7 đề xuất mới của Việt Nam tại Hội nghị cấp cao Campuchia - Lào - Việt Nam

24/11/2016 15:30
QUỐC TOẢN
(GDVN)-Thủ tướng nhấn mạnh 7 đề xuất mới của Việt Nam tại hội nghị Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 9 được các đại biểu hoan nghênh, đánh giá cao.

Trưa ngày 24/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam đã rời Xiêm Riệp (Cam-pu-chia), về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 9.

Tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Xăm - đéc Tê - chô Thủ tướng Hun-xen, Thủ tướng Lào Thông - lun Xi - xô - lít đã rà soát tình hình hợp tác Campuchia - Lào - Việt Nam kể từ Hội nghị Cấp cao CLV lần thứ 8 tại Viêng - chăn cũng như trao đổi về tình hình, triển vọng của Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và vai trò của hợp tác của 3 nước đối với sự phát triển của mỗi nước. 

Các nhà Lãnh đạo một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của tình đoàn kết, mối quan hệ gắn bó keo sơn của ba nước láng giềng anh em Campuchia, Lào và Việt Nam, vì sự phát triển, thịnh vượng của mỗi quốc gia và của Hiệp hội ASEAN, vì hoà bình, ổn định của cả khu vực.

Đồng thời chia sẻ quan điểm chung là, ba nước cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để tận dụng cơ hội phát triển mới, thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN. 

Các nhà Lãnh đạo nhất trí tăng cường kết nối giữa ba nền kinh tế cả về hạ tầng cứng, hạ tầng mềm.

Thống nhất đẩy mạnh thực hiện “Kế hoạch hành động về kết nối ba nền kinh tế”, mở rộng quy mô thị trường, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ảnh đăng trên Báo Đầu tư).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ảnh đăng trên Báo Đầu tư).

Bên cạnh việc phát huy tốt nội lực, cần phải có môi trường đầu tư thuận lợi để kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư vào khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và đẩy mạnh hợp tác tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho triển khai các dự án, chương trình hợp tác cụ thể trên cơ sở phát huy lợi thế của mỗi nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế và các bên cùng có lợi. 

Ba nước tiếp tục phối hợp, bảo đảm môi trường an ninh - chính trị hoà bình và ổn định.

Đồng thời thúc đẩy các hoạt động hợp tác về văn hoá, giáo dục, du lịch và giao lưu nhân dân trong thời gian tới.

Phối hợp chặt chẽ để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc, tăng cường hợp tác bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. 

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động, khó lường, cả 3 nước có quy mô nền kinh tế còn thấp, có nhiều khó khăn càng phải tăng cường hợp tác, dựa vào nhau, cùng thống nhất lập trường, tiếng nói chung trong đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Đẩy mạnh tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho  hợp tác Campuchia - Lào - Việt Nam trong xây dựng và triển khai các chính sách phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm an ninh, ổn định xã hội và sự ấm no, hạnh phúc của người dân ba nước.

Đóng góp vào thành công của Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh 7 đề xuất mới của Việt Nam và được các đại biểu hoan nghênh, đánh giá cao.

1. Xây dựng cơ chế để phương tiện đăng ký tại các tỉnh thuộc Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào -Việt Nam được đi lại thuận tiện trong Khu vực không hạn chế về số lượng;

2. Thực hiện mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Việt Nam - Bà Vẹt, Campuchia trong năm 2017.

3. Thiết lập cơ chế đối thoại định kỳ giữa đại diện các cơ quan của Chính phủ Campuchia, Lào, Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào ba nước để kịp thời nắm bắt và giải quyết những vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp.

4. Việt Nam sẽ tăng số lượng học bổng đào tạo dạy nghề cho hai nước Cam - pu - chia và Lào và huấn luyện tham gia các cuộc thi tay nghề ASEAN, nâng mức học bổng để tăng chất lượng cuộc sống của sinh viên hai nước Campuchia và Lào.

5. Kêu gọi Lào, Campuchia tham gia Công ước về Luật sử dụng dòng nước quốc tế cho mục đích phi giao thông thủy, đồng thời cùng Việt Nam nghiên cứu tham gia Công ước về bảo vệ và sử dụng các dòng nước xuyên biên giới và hồ quốc tế.

