Ấn Độ và cuộc chạy đua tới Hành tinh Đỏ

03/04/2012 13:13
Xuân Trường (Theo Indrus)
(GDVN) - Ấn Độ đang hướng tới mục tiêu gửi một tàu thăm dò lên Hành tinh Đỏ vào năm 2013.

Đây là hành động mở đầu cho cuộc đua tới sao Hỏa cùng với NASA và Trung Quốc. NASA cũng đã có kế hoạch phóng vệ tinh trong năm 2013 còn Trung Quốc hơi tụt lại phía sau vì chưa có dự án nào đáng kể.

Đầu tháng này, châu Âu đã hợp tác với Nga trong “Sứ mệnh sao Hỏa” sẽ được thực hiện vào năm 2016. Nga và Ấn Độ cũng đã có một kế hoạch cho nhiệm vụ thám hiểm mặt trăng dự kiến vào năm 2014.

Mặt Trăng hay Sao Hỏa?

Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho biết đã có kế hoạch để tiếp cận sao Hỏa với một thiết bị hạ cánh tự động được phóng lên vào năm 2013.

Thông tin này không hoàn toàn gây bất ngờ khi mà thông báo đầu tiên đã được đưa ra từ trong năm 2009, nhưng thời gian thực hiện có vẻ như quá nhanh.

Theo một số báo cáo, dự án này đã được lên kế hoạch cho tới năm 2016 hoặc thậm chí là tới năm 2018.

Nhưng sau đó đã được thực hiện sớm hơn nhờ vào việc chính phủ Ấn Độ bổ sung thêm ngân sách , tăng vọt từ 1,99 triệu USD đến 24,9 triệu USD.

Cảnh phóng vệ tinh PSLV
Cảnh phóng vệ tinh PSLV

Báo cáo cũng cho biết mục đích khoa học chính của dự án là nghiên cứu bầu khí quyển sao Hỏa. Theo kế hoạch, tàu thăm dò sẽ bay quanh một quỹ đạo elip xung quanh sao hỏa, cách bề mặt từ 500 km tới 80.000 km.

Tàu vũ trụ sẽ được phóng từ hệ thống phóng vệ tinh PSLV của Ấn Độ. Hệ thống này thường xuyên được sử dụng để đưa các tàu vũ trụ không người lái lên quỹ đạo.

Đây cũng là bệ phóng để phóng tàu vũ trụ không người lái Luna-RESURS vào năm 2014-dự án nghiên cứu chung của Nga và Ấn Độ.

Mặt khác đối với Ấn Độ, đây sẽ là sứ mạng thứ hai sau khi phóng thành công tàu Chandrayaan-1 trong tháng 10 năm 2008 và kết thúc vào tháng 8 năm 2009 sau khi mất liên lạc vô tuyến với vệ tinh.

Theo một số báo cáo chỉ ra, dự án được thực hiện sớm hơn vì các dự án phóng tàu thăm dò mặt trăng thứ 2 bị hoãn lại để ưu tiên cho các tàu vũ trụ sao Hỏa.

Những thách thức

Mỗi chuyến thám hiểm sao Hỏa đều là một rủi ro lớn liên quan đến nhiều năm phát triển tiếp theo cuộc hành trình dài trong không gian sâu thẳm. Ấn Độ có kinh nghiệm khá hạn chế trong lĩnh vực du hành vũ trụ.Vậy tại sao Ấn Độ lại có thể phát triển một tàu vũ trụ vào năm 2013?

Một số chuyên gia hoài nghi về tính khả thi của kế hoạch, trong khi những chuyên gia khác nhấn mạnh những thành công lớn của Ấn Độ trong những năm qua. Hơn nữa, hiện nay Nhật Bản và Trung Quốc không có kế hoạch thám hiểm sao Hỏa nên dường như Ấn Độ có cơ hội tốt để đạt được thành công.

Theo kế hoạch vệ tinh chỉ bay quanh quỹ đạo chứ không hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa. Tuy nhiên đó cũng là một thách thức lớn khi chỉ còn một năm để thực hiện kế hoạch.

Trong khi đó nhiệm vụ của Phòng thí nghiệm Khoa học sao Hỏa của NASA, Mỹ  bây giờ chỉ còn một nửa chặng đường đến hành tinh Đỏ và dự kiến sẽ tới bề mặt của sao Hỏa vào tháng 8. Trong năm 2013, NASA có thể thực hiện một chuyến bay tiếp theo lên bề mặt sao Hỏa.

Chandrayaan-1
Chandrayaan-1

Bên cạnh đó Nga cũng sẽ xem xét đối với kế hoạch của mình trên sao Hỏa. Chương trình vũ trụ của Nga hiện nay bao gồm nhiệm vụ mặt trăng với sự tham gia trong chương trình ExoMars (các tàu Luna-RESURS và  Luna-GLOB cho nhiêm vụ nghiên cứu mặt trăng).

Nga và Tổ chức Không gian Vũ trụ châu Âu (ESA) đang thảo luận về các nhiệm vụ sau khi các tàu vũ trụ được phóng lên thành công. Năm ngoái ExoMars đã bị tạm dừng sau khi Mỹ tuyên bố rút ra khỏi dự án.

ExoMars ban đầu là dự án hợp tác giữa ESA và NASA nhưng sau đó NASA đã tuyên bố dừng hợp tác và không cung cấp tên lửa đẩy Atlas như dự định ban đầu để phóng vệ tinh của ESA. Nga cho biết có thể cung cấp tên lửa Proton cho dự án và muốn tham gia vào dự án này.

Nếu Nga tham gia vào dự án sẽ mang tới cơ hội nghiên cứu các dữ liệu mới từ sao Hỏa cho các nhà khoa học Nga. Dự án sẽ được thực hiện trong năm 2016 - 2018.

Đối với châu Âu, dự án sẽ cung cấp cho ESA xây dựng chương trình Mars rover-đưa robot lên sao Hỏa.

Tuy nhiên dự án này chắc chắn sẽ chậm hơn một chút so với dự án tàu thăm dò của Ấn Độ nhưng kết quả dự kiến sẽ cao hơn.

Xuân Trường (Theo Indrus)