Ấn Độ sẽ “chiếu tướng” nước cờ Trung Quốc ở Biển Đông

19/12/2012 18:00
Hồng Thủy (Nguồn: India Today)
(GDVN) - Ấn Độ đang tìm kiếm và sử dụng ảnh hưởng ngày càng tăng của khối ASEAN để “chiếu tướng” nước cờ mà Bắc Kinh đang đi trên Biển Đông.
Tờ India Today ngày 19/12 đưa tin, ngày mai 20/12 Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh sẽ hội kiến với các nhà lãnh đạo của 10 nước Đông Nam Á tại hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN được tổ chức tại New Delhi, Bắc Kinh đang “dóng tai” sử dụng mạng lưới tình báo tìm mọi cách tìm hiểu kết quả của cuộc gặp này.

Ấn Độ đang tìm kiếm và sử dụng ảnh hưởng ngày càng tăng của khối ASEAN để “chiếu tướng” nước cờ mà Bắc Kinh đang đi trên Biển Đông.

Theo nguồn tin riêng của tờ Mail Daily, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ công bố một tài liệu đề cập tới tầm nhìn tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ kéo dài 1 ngày tại New Delhi, trong đó đề cập cụ thể về tự do hàng hải và tăng cường hợp tác hàng hải trên Biển Đông giữa Ấn Độ với các quốc gia thành viên ASEAN.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh

Điều này có nghĩa là lực lượng hải quân của các nước thành viên ASEAN và hải quân Ấn Độ sẽ hợp tác cùng nhau trong các nỗ lực chống lại nạn cướp biển, tuần tra hàng hải và cứu hộ cứu nạn. 

Tuy nhiên, trong văn bản tầm nhìn chung Ấn Độ - ASEAN sẽ không đặc biệt đề cập đến vấn đề Biển Đông, bởi nếu một khi đã chính thức công khai hóa vùng biển đang có tranh chấp với Trung Quốc chắc chắn sẽ khó có khả năng tránh khỏi sự chú ý đặc biệt từ Trung Quốc, dù có diễn đạt bằng ngôn từ ngoại giao nào.

Bắc Kinh đã tỏ ra khó chịu hơn khi đề cập tới chiến thắng của ông Shinzo Abe trong cuộc bầu cử vừa qua tại Nhật Bản bởi tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ là người cứng rắn hơn trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, đặc biệt ông Abe lại là một nhà lãnh đạo ủng hộ Nhật Bản và mong muốn tăng cường quan hệ chiến lược Tokyo – New Delhi.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ sẽ thể hiện rõ biểu đồ chính sách hướng về phương Đông của Ấn Độ. Tuyên bố tầm nhìn chung Ấn Độ - ASEAN sẽ nhấn mạnh tham vọng phát triển của Ấn Độ đóng một vai trò “dẫn đầu khu vực” mà Bắc Kinh vốn nghĩ và coi nó là khu vực ảnh hưởng riêng của họ.

Một khía cạnh lớn khác của hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN sẽ là một mục tiêu tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều từ mức 78 tỉ USD hiện nay lên 200 tỉ USD năm 2020.

Với 10 quốc gia ASEAN phái lãnh đạo hàng đầu của họ tham dự hội nghị thượng đỉnh này, New Delhi đang mong đợi một sự thay đổi mô hình cho việc tham gia ngày càng sâu hơn của Ấn Độ vào khu vực. Tài liệu về tầm nhìn chung ASEAN - Ấn Độ được phát hành sau đó cũng sẽ đưa ra một đề nghị thành lập cơ quan đại diện ngoại giao của ASEAN tại các cơ quan, diễn đàn quốc tế đa phương trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc.

Đô đốc Joshi – Tư lệnh Hải quân Ấn Độ
Đô đốc Joshi – Tư lệnh Hải quân Ấn Độ 

Trước đó, trong một phát biểu về vấn đề Biển Đông, Đô đốc Joshi – Tư lệnh Hải quân Ấn Độ có thể đã làm “mất lòng” Bắc Kinh nhưng tuyên bố này đã củng cố vị thế của Ấn Độ trong cộng đồng ASEAN.

Phó tổng thống Philippines, Jejomar Cabauâtn Binay trả lời phỏng vấn độc quyền tờ The Times of India đã bày tỏ, Philippines hoan nghênh những phát biểu của Tư lệnh Hải quân Ấn Độ. Hồi tuần trước, Đô đốc Joshi đã nói với báo giới rằng, nếu có lệnh của chính phủ, hải quân Ấn Độ sẽ đưa quân tới Biển Đông để bảo vệ lợi ích của Ấn Độ tại khu vực này.

Phát biểu của Tư lệnh Hải quân Ấn Độ được đưa ra vào đúng thời điểm Cố vấn an ninh quốc gia Shivshankar Menon đang có mặt ở Bắc Kinh để đàm phán với Đới Bỉnh Quốc về vấn đề tranh chấp biên giới Trung - Ấn.
Hồng Thủy (Nguồn: India Today)