Báo Nga thực sự lo ngại Trung Quốc sao chép máy bay chiến đấu Su-35

25/11/2012 08:24
Việt Dũng (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)
(GDVN) - Lo ngại đi vào vết xe đổ của máy bay Su-27, báo Nga đề nghị bán sản phẩm đơn giản hóa và tránh bán sản phẩm công nghệ cao cho Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu tiên tiến Su-35 Nga
Máy bay chiến đấu tiên tiến Su-35 Nga

Trang mạng Đài tiếng nói nước Nga vừa có bài viết dẫn nguồn tin từ Cục hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga cho rằng, Nga-Trung đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về hợp đồng cung ứng 24 máy bay chiến đấu Su-35.

Có chuyên gia cho rằng, điều này sẽ mở đường cho Su-35 xâm nhập thị trường quốc tế, nhưng rủi ro hợp tác với Trung Quốc là không nhỏ.

Su-35, thực ra là Su-35BM (ý chỉ phiên bản hiện đại hóa sâu sắc), là phiên bản cải tiến sâu sắc của Su-27. Trong giai đoạn 1990-2000, máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30 đã đem lại danh tiếng cho công ty Sukhoi, trở thành máy bay chiến đấu được bán chạy nhất trong gần 20 năm qua.

Điều gây chú ý là, việc mở cửa thị trường cho Su-27 chính là Trung Quốc: hợp đồng cung cấp 20 máy bay Su-27SK đầu tiên ký vào năm 1991, hợp đồng thứ hai cung cấp 16 chiếc được ký vào năm 1996.

Sau đó ký thỏa thuận cấp giấy phép lắp ráp và đã bán gần 100 chiếc. Tiếp theo, Trung Quốc cũng mua máy bay chiến đấu Su-30MKK của Nga.

Nhưng, lịch sử thành công thương mại của máy bay chiến đấu Nga cũng tồn tại một vấn đề khác. Sau khi bắt đầu lắp ráp, Trung Quốc dần dần chuyển sang sao chép máy bay chiến đấu do Nga chế tạo, đồng thời đã đầu tư sản xuất ra máy bay chiến đấu J-11.

Mặc dù về sản phẩm sao chép của Trung Quốc thua kém so với nguyên bản về một loạt tính năng và khả năng của các thiết bị lắp trên máy bay, nhưng quá trình sao chép đã cải thiện rất lớn khả năng của ngành hàng không quân sự Trung Quốc. Điều nãy có lợi cho Không quân Trung Quốc đẩy nhanh đổi mới trang bị.

Máy bay chiến đấu Su-35S Nga
Máy bay chiến đấu Su-35S Nga

Từ lâu, Trung Quốc đã bày tỏ quan tâm đến Su-35, loại máy bay tiếp cận máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.

Nhưng, từ số phận của máy bay chiến đấu Su-27, người ta cũng lo ngại rằng, máy bay chiến đấu Su-35 có thể cũng sẽ đi vào vết xe đổ.

Không có ai có thể bảo đảm rằng, Trung Quốc sẽ không sao chép. Chỉ có thể dựa vào cung ứng số lượng lớn để bù đắp cho sự tổn thất tiềm tàng, bởi vì mua số lượng lớn sẽ làm cho việc sao chép mất đi ý nghĩa, số tiền thu được của nhà sản xuất có thể dùng để nghiên cứu phát triển ra máy bay chiến đấu tiên tiến hơn.

24 chiếc rõ ràng là không đủ, không thể loại bỏ được rủi ro Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa ra sản phẩm sao chép trong 10-15 năm nữa.

Còn có một cách để giảm rủi ro là, cung ứng máy bay Su-35 phiên bản đơn giản hóa cho phía Trung Quốc. Đây là một biện pháp hoàn toàn có thể thực hiện trên thực tế. 24 máy bay chiến đấu trị giá 1,5 tỷ USD không được tính là quá lớn, đơn giá loại máy bay đỉnh cao dựa trên máy bay nguyên bản T-10 đã hơn 100 triệu USD.

Xét thấy việc sao chép thường cần ít nhất 5-7 năm, cung cấp phiên bản đơn giản hóa là hoàn toàn có thể chấp nhận, nhưng không nhất thiết là hợp lý nhất.

Biện pháp hợp lý nhất là, hạn chế tối đa cung cấp sản phẩm công nghệ cao quân dụng của Nga cho Trung Quốc, những tổn thất tiềm ẩn có thể được bù đắp bằng các đơn đặt hàng trong nước.

Máy bay chiến đấu Su-35BM Nga
Máy bay chiến đấu Su-35BM Nga

Ngoài ra, tờ “Thời báo Moscow” cũng có bài viết đưa tin, ngày 21/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, hai bên đã thảo luận về các vấn đề hợp tác song phương và khả năng tiêu thụ vũ khí.

Các chuyên gia cho rằng, do Trung Quốc thay đổi thế hệ lãnh đạo, nên chuyến thăm của ông Sergei Shoigu có ý nghĩa đặc biệt.

Nhà phân tích cấp cao của tổ chức Enegma của Dubai, ông Theodore Karasik cho rằng, hai bên rất quan tâm đến làm sâu sắc thêm hợp tác song phương.

Từ năm 2001 đến nay, kim ngạch giao dịch vũ khí giữa Nga và Trung Quốc đạt 16 tỷ USD, trong đó đại đa số đều là Trung Quốc mua vũ khí của Nga.

Giám đốc công ty Rosoboronexport, Anatoly Isaikin nói với tờ “Kommersant” rằng, mặc dù hợp tác song phương những năm gần đây giảm xuống, nhưng năm 2011 lại bắt đầu tăng trở lại, kim ngạch giao dịch vũ khí đã hơn 1 tỷ USD. Trung Quốc hiện chiếm gần 15% trong tiêu thụ vũ khí của Nga.

Máy bay chiến đấu Su-35C Nga
Máy bay chiến đấu Su-35C Nga

Chủ tịch Ủy ban xã hội của Bộ Quốc phòng Nga, Igor Korotchenko cho rằng, hợp tác quân sự Nga-Trung đi xuống là điều không thể tránh khỏi, bởi vì công nghệ của Trung Quốc ngày càng trở nên tiên tiến.

Korotchenko nói: “Chúng tôi đối mặt với sự cạnh tranh thực sự từ Trung Quốc ở một số thị trường”. Điều ông muốn nói chính là xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc tới một số nước Mỹ Latinh và châu Phi.

Việt Dũng (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)