6 tháng cuối năm, đời sống người lao động sẽ bớt khó khăn

03/05/2012 11:15
Theo Dân Trí
Đến hết quý 1/2012 đã có khoảng 240.000 người lao động (NLĐ) bị mất việc hoặc ảnh hưởng đến việc làm. Dự báo, 6 tháng cuối năm, khi tình hình kinh tế đi lên, đời sống của người lao động sẽ bớt khó khăn hơn.

Theo thống kê của ngành lao động, tính đến hết quý 1/2012 đã có khoảng 12.000 doanh nghiệp (DN), chủ yếu trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, phải ngưng sản xuất hoặc giải thể. Ước tính trung bình mỗi DN có khoảng 20 lao động thì đã có khoảng 240.000 NLĐ bị ảnh hưởng đến việc làm. Mất việc hoặc bị thu hẹp công việc đồng nghĩa với khoản thu nhập chính bị bị ngừng trệ, cuộc sống của NLĐ bị ảnh hưởng nghiệm trọng. Hàng loạt khoản chi tiêu thường ngày như ăn, ở, điện, nước và các khoản chi tiêu học phí của cho con cái NLĐ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, tuy giá cả lương thực thực phẩm có phần ổn định hơn nhưng giá xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu vẫn tăng đáng kể.

6 tháng cuối năm, đời sống người lao động sẽ bớt khó khăn ảnh 1

Bữa cơm của người lao động sẽ bớt đạm bạc khi có việc làm và thu nhập ổn định hơn.

Về vấn đề này, TS Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đưa ra thực tế khảo sát, qua đó cho thấy tại thời điểm khó khăn như hiện nay, thị trường lao động của hai miền Nam - Bắc đã có sự khác nhau khá rõ. Nếu vấn đề mất việc làm đối với NLĐ trong Nam không phải là nỗi lo ngại lớn bởi chuyện mất việc, thôi việc rồi tìm lại việc làm mới là rất bình thường; thì với công nhân lao động miền Bắc, đây lại là vấn đề rất nghiêm trọng và nặng nề.

Nguyên nhân được đưa ra là thị trường lao động phía Nam rất sôi động, nhu cầu việc làm khá nhiều, đa dạng và phong phú. Riêng ở TPHCM, Biên Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã có hàng chục KCN, KCX lớn với hàng ngàn doanh nghiệp, nhu cầu về lao động rất lớn. Đó cũng chính là lý do tại sao có tình trạng từ trước đến nay, lao động “Nam tiến” nhiều như vậy. Trong khi đó tại miền Bắc, doanh nghiệp ít hơn và có tính bền vững tốt hơn, NLĐ cũng có xu hướng ngại thay đổi nơi làm việc nên khi chỗ làm có biến cố hoặc phá sản, NLĐ tỏ ra khá hoang mang và mất lòng tin.

Ông Điều đưa ra dự báo, trong quý 2/2012, các DN vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn do khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng. Tuy nhiên, mới đây Chính phủ đã có những điều chỉnh quan trọng trong chính sách vĩ mô như giảm lãi suất ngân hàng, mở rộng hạng mục cho vay và bắt đầu “mở van” đối với lĩnh vực bất động sản nhằm cứu ngành xây dựng... Như vậy, vấn đề vốn cho doanh nghiệp sẽ được cải thiện. Theo đó, DN đã có thể tiếp cận lại với nguồn vốn vay để đầu tư vào nhiều lĩnh vực và sẽ tạo nhiều việc làm cho người lao động. Do đó từ quý 3, nhiều khả năng thị trường việc làm sẽ sôi động hơn. Lúc đó đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động sẽ bớt khó khăn hơn.

“Trước mắt, những chính sách ổn định của nhà nước lúc này nhằm áp dụng cho những lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống NLĐ như nhà ở, đi lại là rất cần thiết. Về phía NLĐ khi mất việc cần lưu ý bảo vệ quyền lợi của mình. Theo quy định hiện hành, khi mất việc, cá nhân NLĐ sẽ nhận được một số loại trợ cấp như trợ cấp thôi việc theo quy định (tại Điều 42); trợ cấp mất việc (theo Điều 17 Bộ Luật Lao động); trợ cấp thất nghiệp (theo quy định của Nghị định 27/2008/NĐ-CP về chính sách bảo hiểm thất nghiệp). Cũng theo quy định (của Nghị định 27), các DN có từ 10 lao động trở lên đều bị bắt buộc tham gia BHTN cho lao động và khi doanh nghiệp và NLĐ tham gia BHTN thì khi NLĐ bị thất nghiêp sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp với mức thấp nhất là là 3 tháng lương thất nghiệp (bằng 60% lương cơ bản trước đó). Đây cũng là “giá đỡ” cho NLĐ khi tạm thời không có việc làm. Ngoài ra NLĐ thất nghiệp còn được giới thiệu việc làm, được đào tạo nghề miễn phí, được hưởng BHYT trong thời gian thất nghiệp” - ông Điều nhấn mạnh.

Theo Dân Trí