Ấn Độ-Mỹ ký các dự án quốc phòng lớn đối phó mối đe dọa từ Trung Quốc

04/06/2015 08:53
Nguyễn Hường
(GDVN) - Mỹ coi Ấn Độ là một đối trọng khu vực kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc nên sẵn sàng chia sẻ những công nghệ quốc phòng tiên tiến hàng đầu của mình.

Reuters ngày 3/6 đưa tin, Ấn Độ và Mỹ đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác quốc phòng quy mô lớn trong khuôn khổ chuyến thăm New Delhi của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter để củng cố nỗ lực chung nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc.  

Mỹ là một trong những nhà cung cấp vũ khí lớn cho quân đội Ấn Độ sau Nga trong những năm gần đây. Hợp tác quân sự Mỹ - Ấn là một phần của chương trình cải cách quân sự của Thủ tướng Narendra Modi.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter bắt tay người đồng nhiệm Ấn Độ Manohar Parikkar.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter bắt tay người đồng nhiệm Ấn Độ Manohar Parikkar.

​Mặc dù các dự án được ký kết trong chuyến thăm Ấn Độ lần này của Bộ trưởng Carter vẫn còn khiêm tốn về quy mô, tuy nhiên, hai nước đang tiến tới các chương trình hợp tác lớn hơn nữa về công nghệ quốc phòng, Bộ trưởng Carter cho biết trong cuộc họp báo.

"Chúng tôi có tham vọng rất lớn, động cơ phản lực, công nghệ tàu sân bay là các dự án lớn mà chúng tôi đang nỗ lực triển khai," ông nói. Carter đã ký kết hiệp định hợp tác quốc phòng 10 năm mới với người đồng nhiệm Ấn Độ Manohar Parikkar, trong đó bao gồm cả hợp tác về an ninh hàng hải. 
Hai nước cũng ký kết các thỏa thuận về hợp tác tập trận hải quân thường niên ở Ấn Độ Dương, nơi Trung Quốc đã có những đột phá trong những năm gần đây và được xem là dấu hiệu về việc mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Ấn Độ đã ngày càng quan ngại trước sự bành trướng của Trung Quốc, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương. Bắc Kinh trong những năm gần đây cũng liên tục tăng cường ảnh hưởng tại các nước Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka và Myanmar vốn được xem là những sân sau chiến lược của Ấn Độ. Những quốc gia này đã cho phép tàu chiến và tàu ngầm Trung Quốc cập cảng của họ. 
Trung Quốc gần đây đã làm tăng mối nghi ngờ của Ấn Độ sau khi điều động tàu ngầm cập cảng Colombo, Sri Lanka. New Delhi lo ngại rằng Bắc Kinh đang cố gắng xây dựng một "chuỗi ngọc trai" qua Ấn Độ Dương để giành ưu thế về hải quân và thương mại trong khu vực. Trung Quốc và Ấn Độ cũng có tranh chấp lãnh thổ âm ỉ dọc theo biên giới đất liền rộng lớn của mình.
Sự cảnh giác ngày càng tăng của New Delhi với các ý đồ của Trung Quốc đã thúc đẩy sự mở rộng hợp tác hơn nữa trong quan hệ đối tác quốc phòng giữa nước này với Mỹ. Trong một nỗ lực để tăng cường ảnh hưởng tại Châu Á-Thái Bình Dương và chống lại xu thế bành trướng của Trung Quốc, Mỹ có thể coi Ấn Độ là một đối trọng khu vực kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.  Điều đó có thể giải thích tại sao Mỹ sẵn sàng chia sẻ các công nghệ quốc phòng tiên tiến quan trọng hàng đầu của mình cho Ấn Độ. 
Nguyễn Hường