Tiết dạy chuyên đề có thực sự "màu hồng", người trong cuộc tiết lộ góc khuất

01/03/2023 06:30
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Soạn 1 tiết dạy mẫu mất cả tháng để chuẩn bị, cô và trò đều stress. Sau tiết dạy trình diễn, mọi việc quay trở lại bình thường.

Trên các diễn đàn xã hội, nhiều nhà giáo đang bàn luận khá sôi nổi về một tiết dạy chuyên đề mẫu ở một trường trung học phổ thông tại Hà Nội.

Chỉ với vài chục học sinh nhưng có tới 150 giáo viên cốt cán của tất cả 30 quận huyện thành phố về ngồi dự. Tiết dạy được người dự hôm đó đánh giá là hay, xúc động. Một vị viết chương trình sách giáo khoa Ngữ văn viết trên trang facebook cá nhân rằng: “Giá như địa phương nào cũng tổ chức được những giờ học chuyên đề như thế để giáo viên rút kinh nghiệm thì việc triển khai chương trình và sách giáo khoa mới nhất định sẽ chuyển biến mạnh mẽ; việc dạy học Ngữ văn nhất định sẽ mang lại một tinh thần mới”.

Ảnh minh hoạ một tiết dạy chuyên đề chương trình mới (Ảnh tác giả)

Ảnh minh hoạ một tiết dạy chuyên đề chương trình mới (Ảnh tác giả)

Bài giảng mẫu của giáo viên Hà Nội đã được đưa lên youtube, người viết cũng đóng vai một người dự để xem hết tiết dạy này. Nếu thật sự tiết dạy trước đó không dạy thử, giáo viên không gà bài, mớm bài, không tập luyện cho học sinh các câu trả lời thì học trò quả là quá giỏi.

Thông thường, để có được tiết dạy hoàn hảo của cả cô và trò như thế, thời gian chuẩn bị của giáo viên và học sinh không phải là ít.

Giáo viên nói gì về những tiết dạy mẫu?

Khác với những lời nhận xét có cánh của vị trên thì phần đông giáo viên trên các diễn đàn đều bày tỏ ý kiến không đồng tình với việc triển khai những tiết dạy mẫu như thế, vừa mất thời gian, công sức mà không học hỏi để áp dụng vào thực tế là bao nhiêu.

Có giáo viên thắc mắc, một tiết dạy mẫu mà kéo đến một tiếng rưỡi (thực tế là dạy hết 1 tiếng 23 phút) thì một tiết lên lớp bình thường có 45 phút sẽ thực hiện thế nào?

Vị giáo viên này bày tỏ sự mệt mỏi với kiểu dạy mẫu này cũng như các tiết dạy hội giảng, thi giáo viên giỏi vì từ lâu nó đã rất hình thức.

Từ kinh nghiệm giảng dạy thực tế, nhiều bạn đọc là giáo viên đã “vén bức màn đằng sau những tiết dạy chuyên đề mẫu” phổ biến trong ngành giáo dục.

Đó là việc, soạn 1 tiết dạy mẫu mất cả tháng để chuẩn bị, cô và trò đều stress. Sau tiết mẫu, mọi việc trở lại bình thường.

Chẳng có ai áp dụng rộng rãi hay học hỏi được gì qua các tiết dạy như trên vì nó thiếu thực tế.

Một bạn đọc có tên Đặng Nhu cho biết: Để thực hiện một tiết dạy - học mẫu là một nỗi ám ảnh cho cả thầy lẫn trò. Thầy phải chuẩn bị hàng tháng trời, qua nhiều lần góp ý, xây dựng, chỉnh đi chỉnh lại rồi mới lên "hí trường"; học sinh cũng vất vả vẽ tranh, vẽ sơ đồ, học thuộc lòng các đáp án, các câu hỏi...

Tiết dạy phải áp dụng cùng lúc nhiều "phương pháp mới" như "dạy học nhóm", " giải quyết vấn đề", "đóng vai",...; các kĩ thuật dạy học như "khăn trải bàn", "học theo góc", "KWL",... Rồi rất nhiều nội dung tích hợp... Nói tóm lại nó không phải một "màu hồng" như khi chính thức diễn ra.

Là giáo viên với gần 30 năm công tác, bản thân người viết đã trải qua ít nhất 3 lần thay đổi chương trình và sách giáo khoa (chương trình giáo dục phổ thông 2006, chương trình VNEN và chương trình giáo dục phổ thông 2018).

Cứ mỗi lần thay chương trình và sách giáo khoa, giáo viên chúng tôi mệt mỏi nhất không phải việc bản thân phải học lại chương trình để nắm được mục tiêu, nội dung của các bài học.

