Tiến sĩ Trần Công Trục kiến nghị về "sổ đỏ" với Bộ Tài nguyên

08/12/2017 07:21
Vũ Phương
(GDVN) - Tiến sĩ Trần Công Trục cho rằng, thực tế còn loại sổ đỏ cấp cho Hộ gia đình đang gây phiền phức, mất thời gian, phát sinh tiêu cực gây tốn kém cho người dân.

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh nhiều bài viết về quy định trong Thông tư 33/2017/TT-BTMNT của Bộ Tài nguyên và Môi trường có quy định phải ghi tên các thành viên trong Hộ gia đình sử dụng đất vào Giấy chứng nhận (sổ đỏ) được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ký ban hành Thông tư số 53/2017/TT-BTMNT về việc ngưng hiệu lực thi hành Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 33/2017/TT-BTMNT có quy định ghi tên các thành viên Hộ gia đình sử dụng đất vào sổ đỏ gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.

Thông tin trên của Bộ Tài nguyên và Môi trường phát đi đã nhận được sự đồng thuận từ dư luận và giới chuyên gia đầu ngành.

Tuy nhiên, trên thực tế, những khó khăn, vướng mắc mà người dân đang vấp phải khi đi công chứng, làm thủ tục sang nhượng là loại sổ đỏ cấp cho Hộ gia đình.

Thực tế, loại sổ đỏ cấp cho Hộ gia đình, trong đó chỉ một người đại diện đứng tên đang gây khó khăn, phức tạp, thậm chí phát sinh tiêu cực không chỉ khiến người dân kêu trời, mà các cơ quan thực thi cũng đau đầu.

Bộ Tài nguyên 'dội nước lạnh' vào nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ Bộ Tài nguyên 'dội nước lạnh' vào nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ

Về loại sổ đỏ đang gây phiền phức cho người dân ra sao, Tiến sĩ Trần Công Trục - Công chứng viên (Văn phòng công chứng Ngô Hồng Tuấn) phân tích: "Hiện nay tồn tại một loại sổ đỏ, nhưng lại có một số chủ thể sở hữu khác nhau dễ gây ra sự hiểu nhầm.

Ví dụ: Thứ nhất là loại sổ đỏ: cấp cho hộ gia đình (trong đó có một người đại diện đứng tên trên sổ đỏ và thường là chủ hộ gia đình); thứ hai là loại sổ đỏ do chồng hoặc vợ đứng tên; thứ ba là sổ đỏ ghi cả tên vợ và tên chồng….

Trong đó, loại sổ đỏ cấp cho Hộ gia đình là phức tạp nhất, gây phiền hà cho người dân, thậm chí phát sinh tiêu cực.

Để dẫn chứng cho câu chuyện sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình do lịch sử để lại đang khiến người dân khổ sở như thế nào, Tiến sĩ Trần Công Trục chỉ ra: "Vừa rồi Văn phòng công chứng tôi có tiếp nhận một Hợp đồng công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở cấp cho “Hộ ông Ng.B.D” đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh Đồng Nai.

Sổ đỏ này ghi rõ cấp cho “Hộ ông D.” tức là các thành viên trong gia đình ông D. cũng có chung quyền sử dụng mảnh đất này. Tuy nhiên, chỉ có ông D. đại diện đứng tên, còn các thành viên đồng sử dụng không có tên.

Văn phòng công chứng gặp phải khó khăn trong việc xác định chủ thể có quyền sử dụng đất trong trường hợp này. Cụ thể, Văn phòng công chứng buộc phải thực hiện xác minh chủ thể có quyền sử dụng đất theo trình tự sau:

+ Thứ nhất: Văn phòng công chứng gửi công văn đến Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội (Cơ quan cấp sổ đỏ cho Hộ gia đình ông D.) yêu cầu xác minh chủ thể có quyền sử dụng đất theo sổ đỏ cấp cho Hộ gia đình ông D.

+ Thứ hai: Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội gửi công văn trả lời Văn phòng công chứng về các chủ thể có quyền sử dụng đất theo sổ đỏ được cấp cho Hộ gia đình ông D. trên cơ sở hồ sơ lưu trữ.

Qua hai bước trên, Văn phòng công chứng mới có đủ căn cứ để xác định chủ thể có quyền sử dụng đất theo sổ đỏ nêu trên. Như vậy, đây là một trong những trình tự, thủ tục gây mất thời gian và công sức, thậm chí có thể có trường hợp phát sinh tiêu cực.

Tuy nhiên, trên thực tế các Tổ chức hành nghề Công chứng có thể căn cứ vào Sổ hộ khẩu gia đình, Đơn xác nhận của địa phương để xác định chủ thể có quyền sử dụng đất.

Nhưng những căn cứ này không hội đủ cơ sở pháp lý để chứng minh các chủ thể có quyền sử dụng đất vào thời điểm Nhà nước cấp sổ đỏ".  

Tiến sĩ Trần Công Trục cho rằng, ngành tài nguyên cần phải nghiên cứu theo hướng “Sổ đỏ” hiển thị thông tin một cách khoa học, chặt chẽ, nhưng giảm thiểu tối đa thủ tục cho cả người dân. Ảnh: Vũ Phương.
Tiến sĩ Trần Công Trục cho rằng, ngành tài nguyên cần phải nghiên cứu theo hướng “Sổ đỏ” hiển thị thông tin một cách khoa học, chặt chẽ, nhưng giảm thiểu tối đa thủ tục cho cả người dân. Ảnh: Vũ Phương. 

Tiến sĩ Trần Công Trục nhận định: “Để giải quyết vấn đề phức tạp trên đối với loại sổ đỏ cấp cho Hộ gia đình, có lẽ vì thế Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 33 ra đời.

