Báo Nga: Mỹ-Nga có thể hợp tác ép Trung Quốc cắt giảm vũ khí hạt nhân

05/11/2012 07:43
Nguồn báo Hoàn Cầu, TQ
(GDVN) - Quan hệ tam giác chiến lược lớn Nga-Trung-Mỹ sẽ tác động lớn đến kinh tế, an ninh và ổn định toàn cầu, họ đang răn đe lẫn nhau.
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21C, Pháo binh 2, Quân đội Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21C, Pháo binh 2, Quân đội Trung Quốc

Tờ “Độc lập” Nga vừa đăng bài viết “Tam giác chiến lược lớn, cắt giảm vũ khí hạt nhân toàn cầu hiện đã trở thành tiêu điểm quan tâm của các nước” của tác giả Alexei Arbatov. Bài viết cho rằng, quan hệ chính trị và chiến lược quân sự giữa tam giác chiến lược lớn Nga-Trung-Mỹ có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ kinh tế, an ninh và ổn định toàn cầu.

Trong lĩnh vực chiến lược hạt nhân, hiện nay Nga và Mỹ là quan hệ răn đe lẫn nhau điển hình, đạt cân bằng chiến lược. Mỹ và Trung Quốc cũng là quan hệ răn đe lẫn nhau, nhưng là quan hệ phi đối xứng.

Những năm gần đây, Mỹ đã chuyển trọng điểm lực lượng răn đe hạt nhân tới Trung Quốc. Ở châu Á-Thái Bình Dương, ngoài việc triển khai lực lượng hạt nhân, Mỹ còn chú trọng hơn đến phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực.

Nhưng, khác với việc ứng xử với Nga, mặc dù Mỹ hoàn toàn không muốn Trung Quốc trở thành cường quốc thế giới mới trong thế kỷ 21, nhưng chưa từng công khai thừa nhận hai bên răn đe lẫn nhau.

Trong khi đó, khi phát triển quan hệ với Mỹ, Trung Quốc kiên quyết bảo vệ quyền lợi tự thân, nhấn mạnh có khả năng răn đe hạt nhân ở mức độ tối thiểu và từng bước tăng cường sức mạnh hạt nhân chiến lược của mình. Nhưng, trong lĩnh vực cân bằng chiến lược, giữa Mỹ-Trung  mất cân bằng nghiêm trọng, trong đó Mỹ có ưu thế tuyệt đối.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-5 Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-5 Trung Quốc

Còn có một vấn đề mơ hồ, đó là quan hệ chiến lược Nga-Trung. Hiện nay, hai “đồng minh chiến lược” này hoàn toàn chưa chính thức thừa nhận tồn tại quan hệ răn đe hạt nhân lẫn nhau.

Cho dù như vậy, vẫn có thể giả thiết, một phần lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga được sử dụng để ngăn chặn Trung Quốc. Học thuyết quân sự năm 2010 của Nga cho biết, nếu xung đột khu vực đe dọa sự tồn vong của đất nước, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, một bộ phận tên lửa hạt nhân chiến lược của Trung Quốc cũng có thể nhằm vào phần châu Âu của Nga, còn khu vực Siberia và Viễn Đông của Nga thì sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật là có thể với tới.

Mặc dù trong giai đoạn đối đầu Nga-Trung của thế kỷ trước, Moscow cũng không thừa nhận đã cùng Bắc Kinh răn đe lẫn nhau. Sau khi quan hệ hai nước được cải thiện, vấn đề này tiếp tục bị che giấu.

Vì vậy, hiện nay, quan hệ tam giác chiến lược lớn Nga-Mỹ-Trung là quan hệ “mỗi nước mỗi khác” và rất bất đối xứng. Bất kể là ở cấp độ chính trị hay mô hình chiến lược, đều không có điểm chung. Ba bên cũng không thể tổ chức đàm phán về vấn đề cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược và hạn chế vũ khí hạt nhân.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A, Pháo binh 2, Quân đội Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A, Pháo binh 2, Quân đội Trung Quốc

Mặc dù lực lượng hạt nhân của Trung Quốc còn lạc hậu xa so với Nga và Mỹ, nhưng trong số các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, Trung Quốc là nước công khai cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân trước.

Trung Quốc hoàn toàn không muốn thông qua duy trì thế cân bằng hạt nhân chiến lược với Nga, Mỹ để bảo vệ sự ổn định chiến lược quốc gia. Nguyên tắc của Bắc Kinh là có được khả năng răn đe hạt nhân ở mức độ "bảo vệ an ninh quốc gia".

Xu hướng quan hệ tam giác lớn trong tương lai có thể là Mỹ-Nga áp dụng lập trường chung chống Trung Quốc, ép buộc Trung Quốc tham gia đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân. Cũng có thể là Mỹ-Trung hợp tác yêu cầu Nga ký kết thỏa thuận mới tiếp tục cắt giảm vũ khí hạt nhân. Nga-Trung lại có thể cùng yêu cầu Mỹ và đồng minh của họ hạn chế phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu và khu vực.

Tên lửa chiến lược - xuyên lục địa DF-41 do báo chí Trung Quốc công bố
Tên lửa chiến lược - xuyên lục địa DF-41 do báo chí Trung Quốc công bố
Nguồn báo Hoàn Cầu, TQ