BáoTQ: Mỹ triển khai chiến đấu cơ F-35 tại Nhật Bản chỉ để tiếp thị

25/12/2012 07:46
Đông Bình (nguồn báo Nhân Dân, TQ)
(GDVN) - Mỹ triển khai máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35 tại Nhật Bản vào năm 2017 không chỉ để thay thế cho F/A-18, mà còn để xuất khẩu...
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35C phiên bản hải quân.
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35C phiên bản hải quân.

Tờ “Nhân Dân” Trung Quốc vừa đăng bài viết dẫn lời phát biểu ngày 18/12 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Leon Panetta tuyên bố, đến năm 2017 Mỹ sẽ triển khai máy bay chiến đấu tàng hình mới F-35 tại căn cứ Iwakuni của quân Mỹ tại Nhật Bản, thay thế cho máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet hiện nay. Đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ triển khai máy bay F-35 ở căn cứ tại nước ngoài.

Đối với vấn đề này, giáo sư Lý Lị, chuyên gia quân sự, Đại học Quốc phòng Trung Quốc trả lời phỏng vấn chương trình “Thời gian và không gian quốc phòng” của Đài tiếng nói Trung Quốc cho rằng, quân Mỹ triển khai F-35 tại Nhật Bản trước hết là thay thế cơ bản cho máy bay chiến đấu cũ.

Đồng thời, theo Lý Lị, không loại trừ Mỹ muốn tuyên truyền tạo thanh thế để xuất khẩu máy bay tấn công liên hợp F-35. Trong khi đó, Nhật Bản hầu như đang nghiêng về giải thích điều này là quân Mỹ coi trọng Nhật Bản, gián tiếp bày tỏ thái độ đối với vấn đề đảo Senkaku.

Nhu cầu thay thế máy bay chiến đấu cũ

Lý Lị cho rằng, trong năm qua, Mỹ đã bắt đầu trang bị phi đội máy bay chiến đấu tàng hình cất/hạ cánh thẳng đứng F-35. Vì vậy, đến năm 2017 quân Mỹ trang bị F-35 là đáng tin cậy.

Ngoài triển khai tại lãnh thổ Mỹ, trang bị cho một số đồng minh, thì F-35 cũng còn phải triển khai tại các căn cứ ở nước ngoài, đặc biệt là ở Nhật Bản, đây là một tín hiệu rõ ràng.

Chiến đấu cơ tàng hình F-35C
Chiến đấu cơ tàng hình F-35C

Lý Lị chỉ ra, việc thay thế F-35 lần này là nhu cầu cơ bản thay thế máy bay chiến đấu cũ kỹ. Căn cứ Iwakuni là căn cứ của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại Nhật Bản. Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ là một lực lượng viễn chinh, tổng cộng có 3.500 quân, quy mô không lớn, trình độ các loại máy bay cũng hoàn toàn không cao.

F-18 được trang bị hiện nay cũng là kiểu AB phiên bản sớm nhất, một loại khác trang bị cho lính thủy đánh bộ là AV-8B. Hai loại máy bay chiến đấu này có niên đại tương đối lâu đời, vì vậy việc thay thế lần này chỉ là sự thay thế cho một phi đội, chứ không phải là sự thay thế quy mô lớn, số lượng lớn.

Có tính năng tấn công đối đất độc lập

Lý Lị cho rằng, nhìn vào các tính năng tác chiến cơ bản, F-18 với tư cách là kiểu máy bay chiến đấu sớm của quân Mỹ, không có chức năng tấn công đối đất, đối hải độc lập, cần phối hợp sử dụng với F-14, trình độ của nó rõ ràng không thể đáp ứng nhu cầu của căn cứ Iwakuni của quân Mỹ đồn trú tại Nhật Bản hiện nay.

Trong khi đó, F-35 ngay từ lúc ban đầu nghiên cứu phát triển đã phối hợp với F-22, mang theo vũ khí tấn công đối đất, có tính năng độc lập, có thể sử dụng như một máy bay tác chiến tấn công đối đất độc lập.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35B phiên bản lính thủy đánh bộ.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35B phiên bản lính thủy đánh bộ.

Theo Lý Lị, quân Mỹ nhiều lần thử lắp vũ khí xuyên mặt đất cho F-35, trong tương lai có thể tính toán mang theo bom xuyên phá. Ngoài ra, F-35 còn có thể mang theo bom đường kính nhỏ, tính năng tác chiến của nó ưu việt hơn F-18.

Làm mẫu thu hút sự chú ý của nhiều khách hàng hơn

Lý Lị đồng thời cho rằng, không loại trừ khả năng thông qua hành động triển khai này, quân Mỹ có ý định mở đường cho việc tiêu thụ chiến đấu cơ F-35. Việc nghiên cứu máy bay chiến đấu F-35 trước đây rất không thuận lợi, giá cả nhiều lần tăng cao, cần gấp xuất khẩu lượng lớn để cân bằng chi phí.

Vì vậy, triển khai máy bay F-35 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần lấy Nhật Bản làm mẫu, tiến hành phô diễn, thông qua đăng tải rất nhiều thông tin, thu hút sự quan tâm của nhiều nước châu Á hơn để mua F-35.

Máy bay F-35B
Máy bay F-35B

Ngay ngày kế tiếp khi Leon Panetta tuyên bố, tức ngày 19/12, một cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố báo cáo nhấn mạnh, Trung Quốc có thể sử dụng quân đội để “bảo vệ quyền lợi biển”, lực lượng quân đội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành và các lực lượng khác, sẵn sàng hậu thuẫn cho các hành động đòi hỏi chủ quyền, quyền lợi biển trên các vùng biển xung quanh.

Lý Lị cho rằng, Nhật Bản đặc biệt giỏi tuyên truyền tình hình, đặc biệt là sau khi tình hình đảo Senkaku nóng lên, truyền thông Nhật Bản chủ động hơn cả Mỹ.

Lý Lị khẳng định, rõ ràng, Nhật Bản không chỉ giải thích việc Mỹ triển khai F-35 ở căn cứ tại Nhật là đổi mới thay thế ở cấp độ trang bị, thậm chí coi đó là sự coi trọng của quân Mỹ đối với căn cứ Iwakuni, coi trọng đối với Nhật Bản và phòng bị đối với vấn đề đảo Senkaku.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35A phiên bản không quân, Mỹ
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35A phiên bản không quân, Mỹ

Các nguồn tin cho biết, máy bay chiến đấu tàng hình F-35 nếu được triển khai ở căn cứ Iwakuni, Nhật Bản thì bán kính tác chiến của nó sẽ bao trùm lên đảo Senkaku và thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.

Cũng có chuyên gia cho rằng, việc Mỹ tuyên bố triển khai máy bay tấn công liên hợp F-35 ở Nhật Bản là để đối phó với máy bay chiến đấu tàng hình J-20, J-31 của Trung Quốc và T-50 của Nga.

Trung Quốc và Nga nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu tàng hình cũng có ý đồ làm suy yếu sự hiện diện của quân Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đông Bình (nguồn báo Nhân Dân, TQ)