Thực hiện chương trình mới giáo viên dạy dự giờ sẽ không bị bắt bẻ?

24/12/2019 06:58
Phan Tuyết
(GDVN) - Mỗi thầy cô giáo phải tự thay đổi mình để tiếp cận chương trình mới một cách sâu rộng. Nếu không vẫn sẽ quay vào lối mòn cũ, dự giờ và góp ý theo kiểu chủ quan

Từ trước đến nay, sách giáo khoa luôn được xem là pháp lệnh. Điều nực cười ở chỗ, nếu như chỗ nào đó trong sách giáo khoa chưa hợp lý, nhiều giáo viên vẫn trung thành dạy vì sợ dạy khác sẽ bị người dự giờ bắt bẻ và sẽ khống chế đến việc xếp loại.

Giáo viên dự giờ (Ảnh Phòng Giáo dục Bắc Giang)
Giáo viên dự giờ (Ảnh Phòng Giáo dục Bắc Giang)

Đơn cử, sách Toán lớp 2 chương trình hiện hành

Hàng loạt bài như 6 cộng với một số 6+5; 7 cộng với một 7+5; hay 11 trừ đi một số 11-2, 13 trừ đi một số 13-5…

Sách giáo khoa yêu cầu giáo viên cho học sinh lập bảng trừ, bảng cộng bằng que tính. Mặc dù nhiều học sinh không cần que tính chỉ tính nhẩm, đếm tay, tách số, gộp số vẫn ra kết quả khá nhanh.

Nhưng cách dạy quy trình đếm que tính chỉ khi dự giờ giáo viên dùng đến. Còn bình thường dạy trên lớp, thầy cô để cho học sinh tự lập bảng cộng, trừ theo cách riêng của mình miễn cho ra kết quả đúng.

Dù thế, nhiều giáo viên vẫn buộc phải dạy theo đúng quy trình hướng dẫn trong sách giáo khoa dù biết là cách dạy này không mang lại hiệu quả cao.

Vài năm trở lại đây, do sách giáo khoa có quá nhiều sạn, thế nên câu nói sách giáo khoa không còn là pháp lệnh nữa cũng được nới lỏng dần.

Tuy nhiên, những nội dung bài học được thiết kế trong sách giáo khoa, gần như giáo viên cũng phải tuân thủ tuyệt đối trong các tiết dự giờ, thao giảng.

Nhiều thầy cô giáo không dám dạy khác vì sợ chín người mười ý dẫn đến tiết dạy chẳng còn gì để nói.

Bởi thế, nói đến dự giờ càng đông người dự càng phiền toái. Cứ mang tiếng là góp ý xây dựng, là giúp nhau nhưng chỉ thấy toàn moi móc theo ý chủ quan của mình. Nào là sao không dạy thế này? Lẽ ra phải thế kia, cần làm như thế này mới hiệu quả…

Thực hiện chương trình mới giáo viên dạy dự giờ sẽ không bị bắt bẻ? ảnh 2
Chương trình mới còn bội thực dự giờ không?

Mỗi người dăm bảy ý kiến mà quên mất một điều, tiết học ấy học sinh đã học được những gì?

Mục tiêu tiết dạy có đạt hay không? Nhiều thầy cô rất sợ dự giờ vì lẽ đó.

Chương trình mới, giáo viên hoàn toàn chủ động dạy theo sự sáng tạo của mình

Nói về chương trình mới, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho hay:

"Điều quan trọng nhất đây là chương trình mở, sách giáo khoa chỉ là tài liệu cho các thầy cô dựa vào để có cách dạy phù hợp.

Các cán bộ quản lý ở Trường, Phòng, Sở đi dự giờ đừng theo thói quen cũ, tức là mở quyển sách giáo khoa ra “bắt giáo viên từng chữ”.

Giáo viên phải sáng tạo, giáo viên phải dạy học phù hợp với đối tượng của mình, như thế mới thành công".

Nói là dạy theo sự sáng tạo của giáo viên tùy từng đối tượng học sinh từng lớp đương nhiên người dự sẽ không thể lấy sách giáo khoa làm điểm tựa để bắt bẻ như trước đây.

Dù thế, mỗi thầy cô giáo phải tự thay đổi mình để tiếp cận chương trình mới một cách sâu rộng. Nếu không vẫn sẽ quay vào lối mòn cũ, dự giờ và góp ý theo kiểu chủ quan của mình.

Tài liệu tham khảo:

https://www.nguoiduatin.vn/sgk-chuong-trinh-gdpt-moi-can-bo-du-gio-khong-the-bat-giao-vien-tung-chu-a460028.html

Phan Tuyết