Báo HK: Mỹ hủy bỏ cấm vận vũ khí cho Việt Nam là "mượn đao diệt Trung"

Báo Hồng Kông TQ lại lên tiếng xuyên tạc quan hệ Việt-Mỹ

17/10/2014 10:04
Đông Bình
(GDVN) - Bài viết cố ý xuyên tạc, hạ thấp tầm quan trọng "Mỹ nới lỏng bán vũ khí cho Việt Nam", nhấn mạnh những bất đồng Việt-Mỹ và nhắc nhở "liên minh chính đảng"...
Ngày 2 tháng 10 năm 2014, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
Ngày 2 tháng 10 năm 2014, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

Tờ "Đại công báo" Hồng Kông ngày 16 tháng 10 đăng bài viết có ý đồ xuyên tạc, hòng gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ Việt-Mỹ. Để khách quan nhất, nhìn rõ sự lo ngại, hậm hực của giới học giả Trung Quốc, báo GDVN xin đăng lại toàn bộ nội dung bài viết để độc giả rộng đường tham khảo, nhìn rõ bộ mặt của 1 bộ phận rất lớn của truyền thông Trung Quốc hiện nay.

Theo bài báo, chính quyền Barack Obama gần đây tuyên bố, Mỹ sẽ hủy bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam, điều này có nghĩa là sau gần 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, Mỹ sẽ lần đầu tiên xuất khẩu vũ khí sát thương cho Việt Nam. Dư luận quốc tế suy đoán, mặc dù Việt Nam có triển vọng tăng cường sức mạnh quân sự, nhưng đã trở thành một “quân cờ” trong ván cờ lớn "quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương" của Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Kerry ngày 2 tháng 10 đã thông báo với Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, Bộ Ngoại giao Mỹ đã áp dụng các bước đi, cho phép chuyển nhượng vũ khí phòng vệ "liên quan đến an ninh hàng hải" cho Việt Nam trong thời gian tới, giúp đỡ Việt Nam nâng cao năng lực cảnh báo sớm các vùng biển và an ninh biển.

Lệnh cấm vũ khí đối với Việt Nam của Mỹ bắt đầu từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam vào năm 1975, đến năm 1984, Washington chính thức thông qua lệnh cấm, cấm tiêu thụ vũ khí cho Việt Nam, lý do là không hài lòng với biểu hiện của Chính phủ Việt Nam trên phương diện nhân quyền.

Từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 8 năm 2014, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey thăm Việt Nam (ảnh tư liệu)
Từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 8 năm 2014, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey thăm Việt Nam (ảnh tư liệu)

Từ sau khi bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt vào năm 1995, cấm vận vũ khí của Mỹ đối với Việt Nam từng bước được nới lỏng. Những năm gần đây, cùng với việc Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược tới châu Á-Thái Bình Dương, quan hệ Mỹ-Việt không ngừng ấm lên, Việt Nam cũng ra sức tìm cách để Mỹ dỡ bỏ cấm vấn vũ khí, đồng thời coi đây là một bước đi rất quan trọng trong quá trình bình thường hóa toàn diện quan hệ hai nước Việt-Mỹ.

Có phân tích cho rằng, Việt Nam trước sau tập trung vào nguồn dầu khí ở Biển Đông, nhất quán cứng rắn với Trung Quốc, cho nên bị Mỹ coi là một trợ thủ đáng để lôi kéo, dỡ bỏ cấm vận vũ khí chính là một sự hấp dẫn khó cưỡng đối với Việt Nam. Thực ra, cấm vận vũ khí lấy ý thức hệ làm tiêu chuẩn là một thủ đoạn chính trị của Mỹ, việc hủy bỏ liên quan chặt chẽ đến lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Bài báo dẫn cái gọi là “tiết lộ của cơ quan nghiên cứu Mỹ” xuyên tạc đánh lừa cho rằng, người Mỹ bán hoặc chuyển nhượng vũ khí thiết bị cho Việt Nam hoàn toàn không phải vì "an ninh khu vực" như Việt Nam nói, mà là muốn Việt Nam bỏ tiền bỏ sức ra ở Biển Đông để chống lại Trung Quốc.

Vì vậy, mặc dù Việt Nam hoàn toàn không phải là đồng minh của Mỹ, nhưng sau khi Trung-Việt xảy ra tranh chấp ở Biển Đông, Mỹ luôn ủng hộ Việt Nam “bằng mồm”. Trong khi đó, đến nay, quan hệ quân sự Mỹ-Việt không ngừng ấm lên, trên thực tế có nghĩa là, sự can thiệp của Mỹ đối với Biển Đông đã ngày càng sâu hơn, tình hình Biển Đông sẽ trở nên phức tạp hơn, khả năng "lau súng cướp cò" (xung đột) tăng mạnh.

