30 chưa phải Tết, thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 củng cố nền móng cho cả tiến trình

01/03/2019 06:22
Thanh Bình
(GDVN) - Nếu cả hai bên đều lựa chọn theo kiểu được ăn cả ngã về không thì Mỹ và Triều Tiên sẽ không thu nhận được kết quả gì.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận như dự kiến.

Tại buổi họp báo ngày 28/2/2019, Tổng thống Donald Trump nói còn nhiều vấn đề mà ông chưa hài lòng và cũng chưa sẵn sàng dỡ bỏ lệnh cấm vận với Triều Tiên.

Bài viết này sẽ đưa ra nhận định về cách thức các bên có thể thực hiện để tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán thúc đẩy tiến trình hòa bình.

Làm sao để cùng hợp tác với Triều Tiên

Trước khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên trong lịch sử được diễn ra vào tháng 6/2018, dường như có một định kiến chủ đạo trong giới quan sát Triều Tiên tại Mỹ là “đàm phán với Triều Tiên là vô ích”.

Tổng thống Donald Trump họp báo sau khi kết thúc sớm cuộc đàm phán với Chủ tịch Kim Jong-un, trước khi rời Việt Nam về nước. Ảnh: WCYB.
Tổng thống Donald Trump họp báo sau khi kết thúc sớm cuộc đàm phán với Chủ tịch Kim Jong-un, trước khi rời Việt Nam về nước. Ảnh: WCYB.

Tuy nhiên, những chuyển biến tích cực của cả Hàn Quốc và Mỹ để đưa Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán trong thời gian qua cho thấy Triều Tiên không phải đất nước không thể hợp tác.

Điều cốt yếu là phải đọc các văn bản gốc của Triều Tiên (chẳng hạn như tờ Rodong Shinmun và Cơ quan thông tấn trung ương Triều Tiên-KCNA) thay vì chỉ dựa vào bình luận của giới truyền thông phương Tây.

Các nhà bình luận bên ngoài thường là nguồn đánh giá sai lệch và méo mó về Triều Tiên. Chúng ta cũng cần tránh sai lầm đánh giá quá cao hay quá thấp.

Tình trạng bế tắc về hạt nhân hiện nay của Triều Tiên hẳn đã có thể được ngăn chặn nếu chúng ta đưa ra một phân tích khách quan và thiết thực hơn về những ý định và năng lực của Triều Tiên.

Một đánh giá thấp trước đó cho rằng Bình Nhưỡng chưa có được năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo, cũng như một đánh giá quá cao sau đó cho rằng Triều Tiên hiện có thể tấn công lục địa Mỹ bằng các tên lửa đạn đạo liên lục địa, đã phá hoại nghiêm trọng những cơ hội để có được một giải pháp thông qua thương lượng cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Việc đánh giá thấp sự bền vững và khả năng thích ứng của Triều Tiên trước các biện pháp trừng phạt kinh tế cũng đã cản trở việc đối phó với Triều Tiên một cách hiệu quả.

Cuối cùng, chúng ta cần lưu ý tới nhận xét của cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, William Perry rằng chúng ta cần đối phó với những thực tế ở Triều Tiên theo như những gì đang diễn ra, chứ không phải theo cách chúng ta muốn chúng phải diễn ra hoặc có lẽ đã diễn ra.

Can dự sẽ vẫn là giải pháp tối ưu?

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tiến hành sáng kiến can dự, Bình Nhưỡng đã phản ứng tích cực bằng cách tạm ngừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa cũng như các hành động khiêu khích quân sự thông thường.

Chủ tịch Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Donald Trump cùng nhau đi dạo trước cuộc gặp vào sáng ngày 28/2/2019 (Ảnh: Reuters)
Chủ tịch Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Donald Trump cùng nhau đi dạo trước cuộc gặp vào sáng ngày 28/2/2019 (Ảnh: Reuters)

Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un đã đưa ra thêm những lời lẽ và cam kết táo bạo, chẳng hạn như phá bỏ một cơ sở thử hạt nhân, các cơ sở thử động cơ và phóng tên lửa đạn đạo và các cơ sở hạt nhân ở Yongbyon.

Ông Kim Jong-un đã cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước toàn thế giới và quan trọng hơn là với chính người dân Triều Tiên.

