Bão đổi hướng, nhiều người chết và bị thương ở các tỉnh miền Trung

10/11/2013 19:07
Phong Vũ
(GDVN) - Chiều ngày 10/11, phóng viên báo Giáo Dục Việt nam đã có cuộc trao đổi nhanh với lãnh đạo một số tỉnh thành miền Trung liên quan đến tình hình thiệt hại do cơn bão số 14 gây ra.

Khi chỉ cách bờ khoảng 200 km, bão số 14 bất ngờ đổi hướng di chuyển lên phía Bắc, bởi vậy, một số tỉnh ven biển miền Trung không phải hứng chịu sức tàn phá khủng khiếp từ siêu bão này. Tuy nhiên, đã có nhiều người chết và bị thương trong quá trình chuẩn bị đối phó với bão.

Thừa Thiên Huế: Bão tan, 1 người chết

Trao đổi với phóng viên vào thời điểm 14h00 chiều nay, ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ sáng cùng ngày, trên địa bàn tỉnh chỉ xuất hiện mưa nhỏ, gió mạnh khoảng cấp 6, cấp 7.

Hiện tại, thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 14 gây ra là không đáng kể. Tuy nhiên, theo thông tin mà Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế xác nhận thì trên địa bàn tỉnh đã có 1 người chết. Nạn nhân được xác định là ông Nguyễn Văn Giáp, trú tại xã Phong Hải, huyện Phong Điền. Ông Giáp đã bị té ngã, chấn thương nặng rồi tử vong trong lúc giúp nhà hàng xóm chằng níu, che chắn nhà cửa để phòng bão vào chiều ngày 9/10.

Đã có nhiều người thuộc cách tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi chết và bị thương mặc dù tâm bão không đổ bộ vào. (Ảnh: Báo Đà Nẵng)
Đã có nhiều người thuộc cách tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi chết và bị thương mặc dù tâm bão không đổ bộ vào. (Ảnh: Báo Đà Nẵng)

Sáng nay, 10/11, ông Nguyễn Văn Cao cùng lãnh đạo UBMTTQ VN tỉnh, Sở LĐ-TB&XH tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Phong Điền đã về viếng thăm, động viên thân nhân ông Giáp.

Được biết, trước mắt, UBMTTQ VN tỉnh hỗ trợ 3 triệu đồng và Sở LĐ-TB&XH tỉnh hỗ trợ 4,5 triệu đồng để giúp gia đình tổ chức đám tang cho ông Giáp.

Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho biết thêm, nhận thấy bão đã đi qua và không gây nguy hiểm nên ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã cho người dân sơ tán được trở về nhà. Trước đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động di dời 33.649 hộ với hơn 130 nghìn nhân khẩu ở các vùng nguy hiểm đến nơi tránh bão an toàn.

Trước đó, từ 12h00 trưa nay, các tỉnh, thành từ Đà Nẵng vào phía Nam cũng đã bắt đầu cho người dân trở về nhà sau sơ tán, trừ các đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi) vì gió vẫn còn mạnh. 

Quảng Trị: Chưa cho người dân sơ tán trở về nhà

Theo một đồng chí thuộc Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, cơn bão số 14 không đổ bộ trực tiếp vào tỉnh này. Bởi vậy, vào đầu giờ chiều nay, thời tiết tại Quảng Trị đã trở lại bình thường, chỉ có mưa và gió nhẹ.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão thường có lũ lụt. Bởi vậy, để đảm bảo an toàn, tỉnh Quảng Trị vẫn yêu cầu người dân ở lại nơi trú bão.

Nhiều người dân sơ tán tránh bão thuộc cách tỉnh từ Thanh Hóa trở vào đã được về nhà. (Ảnh: Thanh Niên)
Nhiều người dân  sơ tán tránh bão thuộc cách tỉnh từ Thanh Hóa trở vào đã được về nhà. (Ảnh: Thanh Niên)

Được biết, trước đó, tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo di dời hơn 20 hộ với hơn 82 nghìn người người thuộc 141 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh tới nơi trú bão an toàn.

Cũng theo tin từ Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Trị, hiện chưa có sự cố nào xảy ra với hơn 2.500 tàu thuyền và khoảng 6500 thủy thủ, thuyền viên toàn tỉnh.

