Tiết học, bài giảng khô khan, sao đổ tại học sinh không yêu Lịch sử!

01/05/2022 06:59
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo chương trình giáo dục tổng thể, nhiều môn học trở thành môn lựa chọn ở cấp 3, chứ không phải chỉ riêng môn Lịch sử, nên sẽ không có việc coi nhẹ môn học này.

“Theo quan điểm của tôi, học sinh chỉ có thể học được hiệu quả với bất kể môn nào thì trước hết các em phải có sự chủ động, niềm yêu thích, đam mê môn học đó. Các em đến với môn học trong tâm thế chủ động, tự nguyện chắc chắn sẽ hiệu quả hơn bị bắt buộc.

Là một giáo viên dạy Lịch sử, tôi nhận thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nghiên cứu, tính toán cân nhắc khi đưa môn Lịch sử là môn lựa chọn ở chương trình cấp Trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Theo chương trình giáo dục tổng thể, nhiều môn trở thành môn lựa chọn ở bậc trung học phổ thông, chứ không phải chỉ riêng môn Lịch sử nên không có việc coi nhẹ môn học này. Nếu giáo viên cố gắng đổi mới phương pháp dạy thì với những em chưa yêu thích môn Lịch sử cũng vẫn có nhiều cách để giáo dục lòng yêu nước. Môn Lịch sử có ưu thế truyền đạt dễ dàng hơn, nhưng không phải là tuyệt đối.

Với học sinh cấp 3, trong chương trình hiện hành nói là giáo dục toàn diện, nhưng thực chất các em đã có sự định hướng, ví dụ: Nếu học ban A thì chú ý đến Toán, Lý, Hóa, khi đó môn Lịch sử đối với các bạn khối tự nhiên, có em đam mê thật sự nhưng lại không thể đủ thời gian bởi còn phải học thêm các môn khác, có em lại học để đối phó”, cô Đinh Thị Trang Nhung - Tổ trưởng tổ Lịch sử Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Cô Đinh Thị Trang Nhung - Tổ trưởng tổ Lịch sử Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Cô Đinh Thị Trang Nhung - Tổ trưởng tổ Lịch sử Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V.Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cô Nhung cho biết: “Việc có những môn lựa chọn ở cấp 3, chương trình mới có điểm rất hay bởi khi thi các em cũng có quyền lựa chọn. Với chương trình hiện hành học các môn bắt buộc, đương nhiên sẽ phải thi.

Tôi nhận thấy, với chương trình mới, vai trò của các thầy cô cấp Trung học cơ sở lại càng quan trọng hơn. Các thầy cô đổi mới dạy thật hay, phải làm sao truyền được tình yêu, sự tự nguyện đến cấp 3 học sinh sẽ lựa chọn môn Lịch sử như chính hơi thở của mình.

Việc phải học môn Lịch sử suốt đời hay không nó bao gồm cả việc học trên lớp, cũng như việc tự học, khi vào đại học, tôi thấy có một số bộ môn gần với môn Lịch sử. Còn nếu nói dừng lại việc học trên lớp, nhưng ngoài đời anh cũng không tìm hiểu, quay lưng lại với nó thì cũng không được.

Các thầy cô phải làm cho học sinh hiểu rằng ở cấp 3 không lựa chọn học môn Lịch sử, nhưng không có nghĩa là ngừng việc tìm hiểu lịch sử. Thầy cô có thể tích hợp trong nhiều hoạt động khác, các em vẫn phải tìm hiểu".

Theo cô Nhung: “Chương trình môn Lịch sử thì học sinh được học đến hết lớp 9, như vậy là thấy tương đối đầy đủ với các em có định hướng sau này làm việc không liên quan đến khối xã hội, nhưng nếu nói là đủ cho cả cuộc đời thì không. Học sinh có thể thay đổi hình thức học, thay đổi hình thức tiếp cận với môn học này, chứ không phải dừng lại khi hết lớp 9.

Nếu học sinh cho rằng hết lớp 9 sẽ không tìm hiểu môn Lịch sử, chỉ học thêm Toán, Lý, Hóa,…Thực ra tất cả những vấn đề xung quanh nếu các em không tìm hiểu thì sẽ bị tụt hậu. Hiện nay, một vấn đề theo tôi đáng lo ngại ở học sinh nếu dùng từ vô cảm thì e là hơi quá, nhưng thật sự nhiều em không biết mình đang đứng ở đâu.

Theo tôi, những em đã lựa chọn môn Lịch sử thì đương nhiên sẵn có lòng say mê, còn với những em chưa chọn vẫn cần có những hoạt động, bắt đầu từ bây giờ nên có định hướng tư vấn từ cấp 2, giúp các em hiểu và chuyển sang tiếp cận môn Lịch sử bằng một phương thức khác, qua môn học khác chứ không phải là dừng hẳn.

Với môn Giáo dục công dân cũng có một chút, với môn Ngữ văn có thể thông qua phần bối cảnh lịch sử,…Mỗi bộ môn lại có thế mạnh và vai trò riêng, kể cả môn Toán, Lý, Hóa cũng có giáo dục lòng yêu nước với những tấm gương các nhà bác học, nhà hóa học từ nước ngoài đem trí tuệ về phục vụ đất nước mình”.

