Báo Nhân Dân TQ: Nhật có 30 tấn nguyên liệu hạt nhân dùng cho vũ khí

13/09/2013 08:11
Đông Bình
(GDVN) - Nhật Bản thừa nhận sở hữu 29,5 tấn plutonium phân hạch, có thể chế tạo vũ khí hạt nhân trong vài tháng.
Thành phố Hiroshima, Nhật Bản kỷ niệm tròn 68 năm ngày nổ bom nguyên tử.
Thành phố Hiroshima, Nhật Bản kỷ niệm tròn 68 năm ngày nổ bom nguyên tử.

Tờ "Nhân Dân" Trung Quốc ngày 12 tháng 9 có bài viết cho rằng, các nhân vật "cánh hữu" Nhật Bản từng nhiều lần tuyên bố, Nhật Bản có năng lực chế tạo vũ khí hạt nhân trong 3 tháng.

Cơ sở hỗ trợ cho quan điểm này chính là Nhật Bản có dự trữ nguyên liệu hạt nhân với số lượng tương đối. Theo hãng Kyodo, Nhật Bản ngày 11 tháng 9, Nhật Bản thừa nhận, hiện nay, Nhật Bản sở hữu tổng cộng 29,5 tấn plutonium phân rã (phân hạch) hạt nhân.

Theo bài báo, ngày 11 tháng 9, nội các Nhật Bản đệ trình báo cáo với Ủy ban Năng lượng nguyên tử, đến cuối năm 2012, Nhật Bản sở hữu 29,5 tấn plutonium phân rã hạt nhân ở trong và ngoài nước, cơ bản cân bằng so với 29,6 tấn năm trước.

Trong 29,5 tấn plutonium, Nhật Bản để ở trong nước 6,3 tấn (năm trước là 6,3 tấn), ngoài ra còn 23,2 tấn (năm trước là 23,3 tấn) gửi ở hai nước Anh, Pháp - nơi Nhật Bản ủy thác tiến hành tái xử lý đối với nhiên liệu đã qua sử dụng.

Plutonium gửi ở nước ngoài được gia công thành nhiên liệu hạt nhân để cung cấp cho lò phản ứng nước nhẹ sử dụng. Do phần lớn nhà máy điện hạt nhân năm 2012 dừng vận hành, lượng tiêu hao nhiên liệu ô xi hỗn hợp plutonium-uranium sử dụng cho phát điện không tăng lên.

Do plutonium có thể dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân, Nhật Bản hàng năm đều công bố lượng sở hữu và báo cáo cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế. Chính vì Nhật Bản có dự trữ nguyên liệu hạt nhân có số lượng khổng lồ, rất nhiều nhân vật cánh hữu Nhật Bản đều từng nói rằng, chỉ cần thời gian 3 tháng đến nửa năm, Nhật Bản có thể tiến hành vũ trang hạt nhân.

Người dân Nhật Bản biểu tình chống sử dụng năng lượng hạt nhân.
Người dân Nhật Bản biểu tình chống sử dụng năng lượng hạt nhân.

Nhưng, cũng có chuyên gia cho rằng, bom nguyên tử nổ ở Nagasaki trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai sử dụng 93% plutonium cấp vũ khí tinh khiết, nhưng phế liệu hạt nhân sinh ra bởi các lò phản ứng nước nhẹ của nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản cho dù đã qua tinh chế tách biệt, độ tinh khiết của plutonium 239 cũng chỉ đạt 65%.

Phế liệu hạt nhân của lò phản ứng nước nhẹ, về lý thuyết, cũng có thể chế tạo bom nguyên tử, nhưng trên thực tế còn chưa có nước nào chế tạo được.

Ngoài ra, lò phản ứng tái sinh (breeder reactor) nơ-tron nhanh Monju của Nhật Bản sử dụng ô-xi hỗn hợp plutonium-uranium làm nhiên liệu, có thể tinh luyện được plutonium cấp vũ khí có độ tinh khiết đạt tới 96%, nhưng lò phản ứng này đã ngừng hoạt động lâu dài sau khi xảy ra sự cố vào năm 1995.

Năm 2010, lò phản ứng Monju được tái khởi động, nhưng tháng 5 năm nay lò phản ứng này đã xuất hiện sai sót an toàn khi được kiểm tra, hoạt động của lò phản ứng tiếp tục bị dừng lại.

Theo hãng Kyodo, về nguyên tắc, vật liệu plutonium của Nhật Bản dùng để phát điện, nhưng do công tác tái khởi động nhà máy điện hạt nhân lạc hậu và việc sử dụng thiết thực lò phản ứng tái sinh nơ-tron nhanh tồn tại khó khăn, plutonium tích lũy được vẫn không có hy vọng tiêu hóa được.

Bản đồ phân bố nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản.
Bản đồ phân bố nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản.
Đông Bình