B-52 đến bán đảo Triều Tiên, thông điệp im lặng nhưng mạnh mẽ

16/01/2016 07:31
Hồng Thủy
(GDVN) - Sau nhiều áp lực của dư luận, cuối cùng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng lên tiếng tuyên bố ủng hộ các biện pháp trừng phạt.
Máy bay ném bom chiến lược B-52 Hoa Kỳ tại Hàn Quốc, ảnh: Businessinsider.
Máy bay ném bom chiến lược B-52 Hoa Kỳ tại Hàn Quốc, ảnh: Businessinsider.

Nikkei Asian Review ngày 16/1 bình luận, phản ứng của Mỹ với vụ Bắc Triều Tiên thử bom nhiệt hạch đặc biệt mạnh mẽ và nhanh chóng, nhưng không ồn ào. Việc Mỹ điều B-52 đến bán đảo Triều Tiên, bề ngoài là nhằm vào Hàn Quốc nhưng trên thực tế, nó còn mang thông điệp đối với Trung Quốc.

Chỉ 4 ngày sau khi Triều Tiên tuyên bố thử bom nhiệt hạch hôm 6/1, Mỹ đã triển khai B-52 đến Hàn Quốc. Washington cũng đang xem xét việc điều động vũ khí chiến lược đến khu vực Đông Bắc Á. Ngoài B-52, Mỹ và Hàn Quốc còn bàn bạc khả năng điều động một tàu ngầm hạt nhân, tàu sân bay USS Ronald Reagan từ Yokosuka, Nhật Bản tới bán đảo.

Một lựa chọn khác là Mỹ có thể triển khai tạm thời F-22 Raptor, chiến đấu cơ tàng hình hiện đại của không quân Mỹ đến căn cứ Kadena ở Okinawa. Hiện vẫn chưa rõ hiệu quả của những áp lực quân sự này đến đâu.

Trên thực tế, bất chấp cảnh báo của Mỹ, Triều Tiên vẫn đẩy nhanh chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Đó là lý do tại sao các nhà quan sát cho rằng Bình Nhưỡng không phải là mục tiêu duy nhất của áp lực này.

Junichi Fukuda, một nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Chính sách quốc tế Nhật Bản cho rằng, mục tiêu chính trong các động thái quân sự vừa qua của Mỹ tại Đông Bắc Á là để ngăn chặn Bắc Triều Tiên có các hành vi nguy hiểm.

Đồng thời Mỹ cũng cố gắng làm cho Trung Quốc hiểu ra rằng, nếu họ để Triều Tiên không ngừng phát triển vũ khí hạt nhân, môi trường an ninh khu vực sẽ trở nên tồi tệ hơn với Bắc Kinh vì hợp tác quân sự Mỹ - Nhật - Hàn sẽ chỉ tăng lên.

Theo Yonhap News ngày 15/1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tới Trung Quốc để đàm phán về một loạt vấn đề, bao gồm vụ Bắc Triều Tiên thử bom nhiệt hạch. Dự kiến ông Kerry sẽ tới Bắc Kinh ngày 27/1 này. 

Trong khi đó sau nhiều áp lực của dư luận, cuối cùng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng lên tiếng tuyên bố ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với vụ thử nghiệm tên lửa của Bắc Triều Tiên, nhưng "thòng" thêm yêu cầu không nên "trừng phạt quá mức".

Về phần nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Yonhap News ngày 15/1 cho biết hôm Thứ Sáu truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên đưa tin, ông Kim Jong-un đã hát cho công nhân nghe và tự mình đệm đàn ghi ta cho bài hát ấy, một nỗ lực dường như nhằm cố gắng xây dựng hình ảnh thân thiện với công chúng.

Hồng Thủy