6. phối hợp xây dựng Chương trình của Chính phủ 3 nước cùng vận động ODA của các quốc gia và đối tác phát triển; xây dựng Chương trình chung xúc tiến đầu tư và du lịch của ba nước;

7. Tập đoàn Viễn thông Viettel sẵn sàng đầu tư hiện đại hóa, nâng cấp mạng viễn thông ba nước bằng công nghệ 4G, hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử và cam kết áp dụng từ ngày 01/01/2017 mức cước gọi giữa các thuê bao của Viettel tại ba nước rẻ tương đương với mức cước trong nước.

Thủ tướng Campuchia Hun-xen đã thể hiện sự nhất trí với các đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nhấn mạnh cần phát triển mạng 4G và đề nghị Viettel hợp tác với Unitel Lào và Metphone Campuchia để triển khai xây dựng các điểm cầu truyền hình họp trực tuyến qua mạng giữa ba Thủ tướng và giữa các cơ quan ba nước để tổ chức các hội nghị trực tuyến, tạo thuận lợi trong việc trao đổi công việc, tiết kiệm thời gian đi lại và ngân sách.

Thủ tướng Lào Thông - lun Xi - xô - lít cũng nhất trí với các đề xuất này.

Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng ba nước đã ký Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 9, thông qua danh sách 15 dự án ưu tiên của khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam để phối hợp vận động đầu tư từ các đối tác phát triển, và chứng kiến Lễ ký “Hiệp định xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam”.

Các nhà Lãnh đạo nhất trí tổ chức Hội nghị Cấp cao Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 tại Việt Nam vào năm 2018.

Ngay sau khi kết thúc Hội nghị, Thủ tướng ba nước đã chủ trì họp báo chung.

Các nhà lãnh đạo đã dành khoảng 1 giờ đồng hồ để thông báo kết quả Hội nghị và trực tiếp trả lời các câu hỏi của báo chí.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đề xuất ba nước tiến tới các cuộc gọi từ Phnom Penh, Vientiane, Hà Nội và các tỉnh khác của 3 nước đều có mức giá cước như nhau và ở mức thấp để các nhà đầu tư, người dân được hưởng lợi.

Điều này có thể hoàn toàn khả thi khi hiện nay Viettel đã thiết lập mạng di động ở cả 3 nước (trong đó có mạng Metfone ở Campuchia, Unitel tại Lào) và các mạng khác sẽ tham gia sau.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp gỡ song phương với Thủ tướng Campuchia Hun - xen và Thủ tướng Lào Thông - lun Xi - xô - lít; gặp gỡ đại diện cộng đồng người Campuchia gốc Việt ở Xiêm Riệp.

Bên lề Hội nghị, ba Thủ tướng cùng dự Gala diner vào tối ngày 23/11và cuộc ăn sáng làm việc trong sáng ngày 24/11 do Thủ tướng Hun Sen chủ trì. 

Trao đổi với bà con đại diện cộng đồng người Campuchia gốc Việt ở Xiêm Riệp, Thủ tướng cho biết đã đề nghị Chính phủ Campuchia tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và sớm giải quyết giấy tờ cho bà con để bà con được ổn định về địa vị pháp lý và kinh tế.

Trong các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước thời gian tới, đây vẫn sẽ là vấn đề được ưu tiên đặt ra.   

Chia sẻ với khó khăn của những người Campuchia gốc Việt đang sinh sống ở Xiêm Riệp, Thủ tướng đề nghị Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang luôn sát cánh bên cạnh bà con, hỗ trợ bà con trong mọi mặt của đời sống, nhất là nâng cao địa vị pháp lý.

Đẩy mạnh công tác chăm lo giáo dục, dậy tiếng Việt cho con em, qua đó giúp tăng cường hình ảnh, vị thế và uy tín cho cộng đồng ở sở tại. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tặng bà con nghèo ở Xiêm Riệp 5 tấn gạo.

Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị lần này, một lần nữa khẳng định cam kết và vai trò, đóng góp tích cực, chủ động của Việt Nam đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa ba quốc gia trên các lĩnh vực, góp phần vào hoà bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực Tiểu vùng Mekong cũng như đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

QUỐC TOẢN