Thực hiện NĐ 111: Trường y dược phải làm nhiều loại hợp đồng, gây phức tạp

24/10/2022 06:42
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghị định 111 tạo thuận lợi cơ bản cho các cơ sở giáo dục và bệnh viện, song quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc cần được điều chỉnh. 

Nghị định số 111/2017/NĐ-CP ngày 5/10/2017 của Chính phủ quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe được đánh giá là tạo ra những chuyển biến tích cực cho các cơ sở giáo dục, rút ngắn khoảng cách lý thuyết và thực hành cho sinh viên, tăng cường tương tác giữa nhà trường và cơ sở khám, chữa bệnh.

Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thực hiện, Nghị định 111 cũng bộc lộ một số hạn chế cần phải được điều chỉnh.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Nguyên Bảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) chỉ ra điểm tích cực, thuận lợi, cũng như bất cập, hạn chế sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định 111.

Rút ngắn khoảng cách lý thuyết với thực hành

“Nghị định 111 được ban hành đã tạo hành lang pháp lý trong việc kết hợp giữa cơ sở đào tạo và cơ sở thực hành. Từ đó, giúp nâng cao tính trách nhiệm trong công tác đào tạo của cơ sở thực hành”, Tiến sĩ Lê Nguyên Bảo khẳng định.

So sánh trước và sau khi thực hiện Nghị định 111, Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân cho biết, khi chưa có Nghị định 111, các cơ sở bệnh viện có thể cho phép hoặc không cho phép sinh viên của các trường đào tạo khối ngành sức khỏe tham gia thực tập. Do vậy, Nghị định 111 được ban hành đã mở ra cơ hội to lớn để các trường đào tạo khối ngành sức khỏe được phép đưa sinh viên đến thực tập tại các bệnh viện.

Sinh viên Trường Đại học Duy Tân thực hành nghiệp vụ tại Bệnh viên Trung ương Huế. (Ảnh: Website Nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Duy Tân thực hành nghiệp vụ tại Bệnh viên Trung ương Huế. (Ảnh: Website Nhà trường).

Tiến sĩ Lê Nguyên Bảo cũng nêu ra một số thuận lợi khác như: Nghị định 111 quy định rõ về quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong tổ chức đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe. Giảng viên cơ hữu của trường đang làm việc tại các bệnh viện được tham gia giảng dạy cả lý thuyết và thực hành cho sinh viên.

Ngoài ra, khi đội ngũ giảng viên thỉnh giảng của các bệnh viện cùng tham gia dạy học, hướng dẫn lâm sàng cho sinh viên không những góp phần tạo ra môi trường đào tạo đa dạng, mà còn cập nhật và chia sẻ kiến thức kinh nghiệm lẫn nhau giữa đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng của nhà trường.

“Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường. Đồng thời, góp phần phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học giữa nhà trường và bệnh viện”, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Thuận lợi nhiều, khó khăn cũng không ít

Không thể phủ nhận những điểm tích cực mà Nghị định 111 tạo ra. Song, một số vướng mắc đã được “điểm mặt” khiến nhà trường, cơ sở liên kết đào tạo thực hành vẫn chưa thể tháo gỡ sau 5 năm triển khai.

Thứ nhất, nhiều rào cản xuất hiện do quy định tại Mục b, Khoản 2, Điều 10, Nghị định 111.

Mặt tích cực thấy rõ đó là quy định này cho phép các giảng viên của trường được tham gia khám, chữa bệnh tại bệnh viện theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với năng lực, kinh nghiệm và phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề để cũng cố và nâng cao năng lực thực hành lâm sàng của giảng viên.

“Điều này góp phần củng cố kỹ năng và kinh nghiệm lâm sàng cho các giảng viên của trường”, Tiến sĩ Bảo khẳng định.

Về hạn chế, nếu điều kiện bệnh viện không đủ các khoa chuyên sâu hoặc số lượng bệnh nhân ít, thì bắt buộc trường phải ký kết với nhiều bệnh viện cùng một lúc (đảm bảo đúng theo hướng dẫn của Nghị định 111) nên sẽ không đủ 20% lượng giáo viên cơ hữu của trường.

"Khắc phục điều này, trường có thể ký với 1-2 bệnh viện cơ bản có đủ các chuyên ngành. Trường hợp không đủ cơ sở thực hành chuyên khoa thì có thể ký thêm hợp đồng với các bệnh viện chuyên khoa khác như: bệnh viện mắt, bệnh viện tâm thần, bệnh viện da liễu…

Tất cả các bệnh viện khi tiến hành ký kết Nghị định 111 với trường đều được nhà trường và bệnh viện rà soát theo quy định để đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc”, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Thứ hai, nếu số trường công lập và tư thục nhiều mà số cơ sở bệnh viện ít thì không đủ điều kiện để thực hiện theo quy định trong Nghị định 111.

Nghị định 111 cho phép một cơ sở bệnh viện ký với 2 trường đại học và một trường trung cấp, cao đẳng đào tạo y khoa. Về quy định này, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng khó thực hiện.

