Ấn Độ tiếp nhận 42 máy bay Su-30MKI lắp tên lửa hành trình siêu âm BrahMos

26/04/2015 07:36
Đông Bình
(GDVN) - Loại máy bay cải tiến này sẽ trở thành lực lượng nòng cốt của Không quân Ấn Độ sau năm 2020, có thể thâm nhập tấn công nội địa Trung Quốc và Pakistan.
Cụm máy bay chiến đấu Su-30MKI của Ấn Độ
Cụm máy bay chiến đấu Su-30MKI của Ấn Độ

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 25 tháng 4 dẫn trang mạng nguyệt san "Lợi ích quốc gia" Mỹ ngày 22 tháng 4 đăng bài viết "Vũ khí mạnh mới của Ấn Độ - tên lửa siêu âm lắp đầu đạn hạt nhân" của chủ biên tạp chí này.

Theo bài viết, Bộ Tư lệnh Lực lượng chiến lược Ấn Độ đã bắt đầu tiếp nhận 42 máy bay chiến đấu kiểm soát trên không Su-30MKI cải tiến, có thể lắp tên lửa hành trình siêu âm BrahMos bắn từ trên không. Điều này sẽ tăng cường rất lớn năng lực tấn công đường không cho lực lượng hạt nhân chiến lược "tam hợp một" của Ấn Độ.

Bài báo dẫn một tài liệu tên là "Báo cáo Nga-Ấn" chỉ ra: "Nói một cách riêng rẽ, máy bay chiến đấu Su-30 và tên lửa BrahMos đều là vũ khí mạnh. Nhưng, sau khi máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư lớn mạnh nhất trên thế giới lắp một loại tên lửa hành trình có khả năng phá hoại không bình thường, sẽ gây hiệu ứng tăng gấp bội sức mạnh".

Máy bay chiến đấu Su-30MKI do Cục thiết kế Sukhoi Nga nghiên cứu chế tạo là một loại máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ tư, có 2 chỗ ngồi và có tính cơ động cao, trao quyền cho Công ty TNHH hàng không Hindustan (HAL) Ấn Độ sản xuất. Loại máy bay này sẽ trở thành lực lượng nòng cốt của Không quân Ấn Độ sau năm 2020. New Delhi đã nhận được khoảng 200 máy bay chiến đấu Su-30MKI và có kế hoạch cuối cùng sở hữu 282 chiếc.

Tên lửa BrahMos do Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) và Công ty liên hợp chế tạo-khoa học-sản xuất Nga hợp tác nghiên cứu chế tạo. Tốc độ của tên lửa BrahMos đạt 3,0 Mach, là tên lửa hành trình nhanh nhất trên thế giới.

Tên lửa hành trình siêu âm BrahMos Ấn Độ
Tên lửa hành trình siêu âm BrahMos Ấn Độ

"Báo cáo Nga-Ấn" chỉ ra, máy bay chiến đấu Su-30 sẽ giúp cho sức chiến đấu đã tương đối sát thương của tên lửa BrahMos tiếp tục được tăng cường. "Tốc độ cao của bản thân máy bay chiến đấu Su-30 sẽ giúp cho tên lửa có thêm xung lực khi bắn. Ngoài ra, loại máy bay chiến đấu có thể chọc thủng hệ thống phòng không nghiêm ngặt này có nghĩa là, cơ hội bắn tên lửa tới mục tiêu chỉ định của phi công sẽ lớn hơn".

Kết hợp sử dụng máy bay chiến đấu Su-30 và tên lửa BrahMos sẽ còn tăng mạnh năng lực tấn công đường không trong lực lượng hạt nhân chiến lược "tam hợp một" của Ấn Độ. Hành trình của bản thân máy bay chiến đấu Su-30 có thể đạt 1.800 km, trong khi đó, tên lửa BrahMos có thể bắn trúng mục tiêu ngoài 300 km. Vì vậy, máy bay chiến đấu Su-30 cải tiến có thể giúp cho máy bay chiến đấu Ấn Độ thâm nhập tấn công nội địa Trung Quốc và Pakistan.

Sớm nhất vào năm 2010, Ấn Độ đưa ra kế hoạch cải tiến máy bay chiến đấu Su-30, nhằm giúp cho nó có thể lắp tên lửa BrahMos. Khi đó, Bộ Tư lệnh Lực lượng chiến lược đề xuất trao quyền cho họ chỉ huy 2 phi đội máy bay chiến đấu Su-30. Sau đó, vào năm 2012, nội các Ấn Độ đã phê chuẩn kế hoạch cải tiến 42 máy bay chiến đấu Su-30 để chúng có thể lắp 216 quả tên lửa BrahMos.

Tờ "The Times of India" Ấn Độ cho biết, kế hoạch tích hợp này chủ yếu là do Công ty hàng không vũ trụ BrahMos thực hiện, Công ty TNHH hàng không Hindustan (HAL) cũng đã tiến hành một số cải tiến quan trọng.

Lô máy bay mới đầu tiên bàn giao cho Bộ Tư lệnh Lực lượng chiến lược vào tháng 2, được biết vào tháng trước đã tiến hành thử nghiệm. Công tác cải tiến lô máy bay chiến đấu Su-30 thứ hai đã bắt đầu. Không rõ Bộ Tư lệnh Lực lượng chiến lược dự định vào lúc nào tiếp nhận những máy bay còn lại.

Tên lửa đạn đạo tầm xa Agni-5 Ấn Độ
Tên lửa đạn đạo tầm xa Agni-5 Ấn Độ

Máy bay chiến đấu Su-30 lắp tên lửa BrahMos chỉ là một trong những phương thức tăng cường răn đe chiến lược của Ấn Độ. Ấn Độ còn luôn bận rộn thử nghiệm tên lửa xuyên lục địa Agni-5. Loại tên lửa đạn đạo tầm xa sử dụng nhiên liệu thể rắn này có tầm bắn khoảng 5.000 km. Sau khi tên lửa xuyên lục địa Agni-5 đưa vào hoạt động, Ấn Độ sẽ lần đầu tiên có năng lực sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công bất cứ khu vực nào của Trung Quốc.

Đông Bình