Tiến sĩ giáo dục góp ý cho Bộ chuyện thi cử: Một kỳ thi, một bài thi

23/08/2015 07:39
TS.Đặng Thị Mây
(GDVN) - Đổi mới kiểm tra, đánh giá và lựa chọn hình thức thi phù hợp sẽ là điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới được hiệu quả.

LTS: Trước những băn khoăn, lo lắng của xã hội, của thí sinh và gia đình trong kỳ thi xét tuyển Đại học, Cao đẳng năm 2015, TS.Đặng Thị Mây (Trường Cao đẳng Hải Dương) mạnh dạn đề xuất một số giải pháp. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả. 


Kiểm tra, đánh giá là khâu cuối của quy trình dạy học nhưng có vai trò quan trọng, có thể là động lực nhưng có khi thành lực cản cho quy trình dạy học mới và những cải cách, đổi mới trong giáo dục và đào tạo tiếp theo. 

Đổi mới kiểm tra, đánh giá và lựa chọn hình thức thi phù hợp với điều kiện hiện tại của giáo dục phổ thông, với đặc điểm văn hóa, xã hội của đất nước sẽ là điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới được hiệu quả.

Trước những băn khoăn, lo lắng của xã hội, của thí sinh và gia đình khi nộp hồ sơ xét tuyển Đại học, Cao đẳng hiện nay; trước sự thiếu chủ động của các trường trước chỉ tiêu và điểm chuẩn vì tỉ lệ thí sinh ảo cao và số lượng hồ sơ xét tuyển luôn thay đổi, tôi xin mạnh dạn đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

1. Một kì thi, một bài thi

- Quan điểm: Tiếp tục lựa chọn hình thức tổ chức một kì thi quốc gia cho những năm học sau. Thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) làm căn cứ xét tuyển Đại học, Cao đẳng như hiện nay.

- Cách thức tiến hành: Bộ Giáo dục tổ chức một kì thi tốt nghiệp THPT, đề thi chung, hình thức một bài thi nhiều môn, tổ chức tại địa phương. Huy động thanh tra giáo dục các cấp và cán bộ giảng viên các trường Cao đẳng, Đại học trong và ngoài địa bàn tham gia giám sát, giải quyết hoàn toàn sự chi phối của tính cục bộ, địa phương trong khâu coi và chấm thi, đảm bảo coi thi thực sự nghiêm túc, công bằng. 

Khâu chấm thi có thể tiến hành ngay tại ngay cơ sở với sự kết hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo và một số trường Cao đẳng, Đại học trọng điểm của địa phương, dưới sự hỗ trợ về chuyên môn, kĩ thuật và quản lí, giám sát của Cục Khảo thí, Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

2. Đề xuất khung ma trận bài thi

Bài thi dự kiến gồm 5 phần, tương ứng kiến thức các môn học, tổng điểm 100, thời gian làm bài từ 180 đến 240 phút (ma trận đề phải đảm bảo sự toàn diện, cân đối về dung lượng kiến thức phổ thông và có những câu hỏi, bài tập phân hóa đối tượng học sinh).

Cụ thể như sau:

STT

LĨNH VỰC

NỘI DUNG

HÌNH THỨC

1

Đọc hiểu

và tạo lập văn bản

Tích hợp Chương trình Ngữ văn THPT và Công dân với Tổ quốc.

Hình thức trắc nghiệm, tự luận – viết ngắn về tác phẩm văn học , về vấn đề tư tưởng, đạo lí hoặc vấn đề xã hội.

2

Toán học

và ứng dụng

Nội dung kiến thức gồm giải tích và hình học, ưu tiên những bài toán mang tính ứng dụng cao trong cuộc sống, để giải quyết cần tích hợp kiến thức với vật lí, hóa học, sinh học, địa lí, môi trường.

Hình thức tự luận

3

Ngoại ngữ và tiếng

dân tộc

Bắt buộc: Ngoại ngữ 1

Hình thức trắc nghiệm, tự luận ngắn

Tự chọn: Ngoại ngữ 2 hoặc Tiếng dân tộc

Hình thức tự luận, đề thi đa dạng về ngôn ngữ phù hợp với đối tượng học sinh đăng kí học và dự thi.

4

Khoa học

Tích hợp khoa học tự nhiên và xã hội.

Hình thức câu hỏi suy luận, giải quyết tình huống gần gũi với thực tiễn, nội dung xoay quanh các chủ đề tích hợp phát triển năng lực học sinh.

5

Trải nghiệm

Viết một văn bản khoảng 600 từ trình bày ngắn gọn mục đích, cách thức tổ chức một hoạt động trải nghiệm sáng tạo em đã tham gia hoặc giới thiệu một nghề nghiệp em mơ ước trở thành.

Hình thức tự luận

 Một bài thi nhiều môn thay thế các môn thi độc lập để đánh giá toàn diện năng lực học sinh, tránh tình trạng học lệch, học tủ ở học sinh; đồng thời khắc phục hiện tượng biến tướng của dạy học tự chọn thành dạy học phân ban theo khối thi tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng ở THPT; tháo gỡ được khó khăn thiếu giáo viên dạy Toán, Lý, Hóa, Khoa học tự nhiên, Ngoại ngữ 2, giáo viên có khả năng dạy kĩ năng sống và tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo; thừa giáo viên dạy Lịch sử, Địa lí, Sinh học khi thực hiện dạy học tự chọn 2 (TC2) khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định kết quả học tập 6 kì ở phổ thông các môn tự chọn 3 (TC3) như: Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục - thể thao là điều kiện để xét thi tốt nghiệp.

