Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

B52 “sắp chết”…mà không biết (kỳ 1)

24/12/2012 11:38
Từ những năm 60 của thế kỷ 20, chúng ta đã bắt đầu tìm hiểu về máy bay ném bom chiến lược B52. 
Công việc vô cùng khó khăn, nguy hiểm nhưng cuối cùng những chiến sĩ Tình báo Quân sự cũng thành công khi “bắt” được “thóp” “pháo đài bay”… Suốt 12 ngày đêm chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”,  những thông tin sớm của tình báo đã giúp lưới lửa phòng không chủ động hiệp đồng để “khai tử” những “pháo đài bay”, “thần sấm”, “con ma”…
Thiếu tướng Vũ Thắng. Ảnh: Nguyễn Hòa
Thiếu tướng Vũ Thắng. Ảnh: Nguyễn Hòa

Trên đây là lời đầu tiên trong câu chuyện do Thiếu tướng Vũ Thắng, nguyên Cục Phó Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng (sau đây gọi là Cục 2) khi ông kể về những chiến công xuất sắc của Cục 2 (nay là Tổng cục II, BQP) trong việc nắm tin tức về B52 mà đỉnh cao là chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.  

Dứt khoát tối nay (18-12-1972), địch sẽ đánh!

Đánh giá về thành tích trên, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến – BTTM, người đã “theo sát” Cục 2 khi đó, kể lại: Tôi nhớ, khoảng 15 giờ 30 phút ngày 18-12-1972, 4 giờ trước khi B52 đến đánh Hà Nội, đại tá Phan Mạc Lâm (khi đó có nhiệm vụ hỏi cung phi công Mỹ) đến thông báo: Mật lệnh JCS (Bộ tham mưu Liên quân Mỹ) gửi BTL Thái Bình Dương. Cuộc tập kích đã bắt đầu. Có nhiều tốp máy bay B52 cất cánh từ sân bay An-đéc-sơn (đảo Gu-am) đến ném bom miền Bắc. Sau khi tình báo có tin, trực ban phòng không của Quân chủng Phòng không – Không quân (PKKQ) cũng thông báo: Đại đội ra-đa 16 và 45 của Trung đoàn 291 ở Đô Lương, Nghệ An đã phát hiện nhiều tốp B52 đang bay trên vùng trời dọc sông Mê Công ra phía Bắc. Chúng tôi đi đến nhận định: Dứt khoát tối nay (18-12-1972), địch sẽ đánh.

Để khẳng định được một từ “dứt khoát” ấy, biết bao cán bộ tình báo quân sự đã phải ngày đêm bám sát đối phương, theo dõi chúng từ những động thái nhỏ nhất, trong suốt một thời gian dài. Thiếu tướng Vũ Thắng nhớ lại, khi ấy ông phụ trách công tác xây dựng lực lượng tình báo, được cấp trên phân công nắm tin tức về B52. “Để hiểu rõ hơn câu chuyện vì sao ta biết trước tính năng kỹ chiến thuật, cách thức tổ chức đội hình, giờ bay, hướng bay, mục tiêu đánh phá…là cả một câu chuyện, trải dài trong nhiều năm”.

Kể về cái “duyên” với tình báo, Thiếu tướng Vũ Thắng cho biết, đồng chí Nguyễn Chí Thanh biết tôi hoạt động vùng địch hậu, có kinh nghiệm đối phó với địch, như chống càn, nắm địch, đánh địch cho nên nói tôi làm công tác tình báo là phù hợp.

Với con bài chiến lược B-52, nhà cầm quyền Mỹ mưu toan đưa Hà Nội "trở về thời kỳ đồ đá". Ảnh tư liệu
Với con bài chiến lược B-52, nhà cầm quyền Mỹ mưu toan đưa Hà Nội "trở về thời kỳ đồ đá". Ảnh tư liệu

Năm 1951, khi về Bộ Tổng tham mưu, ông được giao nhiệm vụ cùng một số đồng chí khác xây dựng lực lượng, nắm địch của Phòng điệp báo thuộc Cục 2. Cuối năm 1953, đầu năm 1954 ông vào Nam phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường miền Nam. Năm 1966 ông được điều động ra Bắc và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tổ chức lực lượng tình báo. Lúc đó, chiến trường vô cùng ác liệt, chiến tranh đã mở rộng hơn, các hoạt động tình báo vì thế cũng căng thẳng hơn.

Làm thế nào để nắm chắc các chiến lược của Mỹ? Ngoài những cơ sở mật đang hoạt động trong bộ máy của chính quyền Mỹ - ngụy khi đó, Tình báo Quân sự của ta phải nắm chắc mọi âm mưu, ý đồ của Mỹ ở nước ngoài, nhất là các nước trong khối SEATO (khối quân sự Đông Nam Á do Mỹ tổ chức gồm 5 nước: Thái Lan, Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po). Và câu chuyện về B52 cũng liên quan trực tiếp tới một số nước như Thái Lan, Phi-líp-pin.

Tại thời điểm đó, Thái Lan và Phi-líp-pin được Mỹ chi tiền để gấp rút xây dựng nâng cấp, tôn tạo thêm một số căn cứ quân sự, trong đó có các sân bay tiêm kích, cường kích, các quân cảng hiện đại. Đưa vào hoạt động các sân bay mà B52 có thể cất hạ cánh ở Thái Lan, Phi-líp-pin, đảo Gu-am là dấu hiện cho thấy rõ, Mỹ đã chắc chắn mở rộng cuộc chiến ở Việt Nam.  

