Báo Hồng Kông: Tuyên bố của Ấn Độ gây kinh ngạc châu Á - TBD

25/12/2012 09:10
Việt Dũng (nguồn mạng Chinaiiss, Hoàn Cầu, TQ)
(GDVN) - Bài báo nhấn mạnh cán cân sức mạnh hải quân hai nước Trung-Ấn, để ý tới các tàu chiến hiện đại của Ấn Độ có thể hiện diện trên biển Đông.
Biên đội tàu chiến đổ bộ Hải quân Trung Quốc
Biên đội tàu chiến đổ bộ Hải quân Trung Quốc

Tờ “Asia Sentinel” Hồng Kông vừa có bài viết cho rằng, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ Devendra Kumar Joshi gần đây cho biết, khi cần thiết Quân đội Ấn Độ sẽ đến biển Đông bảo vệ lợi ích quốc gia.

Tuyên bố này gây kinh ngạc cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Báo TQ tuyên truyền cho rằng đây là hành động “tiếp tục làm leo thang tình hình căng thẳng ở biển Đông”.

Ông Joshi nói: “Nếu cần thiết, chẳng hạn, trong trường hợp liên quan đến lợi ích quốc gia, chúng tôi sẽ phải đến đó, chúng tôi đã chuẩn bị tốt cho điều này”.

Tuyên bố của ông Joshi được cho là Ấn Độ có quyết tâm đóng vai trò làm “người cân bằng khu vực có trách nhiệm”, phản ánh rõ Ấn Độ ngày càng muốn mở rộng hiện diện ở biển Đông.

Tuy nhiên, báo Hồng Kông cho rằng, điều đáng chú ý là, hiện nay, nếu suy đoán, cán cân sức mạnh hải quân giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang có chênh lệch, Ấn Độ sở hữu hơn 140 tàu chiến, trong khi đó Trung Quốc hiện có khoảng 750 tàu chiến.

Tất nhiên, bài báo quên mất là thực tế Trung Quốc đang phải kéo căng lực lượng trên nhiều vùng biển và phải đối phó với nhiều đối thủ, và "khó chịu nhất"  - theo báo chí TQ là Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản trên vùng biển đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Hạm đội tàu chiến, Hải quân Ấn Độ
Hạm đội tàu chiến, Hải quân Ấn Độ

Vipin Bhambri, học giả chính trị, Đại học Nehru, Ấn Độ cho rằng, biển Đông là khu vực chính trị không ổn định nhất châu Á. “Ở đây giàu dầu mỏ và khí đốt, hơn nữa hơn một nửa tàu chở dầu trên thế giới phải đi qua đây. Tính nổi bật của khu vực này làm cho các nước châu Á rất khó coi nhẹ bất cứ sự phát triển nào của vùng biển này”.

Trước tuyên bố của ông Joshi, Trung Quốc thông qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này tiến hành “phản đối tiến hành thăm dò dầu khí đơn phương ở biển Đông”.

Trung Quốc muốn các nước khác tôn trọng chủ trương, lập trường, quyền lợi của họ, nhưng họ đã bất chấp lịch sử và thực tế là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, còn “đường lưỡi bò/đường 9 đoạn” là vô giá trị, bất chấp luật pháp quốc tế.

Trung Quốc tiếp tục tuyên bố họ muốn thông qua “đàm phán song phương” với các nước có tranh chấp để giải quyết tranh chấp biển Đông. Nhưng thực tế, trên biển Đông vừa có tranh chấp song phương, vừa có tranh chấp đa phương; thậm chí lẽ ra không có tranh chấp, nhưng có kẻ đã và đangcố tình gây ra tranh chấp.

Ngoài ra, cũng trong một tuyên bố, Trung Quốc nhấn mạnh thực hiện nguyên tắc “dần dần từng bước” trong vấn đề xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Tàu hộ vệ tên lửa tàng hình INS Shivalik, Hải quân Ấn Độ
Tàu hộ vệ tên lửa tàng hình INS Shivalik, Hải quân Ấn Độ

Báo Hồng Kông cho rằng, tình hình biển Đông ngày càng phức tạp, bởi vì các nước và khu vực như Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Đài Loan đều tuyên bố có chủ quyền đối với một phần biển Đông. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã quyết định tăng quyền hành động cho địa phương.

Trung Quốc đã để cho tỉnh Hải Nam, tỉnh được Trung Quốc trao quyền quản lý cái gọi là “thành phố Tam Sa”, tự ban hành quy định mới trên biển Đông, cho phép lực lượng cảnh sát biển tỉnh Hải Nam tiến hành các hoạt động bất hợp pháp, tức là lực lượng này sẽ lên tàu “kiểm tra tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải ở biển Đông”.

Trung Quốc sẽ áp dụng quy định (bất hợp pháp) này từ ngày 1/1/2013. Theo đó, lực lượng công vụ của họ có khả năng cản trở tàu thuyền các nước hoặc ép tàu thuyền các nước phải đổi hướng hoặc quay trở về…

Một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng cho biết, động thái lần này của Trung Quốc ở biển Đông là nhằm tăng cường đòi hỏi chủ quyền đối với vùng biển này, trực tiếp gây sức ép với Ấn Độ.

Trong thời gian tới, Trung Quốc có khả năng sử dụng các lực lượng chấp pháp, trong đó có tàu cảnh sát biển để cản trở các hoạt động bình thường hợp pháp trên Biển Đông.
Trong thời gian tới, Trung Quốc có khả năng sử dụng các lực lượng chấp pháp, trong đó có tàu cảnh sát biển để cản trở các hoạt động bình thường hợp pháp trên Biển Đông.

Theo sự tăng trưởng về sức mạnh kinh tế và quân sự, Trung Quốc ngày càng gia tăng đòi hỏi và tìm mọi cách kiểm soát thực tế đối với tất cả các hòn đảo, vùng biển phụ cận trên biển Đông.

Báo Hồng Kông, thực chất là một phần của cỗ máy tuyên truyền của TQ cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, bất cứ biểu  hiện tự tin nào của Hải quân Ấn Độ trên biển Đông đều sẽ làm gia tăng mối lo ngại đối với khả năng Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra chiến tranh do tranh đoạt quyền kiểm soát biển Đông.

Trung Quốc tỏ ra nghi ngờ về các hoạt động ngày càng gia tăng của Ấn Độ ở Đông Á và Đông Nam Á. Trong tháng 11/2011, họ đã phản đối Ấn Độ về mặt ngoại giao, cho rằng công ty ONGC Ấn Độ thăm dò 2 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, do Việt Nam cấp phép là “bất hợp pháp” (?).

Một nước Trung Quốc ở xa tít phía bắc, không có truyền thống chế ngự biển khơi, được lịch sử ghi rõ chỉ có chủ quyền đối với tỉnh Hải Nam trở về phía bắc, nhưng lại yêu cầu Ấn Độ phải được Trung Quốc cấp phép thì mới được tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Biên đội tàu đổ bộ, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc.
Biên đội tàu đổ bộ, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc.

Trên thực tế, căn cứ vào Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (1982), Việt Nam rõ ràng có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các lô dầu khí đã cấp phép cho Ấn Độ. Trên cơ sở đó, Ấn Độ công nhận quyền sở hữu của Việt Nam đối với các mỏ dầu khí, không chấp nhận sự phản đối của Trung Quốc.

Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Á, là nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ tư ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Để đề phòng tình hình căng thẳng tiếp tục leo thang, các chuyên gia kiến nghị New Delhi cần nhanh chóng sử dụng các nguồn lực quân sự - điều này rất quan trọng.

Bởi vì, Ấn Độ đang tăng cường sức mạnh cho Bộ Tư lệnh hải quân miền Đông, Bộ Tư lệnh này phụ trách bảo vệ khu vực duyên hải, khi Ấn Độ triển khai lực lượng quân sự ở biển Đông, Bộ Tư lệnh này có thể đóng vai trò quan trọng.

Điều đáng chú ý là, mặc dù giao lưu kinh tế Trung-Ấn có xu thế ngày càng phát triển (đến năm 2015, kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt 100 tỷ USD), nhưng tình hình chính trị căng thẳng giữa hai nước lại ngày càng nghiêm trọng hơn, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Có chuyên gia cho rằng, sự thù địch này có thể nhìn lại cuộc chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962.

Năm 2013, Trung Quốc sẽ đưa tàu lặn Giao Long đến biển Đông thăm dò, khảo sát... Con tàu lặn này có thể lặn sâu trên 7.000 m, có thể thăm dò dầu khí, khoáng sản, có thể cắm cờ khẳng định chủ quyền dưới đáy biển; thậm chí có thể cắt cáp thông tin... của nước khác.
Năm 2013, Trung Quốc sẽ đưa tàu lặn Giao Long đến biển Đông thăm dò, khảo sát... Con tàu lặn này có thể lặn sâu trên 7.000 m, có thể thăm dò dầu khí, khoáng sản, có thể cắm cờ khẳng định chủ quyền dưới đáy biển; thậm chí có thể cắt cáp thông tin... của nước khác.

Cùng với sự phát triển kinh tế, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ ngày càng phụ thuộc vào biển để thực hiện tham vọng về biển cũng như thương mại.

Hiện nay, hai nước đều đang xây dựng lực lượng hải quân mạnh. Một nguồn tin quốc phòng cho biết, trong 3 năm qua, Hải quân Ấn Độ đã tăng mới 15 tàu chiến. Trong đó có một tàu ngầm tấn công động cơ hạt nhân lớp Akula-II thuê của Nga.

Ấn Độ cũng sẽ sớm tiếp nhận tàu sân bay được tân trang lại là INS Viramaditya. Các loại tàu chiến khác còn có tàu hộ vệ tàng hình lớp Shivalik, tàu chở dầu tiếp tế và tàu tấn công tốc độ nhanh.

Trong bối cảnh phức tạp đó, báo Hồng Kông cho rằng, dư luận chỉ có thể trong đợi vào sự kiềm chế của cả Trung Quốc và Ấn Độ, không để xảy ra bất cứ hành động nào đe dọa hòa bình và ổn định địa-chính trị của khu vực.
Trung Quốc rất khát khao khai thác dầu khí ở biển Đông.
Trung Quốc rất khát khao khai thác dầu khí ở biển Đông.
Việt Dũng (nguồn mạng Chinaiiss, Hoàn Cầu, TQ)