Đồng thời, Bình Nhưỡng tỏ ra hợp tác trong việc đi đến các thỏa thuận về một loạt các vấn đề khác và tiến hành kiểm soát vũ khí tác chiến với Hàn Quốc.

Hơn nữa, trong việc đối phó với Triều Tiên, không có lựa chọn nào khả thi hơn ngoại trừ việc can dự.

Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt và gây sức ép tối đa có tác động hạn chế và các phương án quân sự là không thể chấp nhận được do thiệt hại rất lớn.

Cũng cần lưu ý rằng sức hút chưa từng có giữa ông Donald Trump, Moon Jae-in và Kim Jong-un đang có sẽ khiến cho việc can dự trở nên hiệu quả.

Các kênh thông tin liên lạc được thiết lập vững chắc và một hình thức xây dựng lòng tin nào đó giữa họ, đi kèm với sự thống nhất về động cơ và lợi ích (kinh tế thịnh vượng đối với Kim Jong-un, hòa bình đối với Moon Jae-in và thành tựu chính trị đối với Donald Trump) có thể mang lại một số kết quả can dự tích cực.

Môi trường chính trị khu vực và quốc tế ngày nay hoàn toàn khác so với quá khứ. Mỹ duy trì các kênh liên lạc với Triều Tiên ở cấp thượng đỉnh, cấp cao và cấp sự vụ.

30 chưa phải Tết, thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 củng cố nền móng cho cả tiến trình ảnh 3Nhiều tuyên bố tích cực tại Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2

Hàn Quốc cũng có các kênh liên lạc với Triều Tiên ở tất cả các cấp và trong nhiều lĩnh vực chức năng.

Trong tương lai, việc thể chế hóa một cơ chế giám sát và quản lý khủng hoảng ba bên sẽ hữu ích đối với cả Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên.

Một trong những giả định sai lầm về Triều Tiên là logic về tội ác và trừng phạt. Do Triều Tiên đã phạm lỗi nên họ cần phải bị trừng phạt bất chấp sự thay đổi hành vi.

Một chiến lược tăng cường tiêu cực như vậy đã phản tác dụng. Bình Nhưỡng đã đáp trả dữ dội hơn.

Giờ đã đến lúc phải cân nhắc việc áp dụng chiến lược tăng cường tích cực. Thay vì chỉ trích hành vi của Triều Tiên trong quá khứ, việc tưởng thưởng cho các cử chỉ thiện chí hiện nay của Triều Tiên có thể thúc đẩy họ điều chỉnh hành vi theo hướng tích cực hơn.

Không thể phủ nhận Mỹ là một siêu cường còn Triều Tiên là một nước nhỏ. Sự bất cân xứng giữa hai nước là điều không thể tránh khỏi, nhưng Triều Tiên không phải một nước dễ bị đánh bại.

Việc đối xử với họ như một nước thất bại sẽ không dẫn đến đàm phán thành công. Cần phải có một sự thỏa hiệp mà hai bên có thể chấp nhận.

Việc đơn phương áp đặt lợi ích của bất cứ bên nào có thể sẽ làm cho tình hình tồi tệ hơn.

Các nhà quan sát Triều Tiên tại Mỹ cần phải có một thái độ thực tế và linh hoạt hơn đối với Triều Tiên. Bình Nhưỡng khó có khả năng đáp ứng đòi hỏi của Mỹ là phá trước thưởng sau.

Nếu cả hai bên đều lựa chọn theo kiểu được ăn cả ngã về không thì Mỹ và Triều Tiên sẽ không thu nhận được kết quả gì.

Vì vậy, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tại Hà Nội dù chưa đạt được những kết quả đột phá như kỳ vọng, nhưng rõ ràng đã củng cố thêm khả năng đối thoại, giải quyết bất đồng bằng thương lượng giữa hai nước.

Người Việt Nam có câu, 30 chưa phải Tết, nhưng muốn có đột phá trong tương lai, rõ ràng bình đẳng cùng có lợi là nguyên tắc quan trọng để hai bên ngồi vào bàn đàm phán trong những lần tiếp theo.

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.voanews.com/a/trump-kim-summit-ends-with-no-agreement-/4807344.html

2. https://www.reuters.com/article/us-northkorea-usa/trump-says-he-walked-from-deal-with-kim-over-north-korean-sanction-demands-idUSKCN1QG2Y3

3. http://www.wjperryproject.org/notes-from-the-brink/statement-by-william-perry-on-north-korea-remarks

Thanh Bình