Australia mua máy bay tuần tra P-8A sẵn sàng can dự ở Biển Đông?

28/08/2014 09:35
Việt Dũng
(GDVN) - Một khi Australia tham gia xung đột ở Biển Đông hoặc biển Hoa Đông thì những máy bay này sẽ phát huy vai trò then chốt.

Sắm lô máy bay tuần tra Poseidon đầu tiên của Mỹ

Trang mạng "Sydney Morning Herald" Australia ngày 26 tháng 8 cho biết, Australia đã tiếp tục tiến một bước hướng đến mục tiêu thành lập cụm máy bay tuần tra trên biển P-8 Poseidon ứng dụng công nghệ tiên tiến. Chính phủ nước này tuyên bố đã ký với Mỹ thỏa thuận mua lô 4 máy bay P-8A đầu tiên.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8 Poseidon do Mỹ chế tạo
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8 Poseidon do Mỹ chế tạo

Bài báo cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston ngày 26 tuyên bố, Hải quân Mỹ đã thực hiện hợp đồng đầu tiên liên quan đến máy bay P-8A. Còn Australia giao khoản tiền đầu tiên 159 triệu USD cho Mỹ để sản xuất máy bay.

Theo bài báo, máy bay P-8A có thời gian hoạt động liên tục dài, sẽ thay thế máy bay tuần tra P-3 Orion đang từng bước lão hóa, đồng thời sẽ dùng để theo dõi vùng biển duyên hải phạm vi rộng lớn phía bắc lục địa này. Australia cuối cùng sẽ mua 8 máy bay P-8A Poseidon.

Bài báo dẫn lời Thượng nghị sĩ Johnston cho biết: "Những máy bay có công nghệ tiên tiến này sẽ nâng cao rõ rệt khả năng theo dõi vùng biển duyên hải của Australia".

Theo bài báo, máy bay P-8A Poseidon chuyên dùng cho tác chiến săn ngầm và tấn công trên biển.

Trong khi đó, một khi Australia tham gia vào bất cứ cuộc xung đột nào ở châu Á như chiến tranh trên Biển Đông hoặc biển Hoa Đông thì những máy bay này sẽ phát huy vai trò mang tính then chốt.

Tình hình căng thẳng của Biển Đông và biển Hoa Đông gần đây liên tục leo thang do tranh chấp lãnh thổ.

Bài báo cho rằng, một chiếc máy bay Trung Quốc vào tuần tra đã tiến hành bay áp sát một chiếc máy bay P-8A của Hải quân Mỹ ở vùng trời quốc tế trên Biển Đông, Washington coi đây là "hành vi khiêu khích gây quan ngại sâu sắc".

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ

Chiếc máy bay chiến đấu Trung Quốc này nhiều lần chủ ý bay áp sát máy bay trinh sát của Mỹ, có lúc khoảng cách áp sát này chưa đến 10 m.

Hành động này không chỉ đã gây tức giận cho Washington, mà còn thể hiện tình hình căng thẳng do Trung Quốc hung hăng với yêu sách lãnh thổ (bất hợp pháp) của họ với một số nước láng giềng.

Theo bài báo, chính quyền Australia của Thủ tướng Tony Abbott vào tháng 2 từng tuyên bố, Australia sẽ chi khoảng 4 tỷ USD mua 8 máy bay tuần tra P-8A Poseidon. Những máy bay này sẽ hiệp đồng, hợp tác với máy bay trinh sát không người lái Triton - loại máy bay có thể bay cự ly dài.

Chính quyền Tony Abbott còn cho biết có ý định mua máy bay trinh sát không người lái Triton.

Bài báo dẫn lời thượng nghị sĩ Johnston cho biết, những khả năng trinh sát được tăng cường này sẽ "bảo đảm an ninh tài nguyên biển rất quan trọng của chúng ta, trong đó có tài nguyên năng lượng ở duyên hải miền bắc Australia".

Tăng khả năng tác chiến điện tử cho tàu khu trục lớp Hobart

Theo mạng “Công nghệ Hải quân” ngày 26 tháng 8, Hải quân hoàng gia Australia đã lắp hệ thống tác chiến điện tử mới cho tàu khu trục lớp Hobart để nâng cao khả năng dò tìm và theo dõi.

Liên minh tàu khu trục phòng không Australia dùng một bộ ăng ten tác chiến điện tử trang bị cho cột buồm của tàu khu trục Hobart, để nó ở điểm cao nhất của toàn tàu, giúp nó có được phạm vi tìm kiếm lớn hơn.

Tàu khu trục phòng không lớp Hobart Hải quân Australia (tưởng tượng)
Tàu khu trục phòng không lớp Hobart Hải quân Australia (tưởng tượng)

Tổng giám đốc Stevie Tiffin của một công ty thành viên Liên minh tàu khu trục phòng không Australia cho biết: "Hệ thống tác chiến điện tử mới nhất là một trong những công nghệ then chốt của hải quân Australia, đây là một hệ thống bị động, có thể phân rõ địch ta trong vài giây.

Hệ thống này cũng sẽ lắp ở tàu hộ vệ lớp Anzac và tàu tấn công đổ bộ đa năng, sẽ tăng cường rõ rệt phạm vi dò tìm của tàu chiến, nâng cao ưu thế chiến thuật cho hải quân".

Hệ thống tác chiến điện tử của tàu khu trục phòng không có mục đích ứng phó với tàu chiến hoặc mục tiêu bay lướt biển của địch, như máy bay hoặc tên lửa hành trình, đã tăng cường khả năng nhận biết tình hình của hải quân, đã tiếp tục nâng cao khả năng cảnh báo sớm các mối đe dọa.

Stevie Tiffin nói thêm: "Hệ thống tác chiến điện tử đã mở rộng phạm vi nhận biết các mối đe dọa, có thể dò tìm được hệ thống thông tin và radar tiên tiến.

Cung cấp đầy đủ thời gian phản ứng cho thuyền viên, nâng cao khả năng kiểm soát chiến trường. Đồng thời hệ thống tác chiến điện tử cũng đã nâng cao khả năng phòng ngự tổng thể cho tàu chiến".

Việt Dũng