó là mệnh lệnh cứng rắn và cần thiết cho đất nước.

Tôi cũng rất mừng vì không chỉ có cổ phần hóa là xong, mà Thủ tướng còn chỉ đạo đối doanh nghiệp có vốn nhà nước hàng năm còn phải công khai kế hoạch hoạt động để toàn dân biết, và nếu 2 năm liên tiếp thua lỗ thì người đứng đầu bị hạ lương, thậm chí bị buộc thôi việc. Nếu mắc sai phạm lớn thì còn bị xử lý trách nhiệm hình sự. Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này.

Tôi được biết, vừa mới đây, trong Chỉ thị số 28, Thủ tướng Chính phủ còn yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ phối hợp đề xuất hình thức xem xét trách nhiệm của các Bộ trưởng, trưởng ngành nếu chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoặc chất lượng văn bản ban hành yếu kém.

Tôi rất ủng hộ khi Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, trưởng ngành, vì phải làm rõ trách nhiệm từ những cấp cao như vậy thì cấp dưới không còn dám nhũng nhiễu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, những quyết định siết chặt kỷ cương của Thủ tướng Chính phủ là hết sức quan trọng trong quá trình tái thiết lại nền kinh tế. Ảnh: Ngọc Quang.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, những quyết định siết chặt kỷ cương của Thủ tướng Chính phủ là hết sức quan trọng trong quá trình tái thiết lại nền kinh tế. Ảnh: Ngọc Quang.

- Trong cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương cách đây mấy tháng, Thủ tướng Chính phủ đã nói rằng, quy định trên giấy mà cán bộ mình ở dưới không thực hiện nghiêm thì nói là bao nhiêu giờ cũng không thực hiện được. Ông có cảm nhận gì về phát biểu này?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo: Thủ tướng đã nói rất thẳng thắn, rất đúng với thực trạng ở nước ta. Tôi nhớ là Thủ tướng từng chỉ rõ: “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mà năng lực cạnh tranh quốc gia có liên quan tới năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, của từng sản phẩm. Chúng ta không làm được điều này trong điều kiện kinh tế thị trường hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì chúng ta khó đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững”.

Thủ tướng cũng đặt câu hỏi: Vướng mắc như thế, khó khăn doanh nghiệp như thế, tốn kém thời gian, tiền bạc như thế, bây giờ chúng ta phải tập trung làm để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế để phát triển bền vững”.

"Thủ tướng quyết liệt xử lý trách nhiệm người đứng đầu, tôi rất ủng hộ" ảnh 2

"Nhà đầu tư rất sợ những thủ tục hành chính lằng nhằng"

Tại buổi họp trực tuyến, đề cập tới câu chuyện cải thiện môi trường kinh doanh – bước đột phát cho nền kinh tế Việt Nam tiến tới hội nhập và cạnh tranh với khu vực, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng nêu lên một thực trạng đáng lo ngại là nhiều cơ quan, địa phương chưa tích cực đổi mới theo Nghị quyết 19 của Chính phủ.

Nghị quyết này yêu cầu rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời chuyển mạnh sang sau hậu kiểm.

Thế nhưng có bộ chủ động làm, có bộ lại chậm chạp, mà cái đó tôi mong rằng thời gian tới Thủ tướng sẽ làm rõ hơn nữa trách nhiệm của từng cá nhân, để thúc đẩy trách nhiệm công vụ tốt hơn.

- Vậy còn điều gì ông cảm thấy băn khoăn không?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo: Điều tôi băn khoăn vẫn là kỷ cương hành chính, mà Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhắc nhở điều này trong các cuộc họp của Chính phủ.

Tôi rất ấn tượng khi Thủ tướng nói thằng rằng: "Việt Nam không thể đứng chót trong ASEAN như thế này và rõ ràng trong bản thân chúng ta cũng thấy bức xúc, chậm chạp, phiền hà, khó khăn.

Chúng ta đã nghe thấy tiếng kêu của doanh nghiệp, của người dân đối với chúng ta trong lĩnh vực cải cách hành chính. Không phải chúng ta không quan tâm mà có quan tâm, có tiến bộ, nhưng chúng ta chỉ so với chúng ta không là không được.

Chúng ta giờ đang đứng chót ở ASEAN-6, có cái còn thấp hơn Lào, Campuchia, Myanmar thì làm sao đất nước mình, dân tộc mình chấp nhận được”.

Thủ tướng đã nói thẳng rằng, nếu môi trường không cạnh tranh thì không thể thu hút đầu tư, không thể nâng cao sức cạnh tranh của đất nước, mà sức cạnh tranh quyết định sự phát triển của đất nước.

Ngay sau đó, Thủ tướng đã chỉ đạo rốt ráo, yêu cầu xử lý trách nhiệm người đứng đầu, và kết quả như chúng ta đã thấy là có hàng trăm thứ thủ tục rườm rà gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bấy lâu nay đã được gỡ bỏ, và chắc chắn Thủ tướng sẽ còn chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới đây.

Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là mặc dù quyết tâm của Thủ tướng rất cao, hành động rất quyết liệt, nhưng dường như ở các cấp dưới sự chuyển biến chưa đúng với yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)