Trung Quốc bành trướng và khủng bố Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam
Trung Quốc bành trướng và khủng bố Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam

Hiện nay, điều mà dư luận quốc tế chú ý nhất không ngoài việc Việt Nam rốt cuộc nhận được vũ khí trang bị tiên tiến gì từ Mỹ? Đáp áp đơn giản là một số trang bị hầu như sẽ bị đào thải của Quân đội Mỹ. Theo tiết lộ của nguồn tin từ Mỹ, Mỹ có thể cuối cùng bán máy bay trinh sát P-3 Orion do Công ty Lockheed Martin Mỹ sản xuất cho Việt Nam, hiện nay, Quân đội Mỹ đang dùng máy bay tuần tra P-8A Poseidon của Công ty Boeing thay thế cho loại máy bay này.

Trong khi đó, so với Trung Quốc, thực lực quân sự của Việt Nam chắc chắn rất kém. Do bị ảnh hưởng bởi các nhân tố như nền tảng công nghiệp trong nước yếu, trình độ khoa học công nghệ, vũ khí mũi nhọn của Việt Nam chỉ có thể lệ thuộc vào nhập khẩu.

Những năm gần đây, Việt Nam mặc dù đã lần lượt nhập khẩu trang bị tiên tiến từ các nước như Nga, Czech, nhưng trình độ tiên tiến khác nhau, hệ thống phòng thủ tồn tại xung đột, huống hồ những vũ khí này còn tồn tại vấn đề cọ xát, thích ứng, không thể lập tức làm thay đổi cán cân sức mạnh quân sự giữa Trung-Việt. Được biết, điều này làm cho Việt Nam rất lo ngại.

Trung Quốc ưu tiên bố trí vũ khí trang bị tiên tiến và tăng cường tập trận ở Biển Đông.
Trung Quốc ưu tiên bố trí vũ khí trang bị tiên tiến và tăng cường tập trận ở Biển Đông.

Như vậy, lần này Mỹ bỏ lệnh cấm bán vũ khí đối với Việt Nam sẽ đe dọa đến an ninh của Trung Quốc? Hiện nay xem ra không cần quá lo lắng. Có phân tích liên quan cho rằng, Việt Nam dường như do “đắm chìm trong vui sướng Mỹ đồng ý hủy bỏ cấm vận vũ khí”, không quan tâm nhiều hơn tới một câu nói có ý vị sâu xa của phía Mỹ, đó chính là: Mỹ không muốn trực tiếp can thiệp tranh chấp lãnh thổ, nhưng quan tâm duy trì hòa bình và ổn định, đồng thời cung cấp trang bị "dùng để tự vệ và ngăn chặn xâm lược" cho các nước đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông. Đối với vấn đề này, bên ngoài giải thích là "Mỹ sẽ không vì Việt Nam mà xuất quân đến Biển Đông, Mỹ và Việt Nam không có bất cứ nghĩa vụ và trách nhiệm đồng minh quân sự nào".

Bài báo tuyên truyền có tính chất chia rẽ cho rằng: Thực ra, ở Việt Nam, hợp tác quân sự với Mỹ cũng là một mối lo ngại chồng chất, dù sao hai nước đã từng tiến hành một cuộc chiến dài tới 20 năm, đồng thời đã kéo dài quan hệ thù địch 20 năm sau chiến tranh. Điều quan trọng hơn là, ý thức hệ của hai bên hoàn toàn không giống nhau, tồn tại bất đồng mang tính nguyên tắc trong rất nhiều vấn đề, không thể thu hẹp một sớm một chiều. Trên thực tế, Washington phải chăng ủng hộ Việt Nam đối đầu với Bắc Kinh hay không, giới học giả Việt Nam cũng không phải không có nghi vấn.

Vì vậy, các quan điểm phổ biến cho rằng, Mỹ cho dù hủy bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam cũng chỉ là tăng thêm can đảm cho Việt Nam mà thôi, một khi Việt Nam thật sự nổ ra đối kháng kịch liệt với Trung Quốc, phía Mỹ vẫn coi trọng lợi ích tự thân, bo bo giữ mình. Dù sao, tầm quan trọng của quan hệ Trung-Mỹ rất rõ ràng, hơn nữa, mối ràng buộc kinh tế, liên minh chính đảng giữa Trung-Việt cũng không phải là điều Việt Nam có thể dễ dàng vứt bỏ.

Trung Quốc đang toan tính gì khi đẩy nhanh xây dựng các căn cứ hải không quân ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam?
Trung Quốc đang toan tính gì khi đẩy nhanh xây dựng các căn cứ hải không quân ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam?
Đông Bình