Tiến sĩ Trần Mạnh Dũng: “Muốn sinh viên học thật, giảng viên phải dạy thật”

29/09/2021 06:39
Ngọc Quang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, nếu phải đào tạo lại, đào tạo bổ sung thì đó là sự lãng phí rất lớn”, thầy Dũng chia sẻ.

Đào tạo nặng về hàn lâm, sinh viên học đối phó

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm giành lợi thế trong cạnh tranh đối với Việt Nam càng trở nên vô cùng cấp thiết. Muốn vậy, không có cách nào khác là phải thực sự “học thật”, “thi thật” ở tất cả các bậc học, nhất là đối với đào tạo đại học để có “nhân tài thật” như yêu cầu Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra, nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Mạnh Dũng - nguyên Trưởng phòng Đào tạo, Trưởng Khoa sau đại học Học viện Ngân hàng nêu thực trạng: “Trong hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục đại học có vai trò đặc biệt quan trọng để đào tạo nhân tài, nhưng đáng tiếc đây lại là khâu yếu trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay”.

Tiến sĩ Trần Mạnh Dũng: Cần dành thời lượng lớn cho sinh viên được trải nghiệm ở doanh nghiệp nhằm hoàn thiện các kỹ năng. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Trần Mạnh Dũng: Cần dành thời lượng lớn cho sinh viên được trải nghiệm ở doanh nghiệp nhằm hoàn thiện các kỹ năng. Ảnh: NVCC.

Theo Tiến sĩ Trần Mạnh Dũng, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện chủ trương “học thật, thi thật, nhân tài thật” đối với các trường đại học, cần triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng: Đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới nội dung và phương pháp dạy học, đổi mới hoạt động đánh giá người học.

Công tác phát triển chương trình đào tạo ở nhiều trường đại học tại Việt Nam chưa được chú trọng đúng mức. Chương trình đào tạo nhìn chung chưa có sự phân tách rõ định hướng nghiên cứu hay định hướng ứng dụng, có trường quá tập trung vào lý thuyết, có trường lại quá tập trung vào trang bị kỹ năng thực hành, thiếu nền tảng lý thuyết vững chắc.

Để khắc phục những hạn chế trên, cần lưu ý tới hai nội dung:

Thứ nhất, cần phân tách chương trình định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng. Ở nhiều nước phát triển trên thế giới, việc phân tách rõ mô hình đào tạo bao gồm đại học ứng dụng và đại học nghiên cứu đã mang đến những hiệu quả thực tiễn cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội và giải quyết tốt bài toán việc làm sau khi ra trường.

“Ở Việt Nam sự phân tách này chưa thực sự rõ nét, chương trình đào tạo phần lớn còn mang tính hàn lâm, thiếu tính ứng dụng. Bởi vậy, sinh viên mất hứng thú học, dễ nảy sinh tâm lý đối phó, khi ra trường thì không đáp ứng yêu cầu công việc chuyên môn, nghề nghiệp do thiếu kiến thức thực tiễn và kỹ năng thực hành cần thiết. Sinh viên sau tốt nghiệp nếu vẫn phải đào tạo lại, đào tạo bổ sung thì đó là sự lãng phí rất lớn”, thầy Dũng phân tích.

Thứ hai, xây dựng nội dung các học phần mang tính khoa học và thực tiễn cao gắn với chuẩn đầu ra học phần trong chương trình đào tạo, mỗi học phần như một “viên gạch” xây nên tòa tháp tri thức – kỹ năng của ngành đào tạo mà sinh viên cần lĩnh hội, trau dồi để hình thành đầy đủ năng lực, phẩm chất cần có, để tự tin bước vào môi trường làm việc sau tốt nghiệp.

Khi xây dựng nội dung cho môn học, trước hết cần trả lời câu hỏi: Môn học này mang lại lợi ích gì cho sinh viên? Đóng góp gì cho việc hình thành năng lực – phẩm chất – kỹ năng của người học? Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đã chỉ rõ cần xem xét điều chỉnh rà soát lại nội dung dạy và học, dạy cái thiết thực, cái thực nghiệp, giảm và tiến tới bỏ hẳn cái hình thức, phù phiếm, vô bổ.

Chuẩn đầu ra chính là những yêu cầu đối với sinh viên để có thể được cấp bằng cho chuyên ngành cụ thể, cần được các trường đại học xây dựng nhằm đáp ứng được các yêu cầu của người sử dụng lao động. Do đó, chuẩn đầu ra của mỗi ngành chắc chắn sẽ khác nhau (thậm chí mỗi chuyên ngành trong một ngành cũng sẽ khác nhau). Khi đó, chuẩn đầu ra sẽ là điểm khác biệt mà nhà trường xây dựng cho chính thương hiệu của ngành, của trường qua năng lực làm việc của sinh viên.

Đó vừa là mục tiêu nhưng cũng là động lực để các trường cải tiến hoạt động đào tạo của mình theo định hướng “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Trong quá trình xây dựng nội dung chương trình môn học rất cần thiết phải tham chiếu giáo trình quốc tế (của các nước phát triển) để chắt lọc, tiếp thu tinh hoa tri thức nhân loại, nhất là đối với các bộ môn khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật, khoa học kinh tế… Tuy nhiên, cần nhận thức rằng, giáo trình cũng không phải là khuôn mẫu bất di bất dịch, mà phải thường xuyên cập nhật kiến thức môn học, loại bỏ những nội dung lạc hậu, không mấy ý nghĩa trong việc làm gia tăng giá trị cho người học.