Nắm địch bằng mọi con đường

Câu hỏi của cấp trên đặt ra cho Tình báo Quân sự thời điểm đó là vô cùng khó khăn: Mỹ sẽ tổ chức lực lượng nào, sử dụng trang bị kỹ thuật, phương tiện và  vũ khí gì, phương thức tác chiến…. trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam và mở rộng chiến tranh ra miền Bắc? Trong khi, lực lượng tình báo quân sự, lúc đó đã tập trung hầu hết cho chiến trường Miền Nam theo chỉ thị của Bộ Quốc phòng. Vào thời điểm ấy, Cục 2, Cục trưởng là đồng chí Phan Bình. Đồng chí Cục phó Nguyễn Như Văn phụ trách trực tiếp trong chiến trường Miền Nam. Thiếu tướng Vũ Thắng khi đó được giao nhiệm vụ phụ trách công tác xây dựng lực lượng, bảo đảm kỹ thuật và hậu cần. Thiếu tướng Tống Trần Thuật phụ trách tổng hợp, nghiên cứu và xử lý tin tức để báo cáo trên.…

Kíp chiến đấu Tiểu đoàn 57 (Trung đoàn 261, Sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ) rút kinh nghiệm sau trận đánh, tháng 12-1972. Ảnh tư liệu
Kíp chiến đấu Tiểu đoàn 57 (Trung đoàn 261, Sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ) rút kinh nghiệm sau trận đánh, tháng 12-1972Ảnh tư liệu

Về quan hệ quốc tế, hồi đó chúng ta cũng chưa mở quan hệ rộng rãi như bây giờ. Các nước trong khu vực Đông Nam Á chưa đặt quan hệ với ta. Ta chỉ có quan hệ với các nước trong hệ thống XHCN như Trung Quốc, Liên Xô và Lào, Cam-pu-chia mà thôi. Trong khi đó, ở Đông Nam Á Mỹ đã lôi kéo một số nước làm đồng minh rồi dựng lên chính phủ tay sai thân Mỹ và thực hiện chính sách thâm độc đưa cộng sản ra ngoài vòng pháp luật.

Mặc dù trong quan hệ quốc tế lúc đó, do sức ép của Mỹ, ta đang bị bao vây chặt nhưng chúng ta đã cố gắng tranh thủ các tổ chức, nhân sĩ, trí thức ở các nước thứ 3 và các lực lượng tiến bộ để nắm địch.

Thời kỳ đó, Thái Lan có các căn cứ quân sự, quân cảng và sân bay B52, nơi Mỹ sử dụng để xâm lược Việt Nam. Ở Lào,  Mỹ đã xây dựng một đài chỉ huy  điều hành bay ngay tại căn cứ của Vàng Pao, đó là những nơi chúng ta cần quan tâm. Với tinh thần mưu trí, dũng cảm, kiên trì và tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế cùng nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, ta đã nắm được kế hoạch của địch và thu thập được nhiều tin tức, tài liệu quan trọng, trong đó có một tấm bản đồ khu vực phòng thủ của Vàng Pao ở Lào.

B52 - ta không có gì bất ngờ hết

Trở lại với câu chuyện B52, Thiếu tướng Vũ Thắng một lần nữa khẳng định: Về vấn đề B52 đánh vào Việt Nam và sau này đánh ra miền Bắc mà trọng điểm là Hà Nội, đứng về mặt chiến lược ta không bị bất ngờ. Ta nắm rất chắc âm mưu, ý đồ của Mỹ. Vì thời điểm đó, các lưới tình báo của chúng ta ở trong nước như lưới của Anh hùng tình báo Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung); của Anh hùng tình báo Ba Quốc (đồng chí Đặng Trần Đức) đã nắm và báo cáo kịp thời những tin tức vô cùng quý giá liên quan tới B52 về Cục 2 và Bộ Quốc phòng.

Ngay từ những năm 1960, tình báo của ta đã nắm được ý định của Mỹ muốn sử dụng căn cứ quân sự U-ta-pao và đảo Gu-am làm căn cứ xuất phát của máy bay chiến lược B52 để tiến hành ném bom Việt Nam. Đầu năm 1967, sân bay U-ta-pao được hoàn thiện với nhiều cơ sở kỹ thuật hiện đại. Theo tính toán của Mỹ, căn cứ này rất thuận tiện cho việc tấn công miền Bắc. Các máy bay B52 hoạt động mà không cần tiếp nhiên liệu trên không. Đồng thời, do cự ly giữa căn cứ với các điếm đánh phá tại Việt Nam là tương đối gần, tần suất đánh phá của một máy bay sẽ cao hơn, khả năng tiếp vận cũng tốt hơn. Xuất phát từ ý đồ này, những phi vụ đầu tiên mang tính tập dượt tại khu vực Bến Cát (tây bắc Sai Gòn) đã khiến Mỹ rất tin tưởng để cho B52 xuất kích từ sân bay này.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh B52 của Quân chủng PK-KQ. Ảnh tư liệu
Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh B52 của Quân chủng PK-KQ. Ảnh tư liệu

Sau vụ đế quốc Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B52 ném bom rải thảm khu vực Bến Cát, ngày 19-7-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đến thăm Quân chủng Phòng không – Không quân, tại Trung đoàn 234 (Đoàn pháo cao xạ Tam Đảo) Bác khẳng định: “...Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng".  Như vậy có thể khẳng định, chủ trương chiến lược của đế quốc Mỹ chúng ta biết rồi. Vì sao? Đó chính là có chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy đối với tình báo quân sự. “Ngay từ rất sớm, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy đã chỉ đạo phải tìm mọi cách nắm cho được tất thảy các lực lượng của Mỹ, trong đó vấn đề B52”, Thiếu tướng Vũ Thắng nhấn mạnh.  

NGUYỄN HÒA/Quân đội nhân dân

(Còn nữa)