3 điểm nổi bật của cuộc tập trận hải quân Nga - Trung Quốc

23/04/2012 12:25
Hồng Thủy (theo Tân Hoa Xã)
(GDVN) - Đây là lần đầu tiên cả Nga và Trung Quốc huy động số tàu chiến lớn như vậy kể cả về số lượng cũng như chủng loại, chất lượng.
Ngày 22/4 Tân Hoa Xã đăng bài phân tích của Mạnh Tường Thanh, Phó phòng nghiên cứu chiến lược thuộc đại học Quốc phòng Trung Quốc chỉ ra 3 điểm nổi bật nhất của cuộc tập trận chung "Liên hợp trên biển 2012" đang diễn ra, đó là quy mô lớn, hạng mục nhiều, duyệt binh hoành tráng.

Lần diễn tập hải quân chung này, hai bên đã điều động tổng cộng 25 chiến hạm, 13 máy bay, 9 trực thăng, 2 đơn vị đặc công. Đây là lần đầu tiên cả Nga và Trung Quốc huy động số tàu chiến lớn như vậy kể cả về số lượng cũng như chủng loại, chất lượng.
Khu trục hạm Cáp Nhĩ Tân
Khu trục hạm Cáp Nhĩ Tân

Đặc biệt trong cuộc tập trận "Liên hợp trên biển 2012", Bắc Kinh điều khu trục hạm Cáp Nhĩ Tân hiện đại nhất của hải quân Trung Quốc ra kề vai sát cánh với tuần dương hạm Varyag của hải quân Nga, có thể coi hai chiến hạm này tiêu biểu cho lực lượng  hải quân Moscow và Bắc Kinh hiện nay.

Hạng mục diễn tập lần này rất phong phú và thiết thực. Chủ đề tập trận là "Liên hợp phòng ngự trên biển và tác chiến bảo vệ giao thông trên biển" quyết định tính chất của cuộc tập trận này là phòng ngự.

Mạnh Tường Thanh, chuyên gia phân tích quân sự đại học Quốc phòng Trung Quốc
Mạnh Tường Thanh, chuyên gia phân tích quân sự đại học Quốc phòng Trung Quốc

Theo Mạnh Tường Thanh, điều này có ảnh hưởng tích cực đến việc duy trì ổn định và an ninh khu vực.

Điểm nổi bật thứ 3 mà chuyên gia này chỉ ra, các hoạt động duyệt binh trên biển, giao lưu hội thảo song phương giữa hải quân hai bên rất đáng chú ý.

Do lần diễn tập này, các chiến hạm và máy bay tham gia số lượng nhiều, chủng loại phong phú, trang bị vũ khí đầy đủ và hiện đại nên khung cảnh duyệt binh trên biển vô cùng hoành tráng.
Tập trận Nga - Trung "Sứ mệnh hòa bình 2005", ảnh tư liệu
Tập trận Nga - Trung "Sứ mệnh hòa bình 2005", ảnh tư liệu

Lịch sử các giai đoạn phát triển của hải quân Nga, Trung Quốc không giống nhau nên làm thế nào để 2 bên diễn tập ăn khớp, bổ sung bọc lót cho nhau để tăng cường hiệu quả hợp tác sẽ là một trong những nội dung quan trọng tiếp theo sau cuộc tập trận này.

Mặc dù giới học giả Bắc Kinh cho rằng cuộc tập trận chung Nga - Trung lần này không nhằm vào bất cứ quốc gia, đối tượng nào, nhưng quy mô và tính chất của nó khiến Tokyo và Seoul không khỏi quan ngại.

Tờ Đông Á xuất bản tại Hàn Quốc ngay từ tháng 3 năm nay đã đưa tin, chiến lược quay lại Thái Bình Dương của Mỹ cộng với hoạt động quân sự Mỹ - Nhật, Mỹ - Hàn ngày càng gia tăng khiến Bắc Kinh, Moscow không thể khoanh tay ngồi nhìn.

Cuộc tập trận "Liên hợp trên biển 2012" chính là động thái thể hiện Nga, Trung không chịu "thua kém" Mỹ ở Thái Bình Dương.

Báo Yomiuri, Nhật Bản nhận định, cuộc tập trận chung Nga - Chung này là nhằm hình thành 1 thực thể đối kháng với liên minh quân sự Nhật - Mỹ - Hàn ở Đông Á.
Hồng Thủy (theo Tân Hoa Xã)