Báo TQ: J-15 sẽ gặp khó khi đối phó với không quân mạnh của Việt Nam

20/09/2013 08:52
Đông Bình
(GDVN) - Khi cất cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh, lượng vũ khí mang theo của J-15 rất hạn chế, chỉ có thể chống hạm khi bay gần tới mục tiêu 100 km.
Máy bay chiến đấu J-15 mang theo tên lửa mô phỏng cất/hạ cánh trên tàu sân bay
Máy bay chiến đấu J-15 mang theo tên lửa mô phỏng cất/hạ cánh trên tàu sân bay

Theo CCTV Trung Quốc, máy bay chiến đấu J-15 đã hoàn thành “cất/hạ cánh trọng lượng tối đa” trên tàu sân bay. Máy bay J-15 mang theo 2 quả tên lửa chống hạm YJ-83, 2 tên lửa tầm gần PL-8 hoặc 2 quả tên lửa PL-8 và 4 quả bom lớp 500 kg.

Nếu đúng như vậy, 2 mô hình mang theo vũ khí này đã đạt mức tối đa về tải trọng khi J-15 cất cánh, điều này đã bộc lộ một điểm yếu lớn của cụm tàu sân bay Trung Quốc trong tương lai.

Về lý thuyết, những số liệu của J-15 giống với máy bay Su-33 của Nga, cho nên có thể lấy số liệu của Su-33 để suy đoán cơ bản về năng lực mang theo vũ khí của J-15. Trọng lượng cất cánh tối đa của máy bay J-15 cũng khoảng 29-30 tấn, trọng lượng của riêng máy bay là khoảng 18 tấn, điều này có nghĩa là J-15 có thể mang theo 12 tấn nhiên liệu và vũ khí.

Trọng lượng nhiên liệu trong máy bay J-15 tối đa khoảng 10 tấn, tức là khi cất cánh mang nhiên liệu tối đa thì J-15 sẽ mang theo 2 tấn vũ khí, tức là 2 quả tên lửa YJ-83K và 2 quả tên lửa PL-8.

Trong đó, tên lửa chống hạm YJ-83K thực hiện nhiệm vụ chống hạm cự ly xa, ưu thế duy nhất của nó là thể tích tương đối nhỏ, trọng lượng nhẹ hơn YJ-83 phiên bản trang bị cho tàu chiến, nhưng tầm phóng bị rút ngắn nhiều.

Tầm phóng hiệu quả khoảng 120 km, giống tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ. Trên thực tế, do YJ-83K là đạn dẫn đường radar chủ động đầu cuối, cự ly tấn công thực tế cũng sẽ nhỏ hơn 120 km. J-15 phải bay gần đến cách mục tiêu 100 km mới có thể tiến hành nhiệm vụ chống hạm.

Tên lửa chống hạm YJ-83K Trung Quốc
Tên lửa chống hạm YJ-83K Trung Quốc

Báo TQ bình luận, "như vậy, máy bay J-15 chỉ có thể mang theo 2 quả tên lửa tầm gần PL-8, không thể tiếp tục mang theo tên lửa không đối không cự ly trung bình như PL-12. Có thể thấy, J-15 khi không trang bị tên lửa không đối không cự ly trung bình sẽ bị “phơi trần” khi bị máy bay chiến đấu đối phương đánh chặn. Khi đối mặt với những nước hạng 3 thì không có vấn đề gì, nhưng khi gặp nước có không quân mạnh hơn như Việt Nam thì rất khó khăn".

Do đó, so với hiệu suất mang theo vũ khí của máy bay hải quân trang bị cho tàu sân bay Mỹ, điểm yếu mang theo vũ khí của máy bay J-15 Trung Quốc rất rõ rệt. Trọng lượng cất cánh tối đa cơ bản không thể bảo đảm cho máy bay hải quân trang bị hệ thống vũ khí hợp lý, cần thiết.

Về vấn đề này, chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng, lượng nhiên liệu và vũ khí mang theo là hai chỉ tiêu quan trọng lớn. Lượng nhiên liệu quyết định hành trình, lượng vũ khí được trang bị tối đa sẽ bảo đảm tối đa hóa năng lực thực hiện nhiệm vụ.