Điều khiến giáo viên thấy mệt và áp lực nhất chính là việc phải chuẩn bị những tiết dạy thao giảng, hội giảng các cấp (cấp tổ, cấp trường, cấp thị, cấp tỉnh) để dự giờ và đi dự giờ đồng nghiệp.

Những tiết dạy được trang bị từ chân đến răng thực sự có mang lại hiệu quả?

Mục đích tổ chức dạy thao giảng, hội giảng là để giáo viên được giao lưu, học hỏi, được chia sẻ kinh nghiệm từ đồng nghiệp…để nâng cao tay nghề chuyên môn.

Tuy nhiên trong thực tế, điều tích cực học được từ những tiết dạy mẫu lại không nhiều. Bởi, tiết dạy mẫu vốn không thật, cả thầy và trò chỉ là trình diễn lại tất cả những nội dung mà đã được đầu tư công phu tập tành trước đó.

Tiết dạy ở cấp càng cao như cấp thị, cấp tỉnh sự đầu tư càng bài bản. Đầu tiên, thầy cô soạn kịch bản cho tiết dạy, từ những câu hỏi cho mình, cho học trò, những câu trả lời của học sinh đến những phương pháp, những kỹ thuật dạy học.

Mỗi ngày, đều phải luyện tập, phải tập dợt và kéo dài hàng tháng trời cho đến khi được dự giờ góp ý rồi điều chỉnh, bổ sung cuối cùng mới ra công diễn.

Ngoài ra, mỗi ngày lên lớp phải tập dợt cho học sinh từng câu hỏi, câu trả lời, tập dợt cách sinh hoạt nhóm sao cho hiệu quả, cách báo cáo kết quả sao cho hay, tập dợt luôn cách nhận xét bạn, nhóm bạn… Nói chung, bài chưa dạy nhưng em nào cũng thuộc như lòng như cháo, nhừ như tương.

Giáo viên trong các tiết dạy mẫu vô cùng nhàn, gần như chỉ đóng vai trò người thiết kế, người hướng dẫn. Còn học sinh em nào cũng như thần đồng biết nêu vấn đề, giải quyết vấn đề một cách trơn tru và hiệu quả.

Còn những tiết dạy thực tế, thầy cô giáo luôn phải giảng bài nhiều, giải thích tỉ mỉ mà một số học sinh vẫn còn chưa hiểu bài. Giáo viên chúng tôi vẫn luôn nói với nhau, nếu cứ áp dụng cách dạy, cách học như những tiết thao giảng, hội giảng thì chất lượng giáo dục sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.

Thế nên, không thể đem những tiết dạy mẫu như thế về áp dụng vào những tiết dạy thông thường trên lớp.

Tác dụng ngược của những tiết dạy mẫu hoàn hảo

Bạn đọc Công Hà tỏ ra thất vọng, không ngờ mấy chục năm hô hào cải cách giáo dục mà vẫn tồn tại kiểu dạy học " đồng phục" như thế! Nó sẽ biến học sinh thành rô bốt nói và làm dập khuôn, máy móc, trơ lì dần cảm xúc.

Khi trưởng thành cũng nhất nhất nói theo lời người khác làm thui chột khả năng sáng tạo độc lập của học sinh.

Điều nguy hại nhất là không ít chuyên viên các phòng, sở, ban giám hiệu các trường sau khi dự những tiết dạy mẫu hoàn hảo, trơn tru như thế sẽ lấy đó làm mẫu rồi về cơ sở tha hồ áp vào đánh giá những tiết dạy khác của giáo viên.

Lo sợ điều này, các thầy cô chỉ còn cách bắt chước và học thuộc cách dạy mẫu để đối phó. Tôi chỉ lo, càng tổ chức dạy thao giảng, hội giảng nhiều, học trò càng khổ vì bị thầy cô “ăn bớt” thời gian của những tiết học khác mà tập dợt tiết học dự giờ.

Mục tiêu của cải cách giáo dục là "chuyển truyền thụ tri thức sang dạy học phát triển năng lực người học”. Tuy nhiên, cứ nhìn vào những tiết dạy mẫu (thao, hội giảng dự giờ chuyên đề các cấp) của chương trình mới hiện nay, cũng chẳng khác những tiết dạy mẫu của 30 năm về trước. Vẫn chủ yếu thầy cô dạy trước rồi tập dợt, mớm bài đến ngày ra dạy trình diễn một cách trơn tru. Quan trọng nhất là hiệu quả của các tiết dạy chuyên đề này trong thực tế đến đâu?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên