Bằng TS không phải là phương tiện để nâng cao chất lượng công chức, viên chức

29/05/2022 06:20
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Bùi Quang Xuân nhận định, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và chất lượng dịch vụ hành chính công không phải sẽ được nâng cao nhờ bằng tiến sĩ.

Vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030". Dự kiến, thành phố sẽ chi 61,5 tỉ đồng cho đào tạo sau đại học trình độ thạc sỹ và tiến sỹ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Cụ thể, Hà Nội sẽ cử đi đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến với công chức, viên chức không quá 35 tuổi thuộc các sở, chỉ tiêu là 30 người gồm 5 tiến sĩ và 25 thạc sĩ.

Cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước đối với công chức, viên chức có chỉ tiêu đào tạo là 240 người, gồm 40 tiến sĩ và 200 thạc sĩ.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là đề án này có thực sự mang lại hiệu quả? Việc đào tạo trình độ tiến sĩ đối với đội ngũ công chức, viên chức có hợp lý?

Tiến sĩ Bùi Quang Xuân, nguyên Giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 2. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Bùi Quang Xuân, nguyên Giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 2. (Ảnh: NVCC)

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Quang Xuân, nguyên Giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 2 nói rằng, việc đưa ra Đề án này đã phần nào phản ánh năng lực công vụ của chúng ta đang có vấn đề tồn tại. Và người ta cho rằng, muốn nâng cao chất lượng nền hành chính, nâng cao năng lực công vụ thì phải đào tạo bổ sung bằng cấp cho đội ngũ công chức, viên chức.

Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không giải quyết được vấn đề của nền hành chính hiện nay. Những tấm bằng tiến sĩ không phải là phương tiện để nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực làm công tác hành chính công.

“Trong hệ thống đào tạo của nước ta cũng như các nước trên thế giới, trình độ tiến sĩ chỉ phù hợp với công việc nghiên cứu khoa học hay giảng dạy chuyên sâu ở một lĩnh vực nhất định.

Còn nền hành chính công cần những người có tinh thần học hỏi, kinh nghiệm thực tiễn và có thái độ sẵn sàng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Đội ngũ này không nhất thiết phải được đào tạo theo hướng nghiên cứu chuyên sâu đạt trình độ tiến sĩ”, Tiến sĩ Xuân cho hay.

“Đua” học tiến sĩ có đảm bảo “học thật, nhân tài thật”?

Theo Tiến sĩ Bùi Quang Xuân, khi đánh giá năng lực của một công chức, viên chức phục vụ cho nền hành chính công thì thái độ phục vụ nhân dân chiếm đến 70%, kỹ năng chiếm 26% và tri thức chiếm 4%.

Không phủ nhận giá trị của bằng cấp nhưng bằng cấp phải đúng với năng lực và ứng dụng vào thực tiễn.

Đối với nền hành chính công, không nhất thiết phải đào tạo trình độ tiến sĩ. Thay vào đó, có thể bồi dưỡng chuyên ngành, chuyên sâu trong từng lĩnh vực tương ứng với từng vị trí làm việc để nâng cao kỹ năng và năng lực làm việc cho đội ngũ công chức, viên chức.

Ví dụ, đối với cán bộ nghiên cứu chuyên sâu về ngành Luật và làm công tác giảng dạy trong trường đại học thì rất cần đào tạo trình độ tiến sĩ. Tuy nhiên, với công chức, viên chức làm công tác quản lý Nhà nước về tư pháp thì không cần có bằng tiến sĩ. Nếu muốn nâng cao trình độ và năng lực làm việc, có thể đào tạo thêm qua các khóa học bồi dưỡng về hành chính tư pháp.

Trước đề án cho đào tạo sau đại học đối với đội ngũ công chức, viên chức của Thành phố Hà Nội, Tiến sĩ Bùi Quang Xuân cũng đặt vấn đề về bằng cấp và giá trị thực học hiện nay.

“Đưa ra đề án này, điều khiến chúng ta lo ngại là xảy ra tình trạng “học giả” chứ không “học thật”. Sẽ có người muốn có bằng thạc sĩ, tiến sĩ để được thăng chức, để được ngồi vào vị trí quản lý cao hơn chứ không phải học vì muốn nâng cao năng lực, trình độ và học để phục vụ nhân dân.