Lượng vũ khí được trang bị tối đa thì máy bay chiến đấu sẽ có sức chiến đấu tối đa. Nếu máy bay chiến đấu có thể mang theo nhiều loại đạn dược thì có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ tác chiến, từ đó tiến hành tấn công có hiệu quả nhất.

Mặc dù có điểm yếu trên, nhưng, theo bài báo, vấn đề này cũng có thể được TQ giải quyết một cách linh hoạt. Chẳng hạn cho máy bay J-15 giảm lượng nhiên liệu mang theo, nhưng sau đó tiến hành tiếp dầu trên không. Điều này đòi hỏi Quân đội Trung Quốc phải trang bị máy bay tiếp dầu trên không tầm xa hoặc máy bay tiếp dầu cùng loại của J-15, điều này TQ khó mà làm được trong tương lai gần.

Tên lửa không đối không PL-11 và PL-8 trang bị cho máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc (ảnh minh họa)
Tên lửa không đối không PL-11 và PL-8 trang bị cho máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc (ảnh minh họa)

Một phương pháp khác là sử dụng nhiều phương thức mang theo khác nhau cho J-15 khi thực hiện nhiệm vụ, chẳng hạn trong một biên đội ít nhất cần nhiều máy bay J-15 mang theo tên lửa chống hạm để thực hiện nhiệm vụ chống hạm, cần vài chiếc J-15 trang bị tên lửa không đối không cự ly trung bình để đối phó với biên đội máy bay chiến đấu đối phương, cần có máy bay J-15 phiên bản tác chiến điện tử để tiến hành áp chế điện tử chiến trường.

Như vậy, máy bay hải quân Trung Quốc phải sử dụng biên đội tương đối lớn mới có thể hoàn thành nhiệm vụ như một biên đội nhỏ của quân Mỹ, hiệu suất giảm mạnh.

Ngoài ra, tàu sân bay Liêu Ninh và tàu sân bay nội địa phiên bản cải tiến trong tương lai của Trung Quốc đều không phải là tàu sân bay cỡ lớn, lượng máy bay mang theo cũng vào khoảng 20-30 chiếc, thực hiện nhiệm vụ chống hạm tầm xa sẽ cần phải đưa vào gần một nửa máy bay hải quân, số lượng máy bay chiến đấu bảo vệ, tuần tra cho tàu sân bay cũng bị “phơi thân”.

Nhìn vào sơ đồ bố cục đường băng tàu sân bay Liêu Ninh, cất cánh kiểu nhảy cầu cũng làm trầm trọng hơn vấn đề này của máy bay J-15. Tàu sân bay Liêu Ninh chỉ cho phép cất cánh một máy bay J-15 khi mang nhiều nhiều liệu và đạn dược trong một thời điểm, trong khi đó tàu sân bay động cơ hạt nhân lớp Nimitz cho phép cất cánh cùng lúc 4 máy bay chiến đấu, tàu sân bay động cơ hạt nhân Charles de Gaule Pháp cho phép cất cánh cùng lúc 2 máy bay chiến đấu. Như vậy, thời gian chuẩn bị tấn công của cụm chiến đấu tàu sân bay sẽ rất dài, quá trình tập kết trên không sẽ rất chậm.

Máy bay chiến đấu J-15 đang được bảo trì, kiểm tra
Máy bay chiến đấu J-15 đang được bảo trì, kiểm tra
Máy bay chiến đấu J-15 mang theo tên lửa mô phỏng cất/hạ cánh trên tàu sân bay
Máy bay chiến đấu J-15 mang theo tên lửa mô phỏng cất/hạ cánh trên tàu sân bay

Do đó, trong giai đoạn hiện nay, J-15 muốn thực hiện nhiệm vụ tác chiến hạm đối đất có độ khó nhất định là cực kỳ khó khăn, chỉ có thể nói là nó có năng lực chống hạm ứng phó với các cuộc xung đột cường độ thấp.

Nhiệm vụ nhiều hơn của J-15 là thực hiện nhiệm vụ tuần tra phòng thủ và đánh chặn phòng không của cụm tàu sân bay. J-15 có thể là máy bay tốt, nhưng khi trang bị cho tàu sân bay Liêu Ninh thì có thể nó rất khó phát huy được sức chiến đấu thực sự.

Đông Bình