Thứ ba, trường phải làm nhiều loại hợp đồng, hợp đồng nguyên tắc và hợp đồng chi tiết còn nhiều phức tạp.

Quy định nhà trường và bệnh viện, cơ sở y tế phải ký kết hợp đồng đào tạo thực hành (bao gồm hợp đồng nguyên tắc và hợp đồng chi tiết), đặt ra các thỏa thuận nhằm đáp ứng các yêu cầu trong đào tạo thực hành đang khiến các trường "than" khó.

Cụ thể, quá trình thực hiện quy định này mất nhiều thời gian. Bởi, nhà trường có nhiều sinh viên đang học tại các ngành đạo tạo y khoa khác nhau. Mỗi đối tượng sinh viên sẽ thực hiện theo một hợp đồng phù hợp. Do đó, quy định trên khiến trường phải làm nhiều loại hợp đồng, tốn rất nhiều thời gian.

“Hiện nay, biện pháp giải quyết khó khăn này của trường là phải thực hiện hợp đồng chi tiết hàng năm với từng đối tượng sinh viên theo ngành đào tạo”, Hiệu trưởng chia sẻ.

Thứ 4, các trường tư thục gặp khó vì Nghị định còn phân biệt trường công, tư.

Nội dung Nghị định 111 có quy định, trường công lập thì liên hệ với bệnh viện công lập, còn trường tư thục thì liên hệ với các bệnh viện tư (trong việc đào tạo thực hành).

Về quy định này, Tiến sĩ Lê Nguyên Bảo cho biết, các trường tư thục sẽ bị ảnh hưởng, khó khăn nhiều hơn. Bởi vì, hiện nay, số lượng bệnh viện tư ở Việt Nam vẫn chưa nhiều và nhiều bệnh viện chưa có đủ các khoa chuyên môn để phục vụ cho chương trình thực hành lâm sàng.

3 kiến nghị điều chỉnh Nghị định 111

Tính từ thời điểm có hiệu lực, đến nay, Nghị định 111 đưa vào triển khai đã được 5 năm. Trước những bất cập trong quá trình thực hiện, dưới góc độ là cơ sở giáo dục và đào tạo khối ngành sức khỏe, lãnh đạo Trường Đại học Duy Tân đưa ra một số đề xuất, kiến nghị.

Một là, các trường công lập và tư thục cần được đối xử bình đẳng như nhau.

Theo Tiến sĩ Bảo, trường tư thục cũng như trường công lập, đều làm một nhiệm vụ giống nhau là đào tạo ra một lực lượng các bộ chuyên môn phục vụ cho việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Theo quy định tại Khoản 4, 5, Điều 12, Luật 34/2018/QH14 nêu rõ:

“4. Thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục đại học tư thục; ưu tiên cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học; có chính sách miễn, giảm thuế đối với tài sản hiến tặng, hỗ trợ cho giáo dục đại học, cấp học bổng và tham gia chương trình tín dụng sinh viên.

5. Có chính sách đồng bộ để bảo đảm quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học gắn liền với trách nhiệm giải trình”.

Và tại Khoản 3, Điều 7, Luật 34/2018/QH14 cũng quy định: “Các loại hình cơ sở giáo dục đại học bình đẳng trước pháp luật”.

Như vậy, căn cứ các quy định này, trường công lập và tư thục cần được bình đẳng như nhau khi ký kết thực hành lâm sàng với các bệnh viện. Đồng thời, bệnh viện phải coi nhiệm vụ giảng dạy cho sinh viên khối ngành sức khỏe cũng là một nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị. Các bác sĩ của bệnh viện cũng phải coi đào tạo sinh viên thực hành là nhiệm vụ của mình.

Hai là, đơn giản hóa mẫu hợp đồng nguyên tắc đào tạo thực hành.

Hiện nay, mẫu hợp đồng nguyên tắc và hợp đồng chi tiết còn nhiều phức tạp. Do vậy, cần phải có quy định nhằm đơn giản hóa hơn nữa mẫu hợp đồng nguyên tắc đào tạo thực hành bởi các nội dung cụ thể đã được thể hiện trong hợp đồng chi tiết.

Đơn giản hóa hợp đồng này sẽ tiết kiệm được thời gian, thủ tục giấy tờ nhanh gọn và hiệu quả hơn.

Ba là, cần có quy định cụ thể về chi phí đào tạo thực hành.

Thực tế hiện này không có quy định cụ thể nào về chi phí đào tạo thực hành mà chỉ dựa vào sự thỏa thuận giữa cơ sở đào tạo và cơ sở thực hành nên mức giá khác nhau trong chi trả, giữa các ngành và giữa các năm học.

Nếu không có quy định cụ thể về chi phí đào tạo thực hành thì cả cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành đều sẽ gặp khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị định 111.

Có thể thấy, vấn đề đặt ra là, căn cứ vào đâu để trường, cơ sở bệnh viện quy định mức thu chi phí đào tạo thực hành. Nếu con số này không cụ thể, minh bạch thì sẽ có nguy cơ làm xuất hiện tiêu cực trong tổ chức đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe.

Ngọc Mai