Vậy việc học đó có giúp ích gì cho nền hành chính của chúng ta? Đua nhau học tiến sĩ, thậm chí có người học tiến sĩ trái ngành, không giúp ích gì cho công việc. Điều này sẽ gây lãng phí thời gian, lãng phí tiền bạc của Nhà nước, của Nhân dân.

Chúng ta nói cần phải học tập suốt đời nhưng không có nghĩa là chạy theo bằng cấp, chỉ học lý luận, lý thuyết. Quan trọng là quá trình làm việc trong thực tiễn, mỗi người cán bộ, công chức, viên chức phải phát huy tinh thần tự học, tìm tòi, sáng tạo, đứng trước những yêu cầu, thách thức mới của công việc đều cố gắng học tập và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao”, Tiến sĩ Xuân cho hay.

Cần làm gì để nâng cao chất lượng nền hành chính công?

Tiến sĩ Bùi Quang Xuân cho biết, nền hành chính công là phục vụ nhân dân nên cần phải sâu sát thực tiễn. Muốn đánh giá chất lượng đội ngũ công chức, viên chức thì cần phải đánh giá theo hiệu quả công việc.

Hiện nay, trong cơ chế của chúng ta, ai có bằng cấp cao hơn thì được trả lương cao, được cân nhắc vào vị trí quản lý cao hơn. Tâm lý chuộng bằng cấp là một vấn đề bất cập đối với nền hành chính hiện nay.

Bởi lẽ, một người có bằng tiến sĩ nhưng làm việc qua loa, hình thức sẽ không thể tốt bằng một người chỉ đạt trình độ cử nhân nhưng làm việc tận tâm, trách nhiệm, phát huy hiệu quả công việc.

Tất nhiên, một người bằng cấp cao, kinh nghiệm thực tiễn nhiều, thái độ làm việc tốt và phát huy được năng lực của mình là một điều đáng trân trọng. Nhưng điều đáng lo ngại là bằng cấp của một người không tương xứng với năng lực thực sự của người đó, điều này chỉ làm căn bệnh thành tích vốn đã tồn tại bấy lâu càng trở nên trầm trọng hơn.

Tiến sĩ Bùi Quang Xuân cho rằng, để nâng cao chất lượng của nền hành chính công, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức cần thực hiện 3 nhiệm vụ.

Thứ nhất, cần bồi dưỡng thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Làm trong nền hành chính công phải tận tụy, sẵn sàng, hết lòng phục vụ nhân dân. Có như vậy mới làm tốt công việc và phát huy tính hiệu quả công việc được giao.

Thứ hai, cần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ công chức, viên chức qua việc tăng cường các khóa huấn luyện chuyên ngành hoặc liên ngành (ngắn hạn hoặc trung hạn) dưới nhiều hình thức.

Ở từng vị trí việc làm cụ thể có tính chuyên sâu, chuyên ngành riêng, cán bộ, công chức, viên chức cần được đào tạo thêm các kỹ năng để phục vụ công việc.

Để giảm chi phí, các đơn vị có thể gửi cán bộ đi học và trở thành cán bộ chuyên ngành về tập huấn lại cho đơn vị mình.

Bên cạnh đó, các cơ sở có thể kết hợp với các trường đại học đặt hàng trực tiếp về chuyên ngành đơn vị mình đang cần. Hoạt động này trước giờ vẫn triển khai nhưng còn mang tính chắp vá, thiếu tính liên tục, hệ thống và thiếu khả năng tư duy bền vững nên chưa phát huy hiệu quả.

Thứ ba, cần thay đổi quan điểm về tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, thay vì ưu tiên bằng cấp thì cần đánh giá đúng năng lực làm việc, hiệu quả công việc của mỗi cá nhân.

“Luật Cán bộ công chức được ban hành thay cho Pháp lệnh công chức nhưng tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, công chức, viên chức không có nhiều thay đổi. Tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả công việc là yếu tố quan trọng vẫn đang xếp sau những tiêu chí khác. Hơn nữa, trong tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả công việc cũng chưa được cụ thể hóa, vẫn còn chung chung, mang tính định tính mà không có tính định lượng.

Tôi cho rằng, cần phải sửa đổi tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và thay đổi quan điểm về tuyển dụng để lựa chọn được đội ngũ nhân lực chất lượng cho nền hành chính công”, Tiến sĩ Bùi Quang Xuân khẳng định.

Phạm Minh