2020, Nga không sợ 'lá chắn tên lửa' của Mỹ

09/10/2012 07:36
Theo Đất Việt
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoli Serdyukov cho biết, chương trình vũ khí quốc gia đến năm 2020 sẽ giải quyết hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu.
Theo lời Bộ trưởng Anatoli Serdyukov, Bộ Quốc phòng nước này đang theo dõi sát sao những mối quan tâm của các đồng nghiệp nước ngoài và hiểu họ định làm gì.

Trong bài phỏng vấn với Itogi, ông Serdyukov cho hay: “Chương trình vũ khí của chúng tôi đang giải quyết nhiều vấn đề và sẽ giải quyết những gì có liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ”.

Ông bộ trưởng không quên nhấn mạnh, Nga cũng có những loại vũ khí với cùng chức năng, có thể khiến đối phương chùn bước.

“ Tôi có thể khẳng định với khả năng kiềm chế hạt nhân, với những loại vũ khí tối tân, có độ chính xác cao cùng hàng loạt các dự án sản xuất vũ khí mới, chúng ta có quyền tin tưởng vào sức mạnh bản thân”.

Chương trình vũ khí quốc gia Nga có giá trị là 20 tỉ rub. Đến năm 2020, lượng vũ khí mới phải chiếm được 70% số lượng vũ khí hiện tại, số còn lại sẽ được hiện đại hóa toàn diện.

Tổ hợp tên lửa Iskander-M của Nga.
Tổ hợp tên lửa Iskander-M của Nga.

Trong 10 năm tới sẽ có hơn 400 tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng trên mặt đất hay trên biển, 8 tàu ngầm tuần dương mang tên lửa, gần 20 tàu ngầm đa năng, hơn 50 tàu chiến, gần 100 thiết bị vũ trụ dùng cho mục đích quân sự, hơn 600 máy bay hiện đại, bao gồm cả tiêm kích thế hệ 5, hơn 1.000 trực thăng, 28 tổ hợp tên lửa S-400 được trang bị cho quân Nga.

Ngoài ra, quân đội Nga còn nhận thêm 38 tiểu đoàn tổ hợp tên lửa Vityaz, 10 lữ đoàn tổ hợp Iskander-M, hơn 2.300 tổ hợp tăng hiện đại, gần 2.000 tổ hợp pháo và vũ khí tự hành cùng hơn 17.000 xe quân sự.

Chương trình vũ khí quốc gia Nga được thông qua năm 2010 và có thời hạn là 10 năm. Chương trình này cũng nhấn mạnh đến việc hiện đại hóa các tổ hợp công nghiệp quốc phòng OPK với số tiền là 3 tỉ Rub.

Nga và NATO đã đạt được thỏa thuận hợp tác về chương trình phòng thủ tên lửa của châu Âu trong hội nghị Thượng đỉnh Lisbon năm 2010, nhưng những cuộc thương thảo đã gặp bế tắc khi Mỹ không đưa ra những bảo đảm pháp lý về việc không triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa để ngăn chặn sức mạnh hạt nhận của Nga.

Để trả đũa, Nga đã sử dụng rất nhiều biện pháp: từ quân sự, kỹ thuật, ngoại giao. Nga tuyên bố trong trường hợp 2 bên không đạt được thoả thuận, Nga sẽ triển khai tổ hợp Iskander tại vùng Kalinigrad.

Theo Đất Việt