Có như vậy, ý thức về môn học ưu tiên và môn học thứ yếu trong quan niệm của học sinh và xã hội mới có thể thay đổi và chương trình giáo dục phổ thông chất lượng cao sau 2015 mới có điều kiện thực hiện và phát huy được đầy đủ sự ưu việt của nó trong phát triển năng lực, phát triển toàn diện “đức, trí, thể, mĩ” cho học sinh. 

3. Cách thức quản lý nghiệp vụ trường học để hạn chế hồ sơ ảo, đảm bảo tính chính xác, công bằng và nhân văn của hệ thống giáo dục

3.1. Tiêu chí đánh giá linh hoạt

- Kết quả bài thi đạt từ 50 đến 100 điểm, học sinh được cấp bằng tốt nghiệp THPT; đạt dưới 50 điểm, học sinh được cấp chứng nhận đã hoàn thành chương trình giáo dục định hướng nghề nghiệp, được xét tuyển vào các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề.

- Điểm bài thi và trung bình chung điểm số các kì học ở THPT đạt từ 5 điểm/ 10 (quy đổi điểm bài thi theo thang điểm 10), không có môn học nào dưới 2,0 thì đủ điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp (theo quy định riêng của quy chế tuyển sinh từng trường).

3.2. Sự quy định rõ ràng về trách nhiệm, nhiệm vụ từng bộ phận trong các khâu tổ chức thi, đánh giá và xét tuyển để đảm bảo tính chính xác, công bằng và nhân văn của hệ thống giáo dục

- Học sinh trước khi thi tốt nghiệp căn cứ vào lực học của bản thân, sự định hướng của nhà trường và gia đình để quyết định sẽ đi làm hoặc lựa chọn trường và ngành học phù hợp. 

Sau đó, nếu xác định tiếp tục đi học ở bậc học cao hơn thì học sinh tự nguyện đăng kí trường và ngành học vào phiếu đăng kí nguyện vọng (mỗi học sinh được đăng kí 3 nguyện vọng trong 1 phiếu duy nhất). 

Tiến sĩ giáo dục góp ý cho Bộ chuyện thi cử: Một kỳ thi, một bài thi ảnh 1
Kiểm tra, đánh giá là khâu cuối của quy trình dạy học nhưng có vai trò quan trọng (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

- Quản trị mạng của nhà trường THPT căn cứ vào các phiếu đăng kí của học sinh nhập dữ liệu theo mã số từng học sinh vào mục Thông tin tuyển sinh, tài khoản quản trị cấp trường (mục thông tin thí sinh do các trường THPT nhập đảm bảo chính xác đến từng nguyện vọng, có sự tổng hợp số lượng nguyện vọng của thí sinh theo từng ngành, từng trường Cao đẳng, Đại học) và gửi lên quản trị mạng cấp Sở. 

- Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT từ Hội đồng chấm thi, Sở Giáo dục và Đào tạo từng địa phương nhập điểm thi vào phần mềm, tập hợp danh sách thí sinh đảm bảo các tiêu chí xét tuyển ban đầu của từng trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp học sinh đã đăng kí về Cục Khảo thí (để báo cáo) và các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp (để tuyển sinh). 

- Học sinh sử dụng kết quả thi và điểm trung bình các môn thi theo khối làm hồ sơ đăng kí xét tuyển Đại học, Cao đẳng tại trường THPT qua quản trị mạng và có quyền thay đổi nguyện vọng để chọn trường và ngành học vừa sức. 

Sau ngày chốt hồ sơ đăng kí nguyện vọng chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh phải chọn 1 trong 3 nguyện vọng đăng kí ban đầu, không được thay đổi phiếu đăng kí để các trường Đại học và Cao đẳng có thể căn cứ vào chỉ tiêu và số lượng hồ sơ thực để công bố điểm chuẩn chính xác. 

4. Đề xuất phương thức mở trong xét tuyển Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và yêu cầu chuẩn đầu ra với giáo dục Đại học

Các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp cần liên tục cập nhật thông tin về chương trình nhà trường trên internet để phụ huynh và học sinh có thông tin và cơ sở lựa chọn.

Đây cũng là cách đưa nhà trường đến với xã hội, là một trong những giải pháp hạn chế hồ sơ ảo trong tuyển sinh khi người học có đủ thông tin đáng tin cậy. 
Điểm chuẩn và chỉ tiêu tuyển sinh Bộ GD&ĐT cũng nên trao cho các trường tự chủ để chủ động về chiến lược  đào tạo. Chiến lược giáo dục Đại học cần “mở” về đầu vào, nâng cao chuẩn đầu ra theo 2 mức độ: chuẩn quốc gia và chuẩn quốc tế. 

Kết thúc khóa học tùy theo kết quả của quá trình học tập và hoạt động thực tiễn (tình nguyện, từ thiện, công ích trong cộng đồng hàng năm), trải nghiệm học kì quân sự  6 tháng (bắt buộc với sinh viên năm cuối để nâng cao chất lượng quân đội và giáo dục ý thức công dân với Tổ quốc), sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp theo 2 mức độ (chuẩn quốc tế, chuẩn quốc gia), hoặc chứng nhận hoàn thành khóa học, đủ điều kiện tham gia học tập và công tác (tùy theo tổng điểm đạt trên hay dưới chuẩn đầu ra).

Tôi tin tưởng rằng, Chương trình giáo dục phổ thông chất lượng cao sau 2015 sẽ thực sự mang lại một bước tiến quan trọng cho giáo dục và đào tạo Việt Nam, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam nếu mỗi thầy cô giáo hiểu chính xác và thực hiện đúng những tư tưởng giáo dục mới, nếu toàn xã hội đồng thuận với cách làm mới. Một thành công lớn bao giờ cũng bắt đầu bằng những thành công nhỏ. Và những đề xuất của tôi cũng chỉ là những suy nghĩ để bắt đầu.

TS.Đặng Thị Mây