Không có việc “xóa trắng” môn Lịch sử ở bậc Trung học phổ thông

Cô Nhung nói: “Hiện nay tôi nhận thấy các trường Trung học cơ sở chưa có nhiều hoạt động về hướng nghiệp, tư vấn cho học sinh, khiến các em chưa hiểu hết và có phần bỡ ngỡ. Trường nào làm tốt công tác tư vấn từ lớp 9, học sinh lên lớp 10 sẽ rất ổn, nhưng theo tôi sẽ có nhiều khó khăn vài năm đầu trong lúc giao thời.

Thời gian vừa qua, có rất nhiều phụ huynh tìm hiểu và hướng cho con lựa chọn học Lịch sử. Ví như, tại trường tôi số lượng các em lựa chọn môn học này ở lớp 10 chiếm tới 47,6%, môn ít học sinh lựa chọn nhất lại là Sinh học với 34%”.

Cần đưa môn Lịch sử vào môn học bắt buộc, và bắt buộc phải thi môn này khi tốt nghiệp Trung học phổ thông? Về vấn đề này, cô Nhung nêu quan điểm: “Tôi cho như vậy là cực đoan. Nếu Lịch sử là môn bắt buộc thì sẽ thiệt thòi cho những học sinh muốn theo đuổi chuyên sâu đối với môn học khác.

Làm cái gì muốn tốt cũng cần có sự tự nguyện, việc học cũng vậy. Thay vì cứ áp đặt, chúng ta dần dần đưa môn Lịch sử về đúng với vị thế của nó hơn bây giờ, thứ nhất ở dư luận, về sự nhìn nhận, rồi các trường đại học cần có nhiều nhóm ngành tuyển hơn, có sức hút hơn thì môn Lịch sử sẽ có nhiều em lựa chọn. Việc này cần thay đổi từ nhiều phía chứ không phải cứ “ép” là được. Nếu “bắt” thi môn Lịch sử thì việc học để thi cũng chỉ là chống đối, không bị điểm liệt là được, ép học như vậy có ích gì?”.

Cô Nhung nhận định: “Sau khi định hướng như vậy, vai trò của các nhà trường, các đoàn thể, gia đình, các phương tiện truyền thông,…phải giúp học sinh hiểu rằng sự lựa chọn của các em ở đây là định hướng nghề nghiệp, chứ không phải vì không yêu môn Lịch sử, không yêu nước, bản thân giáo viên chúng tôi cũng thường xuyên giáo dục như vậy”.

Giáo viên và học sinh lớp chuyên Sử Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: NVCC.
Giáo viên và học sinh lớp chuyên Sử Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: NVCC.

Cách dạy khiến học sinh nhàm chán

Khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Trần Thùy Dương - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã nói rằng: “Khi chúng ta khi thực hiện một chương trình nào đó thì không thể hy vọng sẽ thành công ngay, cần mưa lâu thấm dần. Điều lạ là cứ em nào học giỏi Toán thì được coi là thông minh, là siêu…và ngược lại chưa giỏi Toán thì được cho là kém, là dốt, trong khi em đó lại rất giỏi môn Lịch sử.

Giờ Lịch sử rất cần những bài học sống động thực tế, ghi chép chủ yếu những phần cơ bản. Tôi nghĩ các thầy cô đều biết cách truyền “lửa” được cho học sinh, truyền những kiến thức thực tế xã hội thì các em sẽ hứng thú hơn. Khi học sinh thấy rằng cuộc sống quanh ta không nặng nề với những kiến thức khô khan thì tôi tin rằng học sinh sẽ yêu môn Lịch sử, lúc đó các em sẽ học bằng sự đam mê, sự khám phá, tự tìm hiểu chứ không phải là học để đối phó với những kỳ thi.

Áp lực để đạt điểm cao bắt buộc phải nhớ sự kiện, liệu có phải phần kiểm tra đánh giá của môn Lịch sử đã vô tình làm cho học sinh sợ và ngại học? Giá như học sinh được thể hiện quan điểm của mình cũng giống như viết bài văn thì có lẽ chúng ta sẽ có nhiều ý tưởng hay từ học sinh, các em cũng sẽ yêu môn Lịch sử hơn.

Nên học Lịch sử qua các hình thức trải nghiệm, tăng cường các giờ học ngoại khóa tại Bảo tàng Lịch sử, những khu di tích lịch sử…như vậy môn học sẽ gần với thực tế hơn. Học sinh đã quá quen với những giờ học Lịch sử trong bốn bức tường lớp học, kéo dài rất nhiều năm qua bao nhiêu thế hệ, việc này cũng xuất phát từ điều kiện thực tế học sinh quá đông trong cùng một lớp học.

Nhưng ngay trong không gian nhà trường, chúng ta có thể áp dụng rất nhiều những phương pháp để khuyến khích các em yêu thích môn Lịch sử. Ví dụ: Vào những ngày lễ lớn, ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam,…nhà trường có thể phối hợp mời cán bộ về bảo tàng sang trường xây dựng những chuyên đề để dạy học sinh, có thể làm một triển lãm nhỏ, xem phim…các em học qua những trải nghiệm cũng như qua rất nhiều phương pháp khác.

Nói chung rất cần đổi mới phương pháp để truyền đạt kiến thức môn Lịch sử cho học sinh với mục tiêu giúp các con bớt nhàm chán với những dữ liệu khô khan, con số dài khó nhớ. Chúng ta chưa làm tốt những việc như vậy thì cũng không thể đổ tại học sinh không yêu thích lựa chọn môn Lịch sử, các thầy cô và nhà trường hãy thử làm đi rồi tổng kết xem sau một thời gian thì học trò thế nào?”.

Tùng Dương