Thông tư này quy định chi tiết phải ghi tên các thành viên Hộ gia đình sử dụng đất vào sổ đỏ để thuận lợi cho quá trình thực hiện các giao dịch dân sự có liên quan đến quyền sử dụng đất đối với người dân, các Tổ chức hành nghề Công chứng và Cơ quan Nhà nước.

Tuy nhiên, Khoản 5 Điều 6 của Thông tư 33 đã mắc “lỗi kỹ thuật”, mục đích của quy định ghi tên các thành viên vào sổ đỏ chỉ điều chỉnh, áp dụng với loại sổ đỏ cấp cho Hộ gia đình, nhưng ngành tài nguyên diễn đạt không rõ ràng khiến người dân hiểu nhầm. 

Người dân sẽ ngầm hiểu theo quy định trên thì các thành viên trong gia đình theo sổ hộ khẩu sẽ phải ghi vào sổ đỏ. Như vậy người dân làm sao chấp nhận được".

Tiến sĩ Trần Công Trục phân tích thêm: “Thực tế, loại sổ đỏ cấp cho hộ ông hoặc bà như trường hợp hộ ông D. là do lịch sử để lại.

Hiện nay, loại sổ đỏ này không nhiều, chủ yếu là đất nông nghiệp Nhà nước cấp cho Hộ gia đình sản xuất nông nghiệp hoặc đất cấp cho Hộ gia đình để làm đất ở tại các khu vực ngoại thành.

Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tính đến những phương án giải quyết những tồn tại do lịch sử để lại nói trên.

Ngành tài nguyên cần sớm quy định ghi tên những thành viên vào trong sổ đỏ cấp cho Hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất để xác định dễ dàng hơn các thành viên có chung quyền sử dụng đối với tài sản đó. 

Như trường hợp sổ đỏ cấp cho Hộ ông D. mà có đầy đủ tên các thành viên có chung quyền sở hữu thì sẽ giản tiện thủ tục cho người dân và các cơ quan liên quan, tránh tiêu cực". 

Giấy chứng nhận cấp cho "Hộ ông" đang gây khó khăn, phức tạp cho người dân của ngành tài nguyên, nhưng cũng chưa có giải pháp căn cơ và khoa học. Ảnh: Vũ Phương.
Giấy chứng nhận cấp cho "Hộ ông" đang gây khó khăn, phức tạp cho người dân của ngành tài nguyên, nhưng cũng chưa có giải pháp căn cơ và khoa học. Ảnh: Vũ Phương. 

Trước câu hỏi của phóng viên, theo phân tích trên thì quy định ghi tên thành viên Hộ gia đình sử dụng đất vào sổ đỏ sẽ giúp giảm thời gian, thuận tiện cho người dân, Tổ chức hành nghề Công chứng, Cơ quan hành chính Nhà nước, nhưng lại vấp phải sự phản ứng gay gắt từ dư luận?. 

Về việc này, Tiến sĩ Trần Công Trục nêu rõ: “Bộ Tài nguyên và Môi trường diễn đạt không rõ ràng, mạch lạc, trong khi đó, đa phần người dân hiện nay sử dụng loại sổ đỏ đứng tên chồng hoặc vợ hay đứng tên cả hai vợ chồng theo luật mới.

Như vậy, người dân sẽ phản ứng bởi sổ đỏ là tài sản đứng tên họ, họ là chủ sử dụng mảnh đất đó, nhưng vì cách diễn đạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa rõ ý làm người dân sẽ hiểu con cái, thậm chí những người họ hàng, người quen nhờ nhập hộ khẩu vào, nay lại đứng tên trên sổ đỏ của họ.

Khái niệm Hộ gia đình được cấp đất và Hộ gia đình theo hộ khẩu hoàn toàn khác nhau”. 

Tiến sĩ Trần Công Trục đang giải thích, hướng dẫn cho người dân làm thủ tục sang nhượng sổ đỏ, tuy nhiên, thực tế nhiều sổ đỏ ghi tên chủ hộ gây khó khăn cho người dân, cơ quan công công chứng và cho cả cơ quan thực thi. Ảnh: Vũ Phương.
Tiến sĩ Trần Công Trục đang giải thích, hướng dẫn cho người dân làm thủ tục sang nhượng sổ đỏ, tuy nhiên, thực tế nhiều sổ đỏ ghi tên chủ hộ gây khó khăn cho người dân, cơ quan công công chứng và cho cả cơ quan thực thi. Ảnh: Vũ Phương. 

Tiến sĩ Trần Công Trục nhìn nhận: “Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ngưng hiệu lực thi hành Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 33/2017/TT-BTMNT là cần thiết. 

Khi người dân chưa đồng thuận thì phải xem xét cho thấu đáo. Nên chăng phải tổ chức tuyên truyền, giải thích sâu rộng trong quần chúng để tránh phản ứng dữ dội từ dư luận, đảm bảo các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành phù hợp với quan hệ xã hội và thực tiễn cuộc sống đang diễn ra.

Như tôi đã nói, giấy chứng nhận sổ đỏ hiện vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Tiến tới chúng ta đã bỏ sổ hộ khẩu, đây là một bước ngoặt trong cải cách thủ tục hành chính. 

Như vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần phải nghiên cứu theo hướng sổ đỏ hiển thị thông tin một cách khoa học, chặt chẽ, nhưng giảm thiểu tối đa thủ tục cho cả người dân, Tổ chức hành nghề Công chứng và các Cơ quan Hành chính Nhà nước”. 

Vũ Phương