Bất ngờ chuyện ăn uống của chính khách đến Việt Nam

21/02/2012 06:00
Các chính khách đến Việt Nam, có người rất cầu kỳ trong chuyện ăn uống, nhưng cũng có người hết sức giản dị đến bất ngờ.


Bê nguyên cả đoàn "bếp" sang Việt Nam

Đặt ra những yêu cầu khó khăn hay những đòi hỏi về mặt thời gian có lẽ chưa gây sốc bằng việc mang theo cả đoàn đầu bếp lẫn đồ ăn, thậm chí là nước uống đến khách sạn.

Anh Ngô Văn Cường, Quản lý Bộ phận đặt tiệc của Khách sạn Daewoo vẫn chưa hết sửng sốt khi kể về đoàn khách của vua và hoàng thân Brunei đã nghỉ ở đây.

"Nhân viên an ninh của họ qua đây trước cả tháng trời để kiểm tra, đầu bếp thì sang trước gần 1 tuần mang theo tất cả đồ ăn chuẩn bị đầy đủ cho cả chuyến đi của họ. Họ chỉ mượn tủ lạnh của chúng tôi để bảo quản đồ ăn, sau đó khóa và niêm phong lại chỉ người của họ mới được mở.

Thậm chí, toàn bộ nước uống của họ cũng được đóng chai mang từ Brunei sang chứ không dùng nước của khách sạn. Nhân viên, phụ bếp của khách sạn phải qua sự kiểm tra gắt gao của họ từ lý lịch cho đến trình độ, nếu đảm bảo mới được sử dụng".

"Chúng tôi đã đón rất nhiều đoàn khách từ nhiều nước như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu... các nhân vật quan trọng như Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Mỹ  G.Bush hay Tổng thống Nga Putin (nay là Thủ tướng Nga) cũng đã đều nghỉ tại đây nhưng chưa lần nào chúng tôi gặp phải một đoàn cầu kỳ như đoàn của Brunei".

Theo anh Cường thì bình thường Nhà nước sẽ thiết tiệc ở bên ngoài để mời các đoàn chính khách nhưng nhiều khi họ cũng tổ chức tiệc mời lại một số vị lãnh đạo của chúng ta ngay tại khách sạn, nhưng các bữa tiệc này mang màu sắc chính trị nên có nhiều đòi hỏi và yêu cầu rất cao.

Từ việc kiểm soát đồ ăn, nước uống đều phải qua sự kiểm tra của Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và nhân viên an ninh của họ.

Ngoài ra, khách sạn cũng phải nghiên cứu rất kỹ về những nét văn hóa, truyền thống, màu cờ của nước họ để bài trí phòng từ trải khăn rải bàn, đệm bọc ghế, những loại hoa sẽ cắm để không bị "phạm húy".

Như nếu tiếp đoàn của Trung Quốc thì trong phòng tiệc phối màu sẽ theo tông đỏ - vàng, tiếp đoàn Mỹ thì tông màu sẽ là xanh - đỏ hay đoàn Hy Lạp thì thiên về màu xanh - trắng... sẽ khiến cho khách cảm thấy gần gũi, dễ chịu hơn.

"Mỗi nước có một nét văn hóa riêng, phong tục riêng, sở thích riêng... nên nếu không nghiên cứu kỹ sẽ dễ dẫn đến những phản cảm trong cách bày biện, trang trí. Không cẩn thận còn phạm phải những điều cấm kỵ của nước họ thì sẽ kéo theo nhiều chuyện rất phức tạp.

Chúng tôi còn phải nghiên cứu kỹ về cách ăn uống của từng người khách trong đoàn để đưa ra những thực đơn phù hợp như xem trong đoàn có người nào ăn kiêng không, hay có ai bị dị ứng với một loại đồ ăn gì đó để có những sự điều chỉnh". 

T6-hau-truog9.jpg
Một góc phòng tiệc thể hiện sự cầu kỳ trong cách trang trí.

“Một chiếu trước làng...”

Ngay cả việc sắp xếp vị trí ngồi của khách cũng là một vấn đề không hề đơn giản mà nhiều khi phải điều chỉnh đi điều chỉnh lại đến tận sát buổi tiệc vẫn chưa xong.

Như khi đón những đoàn chính khách nước ngoài, sơ đồ bố trí bàn tiệc và chỗ ngồi cho từng vị khách sạn phải xây dựng trước rồi gửi sang Bộ Ngoại giao duyệt, sau đó lại phải gửi qua cho đoàn khách xem lại, nếu họ đồng ý mới bắt đầu thực hiện.

"Nhưng nhiều khi bên Bộ Ngoại giao sửa rồi, đoàn khách yêu cầu thay đổi, rồi Bộ lại sửa lần nữa, cho đến sát tận bữa tiệc lại có sự thay đổi khiến chúng tôi cứ rối tung cả lên".

Vì lẽ đó mà có nhiều trường hợp dở khóc dở cười khi những khách ăn kiêng thì lại được phục vụ đồ ăn mặn còn những người bị dị ứng lại được mang ra đúng món mình sợ nhất rồi đành lắc đầu ngán ngẩm chờ nhân viên đổi đồ ăn.

Cũng có những vị vua lại hết sức giản dị như là vua Cata, ngoài những bữa tiệc ra thì ông ấy thường xuyên xuống phòng ăn như những người khách bình thường khác chứ không yêu cầu phòng ăn riêng. Nếu không thấy vệ sĩ và cảnh vệ đứng trong phòng thì chắc chẳng ai biết mình đang dùng bữa cùng một ông vua.

B.A.U/Bee