6 ngày Tết, cả nước có 234 người chết vì tai nạn giao thông

15/02/2013 14:43
Nguyễn Huệ (Tổng hợp)
(GDVN) - Trung bình mỗi ngày có khoảng 40 người chết vì tai nạn giao thông trong 6 ngày Tết nguyên đán, đó là con số thống kê mới nhất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Tuy nhiên, trong những ngày này, việc tăng cường hoạt động của các cơ quan chức năng đã mang lại không khí thanh bình trên nhiều tuyến đường cũng như các lễ hội, điểm du lịch đầu năm.

6 ngày tết cả nước có 234 người chết vì tai nạn giao thông

Theo thống kê mới nhất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia được đăng tải trên báo Thanh niên, trong 6 ngày Tết (từ ngày 29 tháng chạp đến mùng 5 tháng giêng) cả nước có 234 người chết, 301 người bị thương vì tai nạn giao thông. Tính ra, 6 ngày qua, trung bình mỗi ngày có 39 người chết vì TNGT.

Đáng chú ý, năm nay trên các tuyến quốc lộ không xảy ra tai nạn ô tô nghiêm trọng như mọi năm mà chủ yếu là tai nạn giữa các xe máy. 85% vụ tai nạn xảy ra ở đường liên thôn - xã - huyện.

Thống kê ở 1 số địa phương trong những ngày này, báo Thanh niên đã ghi nhận: theo số liệu của Sở Y tế Cà Mau, trong 5 ngày trên, bệnh viện các tuyến trong tỉnh đã tiếp nhận cấp cứu, điều trị 811 ca do TNGT; riêng đêm giao thừa có đến 134 ca cấp cứu.

Từ 8 - 13.2, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Tiền Giang đã tiếp nhận 155 ca chấn thương vì TNGT, trong đó có 2 ca tử vong; riêng ngày 12.2, có 50 ca nhập viện.

Tin từ Sở Y tế Gia Lai ngày 14.2 cho biết từ 29 tháng chạp đến mùng 5 tháng giêng có 627 ca chấn thương do tai nạn giao thông nhập viện, tăng 54 người so năm trước và hiện đã có 5 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân giao thông nhập viện liên tục khiến nhiều cơ sở y tế quá tải, thiếu máu cấp cứu.

Trong những ngày Tết, số bệnh nhân do TNGT phải nhập viện tăng đột biến khiến nhiều cơ sở y tế quá tải, thiếu máu cấp cứu (ảnh: internet).
Trong những ngày Tết, số bệnh nhân do TNGT phải nhập viện tăng đột biến khiến nhiều cơ sở y tế quá tải, thiếu máu cấp cứu (ảnh: internet).

Trên Người lao động cũng ghi nhận: tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), chiều mùng 5 Tết (14-2) đông nghịt bệnh nhân, trung bình 30 phút lại có thêm bệnh nhân chuyển đến khoa cấp cứu.

Theo bác sĩ Dương Trọng Hiền, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa BV Việt Đức, số bệnh nhân vào cấp cứu tại khoa này tăng từ những ngày đầu năm. Cụ thể, mùng 1 Tết, có 95 bệnh nhân cấp cứu, đến mùng 2 vọt lên 127 ca, mùng 3 là 147 ca và mùng 4 lên đến 156 ca. Trong số này, khoảng 70% bệnh nhân bị TNGT. Trong đó, số ca chấn thương sọ não, tử vong hoặc phải “xin về” trong những ngày Tết Quý Tỵ tăng cao chưa từng thấy với gần 30 trường hợp, trong khi những năm trước con số này chỉ khoảng 10-15. Điều đáng quan tâm là hầu hết bệnh nhân bị TNGT cấp cứu trong mấy ngày Tết vừa rồi đều có hơi rượu nồng nặc.

Dẫn nguồn từ trang Vietnamplus: Trong 5 ngày đầu năm Quý Tỵ, Phòng Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội đã phát hiện và xử lý 1.098 trường hợp vi phạm; tạm giữ hàng trăm phương tiện. Ngoài ra, nhiều đối tượng phạm pháp, tang vật như ma túy, vũ khí... cũng bị 141 phát hiện, bắt giữ.

Phòng Cảnh sát giao thông cũng đã chủ động bố trí lực lượng, phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã tăng cường hiệu quả hoạt động của 15 tổ công tác 141; duy trì 12 chốt chống đua xe từ 22h đến 7h sáng hàng ngày. Trong 5 ngày Tết không để xảy ra tình trạng đua xe và cổ vũ đua xe trái phép.

Trong dịp Tết nguyên đán, Hà Nội đã không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông (ảnh minh họa).
Trong dịp Tết nguyên đán, Hà Nội đã không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông (ảnh minh họa).

Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội, trong Tết Nguyên Đán 2013, tình trạng ùn tắc giao thông đã không xảy ra. Tại khu vực 6 bến xe trọng điểm, 65 điểm chợ hoa, chợ tết, chợ nông sản, các điểm tổ chức văn nghệ chào mừng năm mới, 29 điểm bắn pháo hoa đêm Giao thừa đều được Phòng Cảnh sát giao thông bố trí lực lượng phân luồng, điều tiết đảm bảo trật tự, phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi chúc Tết, nhân dân đi lại an toàn, thông suốt.

