16 dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ 3-5 năm, có nơi vốn tăng 170%

12/09/2014 14:50
Ngọc Quang
(GDVN) -Thông tin này được đưa ra sáng nay khi Bộ GTVT họp bàn giải quyết vấn đề chậm tiến độ dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM.

Tại buổi làm việc sáng nay, Bộ GTVT công bố thống kê: Hiện có 16 dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) đang được triển khai tại Hà Nội và TP.HCM. Tất cả các dự án này đều bị chậm tiến độ từ 3 – 5 năm và đội vốn từ 60 – 170%, trong đó có dự án dù mới rà soát lại trên giấy tờ đã phải điều chỉnh mức đầu tư tăng gấp đôi. 

Đối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), ông Nguyễn Mạnh Hùng - quyền Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết giá trị hợp đồng là 435,7 triệu USD (bao gồm cả VAT và dự phòng), nhưng mới đây đã phải điều chỉnh tăng lên 891,9 triệu USD (tức là tăng 339,6 triệu USD).

Ông Hùng cho biết một số nguyên nhân làm chậm tiến độ và phát sinh mức đầu tư như: Một số khoản kinh phí phải bổ sung, thí dụ bổ sung xử lý hạng mục Depot là 13 triệu USD; kinh phí làm đường tránh quốc lộ 6 là 1,94 triệu USD; kinh phí bổ sung đào tạo chuyển giao công nghệ là 2,9 triệu USD; Khu vực còn 13 ngôi mộ chưa di dời trước đây dự tính làm bãi đúc dầm nhưng vì chưa GPMB xong nên phải đi thuê chỗ khác khiến giá đội lên; Vỏ tàu ban đầu là sắt bây giờ chuyển sang inox...

Bên cạnh đó còn do trượt giá ngoại tệ, tại thời điểm ký kết dự án thì 7,1 Nhân dân tệ quy đổi ra 1 USD, nhưng tới nay thì 7,1 Nhân dân tệ quy đổi ra 1,2 USD. Nếu tính chi tiết thì riêng phần trượt giá này đã khoảng 16% giá trị đầu tư ban đầu.

Ông Hùng cũng nhấn mạnh: "Tiến độ của dự án chậm do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có nguyên nhân chính là tiến độ giải phóng mặt bằng chậm".

Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông phải bổ sung thêm 339,6 triệu USD, nhưng cho tới nay vẫn chưa hoàn thành xong khâu giải phóng mặt bằng.
Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông phải bổ sung thêm 339,6 triệu USD, nhưng cho tới nay vẫn chưa hoàn thành xong khâu giải phóng mặt bằng.

Còn tuyến ĐSĐT số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo được phê duyệt tháng 11.2008 với tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng chỉ mới rà soát lại trên giấy tờ cũng đã đội vốn. Cụ thể, ngay sau khi ký kết dự án, việc rà soát lại đã dự kiến tổng mức đầu tư tăng khoảng 51.750 tỷ đồng (gấp 3 lần so với dự kiến ban đầu). Hiện dự án này cũng đang bị chậm tiến độ 3 năm. Dự án này đang được Chính phủ và Bộ KHĐT thuê thẩm tra độc lập để xem xét việc tăng mức đầu tư kể trên.

Đối với tuyến Nhổn - ga Hà Nội tiến độ cũng bị kéo chậm do liên tục vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng, số tiền chi cho dự án dù đã đội lên cả trăm tỷ đồng, nhưng không ai dám chắc mốc hoàn thành dự án cuối năm 2018 có đạt được không? Cho tới thời điểm này UBND quận Bắc Từ Liêm chưa thể giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong chế độ đền bù giải phóng mặt bằng, và người dân thậm chí đã phải khiếu nại lên các cơ quan trung ương.

Tại TP.HCM, tuyến Bến Thành – Suối Tiên được phê duyệt tổng mức đầu tư 17.387 tỷ đồng cũng đã điều chỉnh tăng lên 47.325 tỷ đồng và thời gian hoàn thành đưa vào vận hành được nới thêm đến năm 2020.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho rằng, cần nhìn thẳng vào vấn đề để tìm ra nguyên nhân tại sao tất cả các dự án này đều tăng tổng mức đầu tư chứ không đổ lỗi đầu tiên do giải phóng mặt bằng (?).

Vị Phó Chủ tịch TP Hà Nội cho rằng, nguyên nhân khách quan là khi nghiên cứu dự án ĐSĐT quá sơ sài, không nắm được về công nghệ, kỹ thuật, hướng tuyến, giải pháp. Thí dụ, tuyến Nhổn – Ga Hà Nội trước đây định làm ngầm từ Núi Trúc đến Ga Hà Nội rồi lại thay đổi. Chưa làm gì mới rà soát trên giấy đã tăng 70%, ban đầu chỉ có 530 triệu EUR. Khi bắt tay vào nghiên cứu kỹ thuật đã tăng lên hơn 1,1 tỷ EUR.

Sau khi nghe ý kiến của hai địa phương và các đơn vị liên quan, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: "Dù là vốn nào thì người dân vẫn phải nộp thuế để trả nợ. Bây giờ chúng ta chưa có để trả nợ thì đời con cháu chúng ta sẽ phải trả. Vì vậy, chúng ta phải quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả từng đồng vốn vay, đảm bảo tiền thuê của nhân dân được sử dụng có hiệu quả và phát huy mang lại giá trị, lơi ích kinh tế, xã hội là trách nhiệm của Bộ GTVT và các Bộ, ngành liên quan cùng UBND TP Hà Nội và TP.HCM”.

Vị Tư lệnh ngành giao thông Thăng yêu cầu cần tập trung các giải pháp để khắc phục tồn tại, bất cập, đưa ra kế hoạch triển khai đối với các dự án, đồng thời báo cáo Chính phủ, đề nghị làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn tới thực trạng này.

“Chúng ta phải công khai, minh bạch cho nhân dân nắm rõ. Không né tránh trách nhiệm, không đùn đẩy. Trách nhiệm của bộ, ngành đến đâu, của địa phương đến đâu trong việc chậm trễ và đội vốn này”, Bộ trưởng Thăng nói.

Ngọc Quang