Ấn Độ chậm trễ chế tàu sân bay, lo ngại TQ xâm nhập vùng ảnh hưởng

05/12/2012 07:00
Việt Dũng (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)
(GDVN) - Cùng chạy đua gây ảnh hưởng trong khu vực, Ấn Độ và Trung Quốc đang cạnh tranh quyết liệt về tăng cường sức mạnh trên biển, trong đó có tàu sân bay.
Tàu sân bay nội địa đầu tiên đang được Ấn Độ chế tạo
Tàu sân bay nội địa đầu tiên đang được Ấn Độ chế tạo

Tờ tuần san “Tin tức Quốc phòng” Mỹ vừa có bài viết cho rằng, chi phí cho tàu sân bay nội địa của Ấn Độ tăng vọt, công trình bị kéo dài, mục tiêu biên chế 3 tàu sân bay vào  năm 2017 sẽ không thể thực hiện, Bộ trưởng Quốc phòng Antony đã cảnh báo sẽ xử phạt những người có trách nhiệm.

Trong khi đó, chuyên gia Ấn Độ đánh giá cho rằng, Trung Quốc biên chế tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh - “động thái này rõ ràng cho thấy Bắc Kinh đang quyết tâm mở rộng vai trò ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương và các vùng biển xung quanh”.

Do lo ngại về sự chậm trễ thời gian và kinh phí tăng vọt đối với 2 tàu sân bay nội địa của họ, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã thành lập một đội giám sát cao cấp để thúc đẩy chương trình tiến triển đúng thời hạn. Chi phí chế tạo chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên (IAC-1) của Ấn Độ đã từ 600 triệu USD đã tăng lên gần 1 tỷ USD, vấn đề này đã gây ra sự quan ngại của Bộ trưởng Quốc phòng A.K. Antony.

Ngày 20/11, trong một buổi nói về 2 tàu sân bay nội địa IAC-1 và IAC-2, Antony cảnh báo, các quan chức có liên quan sẽ bị xử phạt giáng cấp do sự chậm trễ trong công tác chế tạo.

Tàu sân bay INS Vikramaditya liên tục bị Nga kéo dài thời hạn bàn giao
Tàu sân bay INS Vikramaditya liên tục bị Nga kéo dài thời hạn bàn giao

Một quan chức Hải quân Ấn Độ cho biết, mục tiêu biên chế 3 tàu sân bay vào năm 2017 sẽ không thể thực hiện, sẽ bị lùi tới năm 2020.

Tàu sân bay  hiện có duy nhất của Hải quân Ấn Độ là tàu Viraat, sẽ nghỉ hưu vào năm 2018; chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên bị chậm trễ 3 năm, đến năm 2016 hoặc 2017 rất có thể sẽ không thể đưa vào hoạt động; còn chiếc tàu sân bay nội địa thứ hai còn đang nằm trong giai đoạn thiết kế.

Trong khi đó, tàu sân bay cũ Gorshkov (Ấn Độ gọi là Vikramaditya) của Ấn Độ đang được Nga cải tạo cũng liên tục bị đẩy lùi thời gian bàn giao.

Theo kế hoạch, chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ có lượng giãn nước là 40.000 tấn, trang bị 30 máy bay, trong đó có máy bay chiến đấu MiG-29K do Nga chế tạo và máy bay chiến đấu Tejas tự sản xuất.

Khó khăn về hộp số chính là một trong những nguyên nhân khiến cho chiếc tàu sân bay này bị chậm trễ, mỗi hộp số nặng tới 90 tấn, trong khi đó, sự cố về động cơ diesel và các vấn đề bố cục khác cũng là những nguyên nhân gây chậm trễ.

So sánh tàu sân bay INS Vikramaditya (mua của Nga) và tàu sân bay nội địa INS Vikrant của Ấn Độ
So sánh tàu sân bay INS Vikramaditya (mua của Nga) và tàu sân bay nội địa INS Vikrant của Ấn Độ

Quan chức Hải quân Ấn Độ cho biết, chiếc tàu sân bay nội địa thứ hai của Ấn Độ sẽ có lượng giãn nước đạt 65.000 tấn, sẽ trang bị máy bay hải quân hạng nặng, chẳng hạn máy bay chiến đấu Su-33 và máy bay cảnh báo sớm.

Ngay từ năm 1989, Hải quân Ấn Độ quyết định bắt đầu chế tạo một chiếc tàu sân bay nội địa để thay thế cho tàu sân bay Viraat (mua của Anh) ngày càng cũ kỹ.

Hải quân Ấn Độ còn có kế hoạch chế tạo 2 “tàu phòng không” 28.000 tấn, sau này được gọi là IAC-1 và IAC-2. Theo kế hoạch khi đó, tàu sân bay nội địa đầu tiên dự định đưa vào hoạt động năm 1997, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1991 đã làm chậm chương tình  này.

Nitin Mehta, chuyên gia phân tích quốc phòng New Delhi cho rằng, tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh của Trung Quốc đưa vào hoạt động từ tháng 9/2012, hành động này rõ ràng cho thấy Bắc Kinh đang quyết tâm mở rộng vai trò ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương, trong khi đó sự thất bại của Ấn Độ trong kế hoạch tăng thêm tàu ngầm mới và cụm tàu sân bay mới nhằm tăng cường sức mạnh trên biển, sẽ tác động ảnh hưởng tới lợi ích an ninh và hàng hải lâu dài ở khu vực này.

Ấn Độ sẽ trang bị máy bay chiến đấu hạng nhẹ LCA Tejas tự sản xuất cho tàu sân bay nội địa tương lai.
Ấn Độ sẽ trang bị máy bay chiến đấu hạng nhẹ LCA Tejas tự sản xuất cho tàu sân bay nội địa tương lai.
Việt Dũng (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)