Quảng Bình: 9 người chết và bị thương

Vào khoảng 14h30 chiều nay, ông Nguyễn Ngọc Phùng, Chánh Văn phòng thường trực, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Bình cho biết: Từ ngày 9/11, trên địa bàn tỉnh đã rải rác có mưa nhỏ và vừa, lượng mưa trung bình chỉ vào khoảng 10-30mm. Riêng tại TP Đồng Hới, chiều nay chỉ còn mưa vừa, sức gió vào khoảng cấp 5, cấp 6.

“Bão không trực tiếp đổ bộ vào tỉnh Quảng Bình. Nhưng theo thông tin ban đầu, đã có 1 người chết và 8 người khác bị thương do bị tai nạn trong quá trình chằng níu nhà cửa, cắt tỉa cây xanh… chuẩn bị đối phó với bão,” ông Phùng cho hay.

1 nạn nhân tử vong được xác định là Phạm Thanh Tương (SN 1962, ở phường Nam Lý, TP Đồng Hới).

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Phùng, chiều nay, tỉnh Quảng Bình đã cho người dân sơ tán trở về nhà. Trước đó, tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo sơ tán 16.181 hộ với hơn 48.000 dân các vùng ven biển tới nơi trú bão trước 3h00 sáng ngày 10/11. Trước 14h00 chiều qua, toàn bộ 3.632 tàu thuyền cũng đã vào bờ và tìm được nơi tránh bão an toàn.

Thanh Hóa: Khẩn trương đối phó với bão

Vào thời điểm 14h30 chiều nay, trao đối với phóng viên, ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời tiết tại Thanh Hóa vẫn chưa có biến động đặc biệt.

“Theo nhận định từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung Ương thì nhiều khả năng tâm bão số 14 sẽ không trực tiếp đi vào tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi vẫn đang chỉ đạo các đơn vị túc trực 24/24 để theo dõi diễn biến của bão. Trước đó thì toàn bộ tàu thuyền đã được kêu gọi vào bờ. Dân cư tại các vùng ven biển cũng được sơ tán để đảm bảo an toàn,” Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cho biết.

Hàng trăm lồng bè được người dân chằng chéo tại xã đảo Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Ảnh: Tuổi Trẻ
Hàng trăm lồng bè được người dân chằng chéo tại xã đảo Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Ảnh: Tuổi Trẻ

Trước đó, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Thanh Hóa đã lên kế hoạch di dời hơn 10.000 hộ với hơn 44.0o0 người ở các vùng cách mép nước biển 200m thuộc 6 huyện, thị xã ven biển Thanh Hóa đến nơi an toàn. Theo kế hoạch, việc di dời được hoàn tất trước 18h00 tối nay..

Hải Phòng: Di dời khoảng 80 nghìn dân

Do bão đột ngột đổi hướng nên dự kiến, các tỉnh ven biển phía Bắc, đặc biệt là Hải Phòng sẽ là nơi tâm bão số 14 đi qua. Bởi vậy, hiện các tỉnh thành này đang khẩn trương thực hiện công tác di dân tranh bão.

Tờ Tuổi Trẻ đưa tin, trưa ngày 10/11, UBND Thành Phố đã tổ chức cuộc họp bàn khẩn cấp để lên phương án phòng chống bão. Tại cuộc họp, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN thành phố cho biết đã lên phương án sơ tán khoảng 80.000 người thuộc các vùng nguy hiểm.

Được biết, từ 15h00 chiều nay, TP Hải Phòng đã tiến hành cấm biển, dừng mọi hoạt động chở khách, vui chơi trên biển. 

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hải Phòng, hiện tại 100% tàu thuyền đánh bắt xa bờ đã vào nơi trú tránh bão an toàn.  Hơn 4.000 phương tiện, gần 13 ngan lao động đã được thông tin về cơn bão. Ở khu vực ven bờ còn khoảng 104 phương tiện còn hoạt động và sẽ về bến trong chiều nay.

Đến buổi trưa cùng ngày, tại đảo Bạch Long Vĩ bắt đầu có mưa to, gió bão cấp 6, cấp 7. Những hộ dân ở khu vực Âu cảng Bạch Long Vĩ đã được đưa vào nơi tránh bão.

Bộ chỉ huy quân sự TP Hải Phòng cho biết đã huy động 100% quân số để túc trực phòng chống  bão. Lực lượng cơ động có hơn 1.500 người, lực lượng tại chỗ gần 5.500 người sẵn sàng chống bão.

Phong Vũ