Đối với các học phần chuyên ngành còn cần đưa thời lượng trải nghiệm tại doanh nghiệp nhiều hơn, tạo nhiều cơ hội để sinh viên được rèn luyện các kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, tham gia các dự án thực tế… điều này rất cần thiết để tăng cường “học thật” nhưng chưa được nhiều trường quan tâm.

Xóa bỏ những quan niệm sai lầm

Tiến sĩ Trần Mạnh Dũng chia sẻ: “Muốn sinh viên học thật, trước hết giảng viên phải dạy thật. Giảng viên phải tuân thủ quy định về thời lượng giảng dạy trên lớp, thời lượng hướng dẫn sinh viên tự học ngoài giờ lên lớp, phải đảm bảo đầy đủ nội dung chương trình môn học, không cắt xén, không dạy tủ - dạy lệch.

Hơn nữa, dạy thật là phải giảng dạy bằng tất cả tri thức, năng lực và tâm huyết của chính mình. Có như vậy mới chuyển tải đầy đủ tri thức, kỹ năng và truyền được cảm hứng cho người học. Nếu người dạy không thực sự say mê, tâm huyết, không có phương pháp phù hợp với môn học thì khó có thể phát huy phẩm chất người học".

Với những yêu cầu trên, theo Tiến sĩ Trần Mạnh Dũng, có thể khẳng định đa số giảng viên hiện nay có đủ những phẩm chất để thực hiện sứ mệnh giảng dạy của mình. Tuy nhiên, có những cản trở nhất định khiến họ không thể dạy thật theo đúng nghĩa. Hiện nay, mặc dù quan điểm “Sách giáo khoa là pháp lệnh”, “Giáo trình là thống nhất” vốn tồn tại từ lâu nay đã có sự thay đổi, nhưng về cơ bản vẫn hạn chế “tự do học thuật” của người dạy. Bởi vậy, trong chừng mực nào đó chưa khai thác được hết tiềm năng, không phát huy được đầy đủ tư duy sáng tạo nghiên cứu, giảng dạy của giảng viên.

Đối với sinh viên, họ bị phụ thuộc những trang giáo trình cứng nhắc, nhàm chán, thiếu đi sự sáng tạo, dễ nảy sinh tâm lý học đối phó.

“Trong giảng dạy người thầy phải tìm cách phát huy tư duy độc lập và sáng tạo cũng như tư duy phản biện của học trò, bỏ thói học vẹt, nhồi nhét kiến thức. Đó mới chính là dạy học đích thực!

Muốn vậy thì phải xóa bỏ cơ chế quản lý mang tính hành chính, tạo mọi thuận lợi để giảng viên phát huy được quyêng tự do học thuật cao nhất trong phạm vi chương trình giảng dạy”, thầy Dũng nêu quan điểm.

Để đạt được yêu cầu học thật, Tiến sĩ Trần Mạnh Dũng chỉ rõ, cần xóa bỏ những quan niệm sai lầm đang còn tồn tại: “Thành tích trong học tập là một mục tiêu mà người học cần hướng đến, nhưng nếu đặt nặng được mất, hơn thua để chạy đua điểm số, danh hiệu, bằng cấp sẽ làm cho cả người học lẫn người dạy đánh mất những giá trị đích thực của việc dạy và học.

Thực tế là không ít bạn trẻ xem việc đạt được bằng cấp là một cách làm đẹp lòng bố, mẹ, hoặc để khoe mà không phải để trau dồi nâng cao kiến thức, bước vào cuộc sống. Đó là hư danh, là sự lãng phí rất lớn cho cả người học, gia đình và xã hội”.

Để đổi mới căn bản hoạt động đánh giá người học, Tiến sĩ Trần Mạnh Dũng nêu ba vấn đề các trường cần quan tâm:

Một là, trong tất cả các khâu, các hình thức đánh giá đối với người học phải thật sự khách quan, công bằng không cảm tính, tránh quan hệ xin cho, tránh thương mại hóa trong quan hệ thầy trò. Khâu đánh giá phải thực sự được coi là thước đo trình độ, năng lực người học, nếu thiếu sự công bằng, chắc chắn sẽ làm mất đi động lực học thật của người học, mất lòng tin vào thầy, ảnh hưởng danh tiếng của nhà trường.

Hai là, phải đổi mới tất cả các khâu của quá trình đánh giá người học, từ đánh giá thường xuyên đến đánh giá cuối kỳ, cuối khóa. Giảng dạy theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất người học và khâu kiểm tra, đánh giá cũng phải thực sự đổi mới theo hướng đó, loại bỏ kiểu thi bắt sinh viên ghi nhớ kiến thức máy móc, thuộc lòng giáo trình.

Ba là, các trường đại học cần thực sự quan tâm xây dựng, củng cố bộ quy tắc liêm chính học thuật nhằm hạn chế và xoá bỏ những hành vi gian lận, thiếu trung thực trong giảng dạy, nghiên cứu và học tập, qua đó giữ gìn niềm tin của xã hội. Đây có thể coi là biện pháp phổ biến và hiệu quả nhất để đối phó với tình trạng suy giảm về liêm chính học thuật mà các trường đại học trên thế giới đều quan tâm đặc biệt.

Thầy Dũng khẳng định: “Chỉ khi nào việc học đi vào thực chất, ngành giáo dục và xã hội nói không với bệnh thành tích, học đi đôi với hành, thì mới có thể tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới”.

Ngọc Quang