Báo Đức:Trung Quốc muốn có nhiều dầu khí và ảnh hưởng nhất ở biển Đông

23/05/2012 11:02
Đông Bình (Theo báo Quang Minh)
(GDVN) - Sở dĩ Trung Quốc ngày càng cứng rắn ở biển Đông là vì họ thấy được quá nhiều quyền lợi tại đây, nhất là họ quá đói khát về dầu khí.
Giàn khoan 981 khổng lồ của Trung Quốc trên biển Đông.
Giàn khoan 981 khổng lồ của Trung Quốc trên biển Đông.

Ngày 21/5, tờ “Frankfurter Allgemeine Zeitung” (FAZ) của Đức có bài viết nhan đề “Giàn khoan nước sâu đầu tiên Trung Quốc thực hiện mũi khoan đầu tiên để giúp Trung Quốc có dầu khí và vai trò ảnh hưởng trên biển”. Bài viết cho rằng, Bắc Kinh muốn qua đây thỏa mãn đầy đủ nhu cầu năng lượng và bảo đảm cái gọi là quyền lợi lãnh thổ của họ ở biển Đông.

Theo bài viết, đây là một sự trùng hợp, nhưng trùng hợp có ý nghĩa tượng trưng. Tuần trước, giàn khoan nước sâu đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu khoan ở biển Đông. Trong cùng thời gian, Trung Quốc và Philippines đang tranh cãi gay gắt xung quanh tranh chấp lãnh thổ trên biển.

Giàn khoan nước sâu này do Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) vận hành. Công ty này từng mua Công ty Giếng khoan Trên biển Na Uy, có công nghệ giếng khoan nước sâu mới nhất, nguồn vốn dồi dào. Giàn khoan nước sâu mới này được gọi là “lãnh thổ di động” và “vũ khí chiến lược”. Nó sẽ góp phần phát triển năng lượng trên biển cho Trung Quốc.

Giàn khoan không những liên quan đến an ninh năng lượng của Trung Quốc, mà còn liên quan chặt chẽ tới đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ trên biển có tranh chấp của họ.

Trên thực tế, các cuộc xung đột trước đây không chỉ liên quan đến nguồn lợi cá, đá san hô và danh tiếng quốc gia, mà điều quan trọng hơn là vì năng lượng.

Ở quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa (2 quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam - PV), quần đảo Trung Sa, bãi cạn Scarborough và toàn bộ các hòn đảo ở biển Đông đều tàng trữ rất nhiều dầu mỏ và khí đốt.

Trung Quốc cắm Giàn khoan 981 trên biển Đông.
Trung Quốc cắm Giàn khoan 981 trên biển Đông.

Trung Quốc cảm thấy vô cùng đói khát về năng lượng. Họ là nước lớn tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới và là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Nhu cầu của họ đối với năng lượng tăng vọt.

Năm 2009, Trung Quốc trở thành nước nhập dòng dầu thô lớn thứ hai thế giới. Năm 2011, Trung Quốc đã khai thác 204 triệu tấn dầu, dầu mỏ tiêu thụ đạt 415 triệu tấn. Người Trung Quốc đang tiêu thụ ngày càng nhiều dầu mỏ, nhưng lượng khai thác trong nước lại chưa thể mở rộng.

Theo thống kê, trữ lượng dầu mỏ đã thăm dò được có thể khai thác của Trung Quốc chỉ có 2 tỷ tấn, khí đốt là 280 tỷ m3. Các chuyên gia thống kê cho thấy, đến năm 2020, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhập khẩu dầu mỏ từ 51% hiện nay lên tới 70%.

Để đảm bảo độ an toàn trong cung ứng năng lượng, Trung Quốc đã áp dụng nhiều phương thức, chủ trương tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng thay thế, khai thác năng lượng mới và tìm kiếm nguồn năng lượng mới, đồng thời mua các doanh nghiệp năng lượng hoặc mỏ quặng của nước ngoài. Đến nay, Trung Quốc lại bắt đầu thử nghiệm giàn khoan nước sâu.

Giàn khoan 981 khoan mũi khoan đầu tiên trên biển Đông.
Giàn khoan 981 khoan mũi khoan đầu tiên trên biển Đông.
Đông Bình (Theo báo Quang Minh)