Nhiều lễ hội lớn khai hội trong ngày 6 Tết.

Hôm nay, mùng 6 âm lịch, rất nhiều lễ hội, điểm du xuân trên địa bàn cả nước được khai mạc: hội Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), chùa Bái Đính (Ninh Bình), đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), lễ hội Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), hội vật truyền thống Thủ Lễ (đình làng Thủ Lễ, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế.)…

Theo ghi nhận ban đầu của phóng viên các báo, ở 1 số lễ hội như Chùa Hương, chùa Bái Đính… dù trời mưa phùn, giá rét nhưng vẫn không ngăn cản được bước chân hàng vạn du khách hành hương về lễ Phật và dự hội.

Mặc dù tiết trời se lạnh và có mưa phùn nhưng vẫn không ngăn được dòng người trẩy hội chùa Hương.
Mặc dù tiết trời se lạnh và có mưa phùn nhưng vẫn không ngăn được dòng người trẩy hội chùa Hương.

Năm nay, để tránh những biến tướng trong nghi lễ mang màu sắc mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, hàng quán lấn chiếm khu bảo tồn, hòm công đức đặt vô tổ chức... làm mờ bản sắc văn hóa, gây phản cảm trong xã hội, các cơ quan quản lý văn hóa cũng như chính quyền địa phương tại nơi diễn ra lễ hội đã tích cực vào cuộc nhằm loại bỏ những hiện tượng này.

Nội dung kiểm tra sẽ tập trung vào tính hợp pháp nội dung kịch bản của lễ hội, công tác sắp xếp hàng quán, dịch vụ, trông giữ xe, đảm bảo an ninh trật tự, các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và các loại hình dịch vụ trong lễ hội theo quy định của pháp luật, việc sắp xếp hòm công đức, đặt tiền lễ, tiền giọt dầu nơi thờ tự...

Mặc dù mùng 9 mới phải đi làm nhưng từ mùng 4 Tết, lượng hành khách đón xe, tàu lửa đi vào Nam đã rất nhộn nhịp. Lợi dụng cơ hội này nhà xe và các “cò” vé tha hồ hét giá “chặt chém” khách.

Theo ghi nhận của phóng viên trang điện tử khampha.vn, tại ga Huế sáng mùng 4 Tết, lượng hành khách, đặc biệt là công nhân vào lại Sài Gòn và các tỉnh phía Nam làm việc trở lại bắt đầu nhộn nhịp. Tàu SE21 chạy tuyến Huế - TP.HCM, các toa xe ghế ngồi cứng, ghế ngồi mềm điều hòa và toa giường nằm đi Sài Gòn đã được ga Huế và các ga như Đà Nẵng, Trà Kiệu, Tam Kỳ (Quảng Nam), Quảng Ngãi, Diêu Trì, Nha Trang bán hết từ trước Tết.

Còn tại ga Tam Kỳ, nhà ga cũng đã bán hết vé đi các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP.HCM từ trước Tết. Theo đó, giá vé các tàu loại ghế mềm điều hòa Tam Kỳ - TP.HCM: 846.000 đồng/1 vé; ghế cứng Tam Kỳ - TP.HCM: 550.000 đồng/1 vé; ghế cứng điều hòa Tam Kỳ - TP.HCM: 700.000 đồng/1 vé.

Giường nằm điều hòa Tam Kỳ - TP.HCM: 1.00.000 đồng đến 1.200.000 đồng/1 vé.

Riêng vé cứng điều hòa ưu đãi sinh viên Tam Kỳ - TP.HCM là 667.000 đồng/1 vé.

Chư tới ngày đi làm nhưng lượng hành khách đón xe, tàu lửa đi vào Nam đã rất nhộn nhịp. Đây cũng là cơ hội cho "cò" bến xe mặc sức tung hoành.
Chư tới ngày đi làm nhưng lượng hành khách đón xe, tàu lửa đi vào Nam đã rất nhộn nhịp. Đây cũng là cơ hội cho "cò" bến xe mặc sức tung hoành.

Mặc dù, ga Tam Kỳ đã hết sạch vé Tam Kỳ đi các tỉnh phía Nam từ trước Tết. Nhân viên ga này cho biết: “Ga Tam Kỳ đã bán hết vé đi TP.HCM từ trước Tết rồi. Từ mùng 5 đến mùng 10 Tết không còn một tấm vé nào hết”.

Tuy nhiên, tại các quán nước trước ga Tam Kỳ, các “cò” vé tàu lửa chào hỏi khách muốn đi Sài Gòn bao nhiêu cũng có vé hết. Và mức giá mà các “cò” đưa ra là: vé tàu SE9 Tam Kỳ đi Sài Gòn ghế cứng điều hòa là 900.000 đồng/1 vé. Còn ghế cứng không điều hòa là 700.000 đồng đến 800.000 đồng/1 vé”.

Nguyễn Huệ (Tổng hợp)