Bình luận của Thời báo Hoàn Cầu, TQ:

Báo Nhật lo ngại Nga triển khai tên lửa hạt nhân nhằm vào Nhật Bản

23/07/2013 06:00
Việt Dũng
(GDVN) - Nga đang tăng cường triển khai vũ khí trang bị hiện đại ở Viễn Đông, thực hiện chiến lược mới ở châu Á-Thái Bình Dương, gây lo ngại cho Nhật Bản.
Nga mua tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral do Pháp sản xuất, triển khai ở Viễn Đông
Nga mua tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral do Pháp sản xuất, triển khai ở Viễn Đông

Theo tuyên truyền của Thời báo Hoàn Cầu, TQ, ngày 14 tháng 7, trang mạng Zakzak Nhật Bản đưa tin, 2 tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral mà Nga mua của Pháp sẽ triển khai ở khu vực Viễn Đông.

Đồng thời, ngoài triển khai tên lửa chống hạm siêu âm Yakhont tầm phóng 300 km ở quần đảo Nam Kuril (Nhật Bản gọi là Bốn đảo phương Bắc), Nga còn có kế hoạch tăng thêm tên lửa phòng không Tor-M2.

Theo bài báo, mấy năm gần đây, tỷ lệ tăng trưởng chi tiêu quân sự của Nga tăng nhanh với tỷ lệ % hai con số, đặc biệt là vào năm 2009, chi tiêu quân sự của Nga tăng 38% so với cùng kỳ năm trước, điều này gây kinh ngạc.

Không những đã nghiên cứu phát triển tàu ngầm động cơ hạt nhân mới trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân, mà còn trong năm 2010 đã tiến hành bay thử lần đầu tiên máy bay chiến đấu tàng hình PAK-FA, có thể nói Nga đang thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa một cách vững chắc.

Sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, Nhật Bản vốn cho rằng "mối đe dọa từ phương Bắc" đã tiêu tan, nhưng hiện nay mối đe dọa này lại đang từng bước tới gần.

Bài báo cho biết, binh lực Lục quân Nga ở Viễn Đông khoảng 90.000 quân (15 sư đoàn/lữ đoàn), điều này đã tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với Nhật Bản.

Trong đó, 1 sư đoàn ở quần đảo Nam Kuril, 1 sư đoàn ở đảo Sakhalin (Nhật gọi là Karafuto), 1 sư đoàn ở bán đảo Kamchatka, binh lực còn lại đều tập trung ở khu quản lý quân sự Viễn Đông - khu vực giáp biên giới với Trung Quốc, còn sư đoàn pháo binh 18 của Nga triển khai ở đảo Kunashir (Nhật gọi là đảo Kunashiri) và đảo Iturup (Nhật gọi là đảo Etorofu) tuy hiện là lực lượng hiện có trang bị chủ yếu là xe tăng cũ và lựu pháo, nhưng trong tương lai cũng sẽ từng bước đổi sang vũ khí hiện đại.

Hệ thống tên lửa phòng không Tor-M2E Nga
Hệ thống tên lửa phòng không Tor-M2E Nga

Còn về lực lượng hải quân, Vladivostok và Petropavlovsk trên bán đảo Kamchatka đều là căn cứ quan trọng của Hạm đội Thái Bình Dương Nga, Nga đã trang bị tổng cộng 240 tàu chiến ở hai khu vực này, trong đó có tàu nổi (như tàu khu trục) và tàu ngầm - mỗi loại 20 chiếc, còn Nhật Bản hiện chỉ có 15 tàu ngầm hạt nhân (thông tin nguyên văn báo tiếng Trung-nhưng thông tin này có thể không chính xác - PV).

Ngoài ra, Nga còn đang tiếp tục mở rộng lực lượng chiến đấu tàu ngầm hạt nhân, coi đây là bước đi quan trọng trong chiến lược hạt nhân của họ.

Về lực lượng không quân, Nga đã có kế hoạch sắp tới trang bị máy bay chiến đấu tàng hình PAK-FA và đưa vào chiến đấu thực tế, nếu Nga triển khai những máy bay chiến đấu này ở khu vực Viễn Đông, sẽ gây ảnh hưởng to lớn tới sự cân bằng sức mạnh quân sự ở Viễn Đông.

Hiện nay, Quân đội Nga duy trì tổng cộng 1.944 máy bay chiến đấu, ở khu vực Viễn Đông trong đó có quần đảo Nam Kuril đã trang bị tổng cộng 210 chiếc, trong đó có 27 máy bay chiến đấu Sukhoi và 31 máy bay chiến đấu MiG. Ngoài ra còn có 50 máy bay ném bom trong đó có máy bay ném bom Tu-22M có khả năng tấn công hạt nhân.

Trang mạng Zakzak còn chỉ ra, Nga hiện vẫn là nước lớn vũ khí hạt nhân, điều này không thể nghi ngờ, đương nhiên cũng không loại trừ có tên lửa đạn đạo hạt nhân đang nhằm vào Nhật Bản.

Máy bay ném bom Tu-22M3 Nga
Máy bay ném bom Tu-22M3 Nga

Hai nước Nhật-Nga từ lâu thường xuyên xảy ra tranh chấp về vấn đề do lịch sử để lại, nhưng hiện nay cũng không thể không nhượng bộ lẫn nhau.

Tháng 5 năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Putin đã tổ chức hội đàm cấp cao Nhật-Nga.

Trong cuộc hội đàm, hai bên không chỉ đã tiến hành thương lượng về tranh chấp lãnh thổ, điều đáng chú ý hơn là hai bên đã thiết lập "Hội đàm 2+2" cấp Bộ trưởng Ngoại giao giữa Nhật-Nga, động thái này báo hiệu hai nước Nhật-Nga đang đi theo hướng "bán đồng minh".

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả! - Facebook
Việt Dũng