Ấn Độ công bố xe tăng hàng đầu-đắt nhất thế giới Arjun MKII

09/08/2012 07:08
Việt Dũng (nguồn Tân Hoa xã)
(GDVN) - Mặc dù gặp rất nhiều trở ngại trong nghiên cứu chế tạo xe tăng Arjun, nhưng Ấn Độ không hề từ bỏ kế hoạch phát triển xe tăng chiến đấu nội địa.
Xe tăng chiến đấu Arjun MKII của Ấn Độ.
Xe tăng chiến đấu Arjun MKII của Ấn Độ.

Tờ “Jane’s Defense Weekly” ngày 8/8 cho biết, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ đã tiết lộ những hình ảnh về xe tăng chiến đấu Arjun MKII kiểu mới nhất của Ấn Độ.

Nó có 19 cải tiến quan trọng so với phiên bản xe tăng Arjun trước đây, các chỉ tiêu vạch ra cũng đạt trình độ hàng đầu thế giới. Nhưng, đối ứng với điều này là, đơn giá của xe tăng này cũng đã xác lập giá trên trời là 370 triệu rupee (khoảng 6,6 triệu USD), có thể nói là xe tăng đắt nhất thế giới.

Bài báo cho rằng, xe tăng chiến đấu Arjun MKII đã tiến hành một loạt kiểm tra ở sa mạc bang Rajasthan bắt đầu từ ngày 22/6, chủ yếu là tiến hành đánh giá đối với 19 cải tiến quan trọng của xe tăng này.

Sau khi phân tích những hình ảnh được Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ công bố, tờ “Jane’s Defense Weekly” cho rằng, sự thay đổi lớn nhất ngoại hình của xe tăng này là sao chép xe tăng chiến đấu Leopard 2A5 của Đức, phía trước tháp pháo lắp thêm bọc thép hình chiếc đinh.

Trước đó, tháp pháo của xe tăng Arjun từng bị chê có khả năng phòng thủ quá yếu, trong khi đó bọc thép kiểu mới này có góc nghiêng tương đối lớn, có thể làm cho đạn văng ra hoặc nổ trước, làm yếu đi hiệu quả sát thương.

Để nâng cao tính năng phòng hộ tổng thể, xe tăng Arjun MKII còn lắp bọc thép phản ứng nổ quanh thân xe, đủ để ứng phó với sự tấn công của đạn xuyên thép (APFSDS), tên lửa chống tăng và đạn hỏa tiễn.

Xe tăng chiến đấu Arjun MKII
Xe tăng chiến đấu Arjun MKII

Về phương diện hỏa lực, xe tăng Arjun MKII hoàn toàn không sử dụng pháo nòng trơn phổ biến hiện nay, mà giữ pháo nòng xoắn 120 mm như trước đây.

Tờ “Jane’s Defense Weekly” phỏng đoán, nó có thể phóng tên lửa chống tăng do Israel nghiên cứu chế tạo, có thể tấn công mục tiêu trên 8.000 m, vượt xa khoảng cách tác chiến thông thường của xe tăng hiện có.

Người phát ngôn Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ Ravi Gupta tiết lộ, chương trình nâng cấp lần này còn bao gồm hệ thống nhìn đêm ảnh nhiệt và hệ thống gây nhiễu cảnh báo laser tích hợp trên pháo, có thể bảo đảm cho xe tăng Arjun MKII có tính năng đạt trình độ tiên tiến thế giới.

Nhưng, cùng với việc nâng cấp tính năng, chi phí chế tạo xe tăng Arjun MKII cũng tăng theo.


Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ từng tuyên bố, nguyên nhân chính khiến cho chi phí chế tạo xe tăng Arjun đắt đỏ là gần một nửa bộ kiện, đặc biệt là các bộ kiện chính như động cơ phải nhập công nghệ của nước ngoài, nhưng trong tương lai 90% bộ kiện của xe tăng Arjun MKII đều có thể nội địa hóa, sẽ giảm chi phí chế tạo.

Song, đến nay, chi phí chế tạo xe tăng này đã đạt 370 triệu rupee, vượt xa 170 triệu rupee của xe tăng Arjun, bị tờ “Jane’s Defense Weekly” gọi là xe tăng đắt nhất thế giới.

Cũng có phân tích cho rằng, mặc dù kế hoạch phát triển trang bị trong nước của Ấn Độ thường bị cản trở và phê phán, nhưng sự kiên trì của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ đã bảo đảm cho khả năng quốc phòng tự chủ của Ấn Độ không ngừng được tăng cường.

Ngày 7/8, Hải quân Ấn Độ tuyên bố, tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa chiến lược nội địa đầu tiên cùng ngày bắt đầu chạy thử trên biển.

Chiếc tàu ngầm hạt nhân Arihanta này có lượng giãn nước là 6.000 tấn, tốc độ dưới nước tối đa đạt 24 hải lý/giờ, có thể mang theo tên lửa hạt nhân và ngư lôi.

Thêm một số hình ảnh về xe tăng chiến đấu Arjun do Ấn Độ tự sản xuất:

Việt Dũng (nguồn Tân Hoa xã)