“Bí kíp” giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh, hạnh phúc

05/11/2015 14:25
THỤY MIÊN
(GDVN) - Theo chị Hồng, nhiều người nhiễm HIV vẫn sống khỏe mạnh, tích cực bắt đầu từ những thói quen sinh hoạt tốt.

Từng là sinh viên trường Cao đẳng Dược, việc phát hiện nhiễm HIV từ chồng là cú sốc lớn nhất trong đời chị, vượt lên tất cả, chị Mạc Thị Hồng (Quỳ Châu-Nghệ An) vẫn rất nghị lực, mạnh mẽ…

Chị thường xuyên tham dự buổi tập huấn để tự mình chăm sóc chính mình và bảo vệ những người xung quanh. Theo chị, nhiều người nhiễm HIV vẫn sống khỏe mạnh, tích cực bắt đầu từ những thói quen sinh hoạt tốt.

Mẹo phòng tránh các bệnh cơ hội

Ban đầu gặp chị Mạc Thị Hồng, một tiếp cận viên cộng đồng, đi vận động người có "H" đi xét nghiệm, chúng tôi không nghĩ chị đang chung sống với căn bệnh thế kỷ.

Dù công việc bận bịu, phải đi xa cả ngày, lại đang chăm sóc con nhỏ nhưng chị không hề tỏ vẻ mệt mỏi. Khi được hỏi về bí quyết, chị tâm sự, tất cả chỉ bắt đầu từ chuyện chăm sóc chính mình một cách toàn diện cả về sức khỏe thể chất cũng như tinh thần, bắt đầu từ: chuyện ăn, chuyện uống, chuyện ở.

Những kiến thức mà chị có được phần lớn đến từ các buổi tập huấn của các tổ chức chuyên sâu nghiên cứu về HIV-AIDS mà chị có cơ hội được tham gia, một phần do chị tự tìm hiểu, rút kinh nghiệm từ bản thân.

Chị Hồng vừa làm ở Hội Phụ nữ, vừa phụ trách hai CLB dành cho người có "H".
Chị Hồng vừa làm ở Hội Phụ nữ, vừa phụ trách hai CLB dành cho người có "H".

Chị kể, đi làm về, dù mệt mỏi đến đâu cũng phải cố gắng ăn những thứ bổ dưỡng để có được năng lượng mà lo không mắc bệnh nhiễm trùng. Nhiều bữa chán ăn, cảm thấy “khó nuốt” chị lại nghiền thức ăn thành dạng súp hoặc đồ uống, ăn thành nhiều bữa trong ngày.

Đặc biệt, người có "H" phải hạn chế những loại thức ăn gây kích ứng dạ dày như: thức ăn chứa nhiều dầu, thức ăn rán, rau sống, ớt tươi, khi cảm thấy buồn nôn chị sẽ không ăn dầu mỡ.

Chị Hồng cho hay hệ thống bảo vệ cơ thể của những người HIV hay AIDS là rất yếu, các vi trùng có thể dễ dàng xâm nhập từ nguồn thức ăn không sạch và nguồn nước bị nhiễm bẩn.

Trước khi bắt tay vào việc chế biến, chị rửa sạch tay, đặc biệt phải nấu kỹ tất cả các loại thức ăn vì nhiệt độ cao sẽ giết các sinh vật trong thức ăn. Hạn chế những thức ăn và đồ uống có thể gây đau dạ dày và tiêu chảy, bao gồm cả trà đặc và cà phê.

Khi được hỏi về những “bí kíp” chữa trị tiêu chảy đối với người nhiễm HIV, chị tiết lộ, chị thường pha trà bằng những loại “thuốc” từ thiên nhiên như: gừng, quế, tỏi. Tốt nhất nên dùng tỏi khi còn tươi, xay nhỏ cho ¼ thìa nước gừng vào trong 1 cốc nước sôi lọc lấy nước uống.

Đặc biệt, nếu bị tiêu chảy có thể uống 4 cốc/ngày. Theo chị, người HIV bị tiêu chảy có thể là do: ăn thức ăn và uống nước đã bị nhiễm bẩn, tổn thương tinh thần và lo lắng…

Khi bị tiêu chảy cần uống thật nhiều dung dịch chống mất nước (ORS) và nước dừa, khi đun nước phải để cho nước sôi ít nhất 5 phút.

Ngoài ra, trong khoảng thời gian này chị không ăn thức ăn chứa nhiều mỡ, đồ uống có nhiều đường, có thể dùng chai nước nóng để chườm bụng.

Dầu tỏi cũng là loại thức dầu thường được chị chế biến thức ăn. Chị thường cho tỏi tươi nghiền nát trộn với dầu, ngâm trong ba ngày, sau đó lọc bã tỏi, cất nơi ẩm mát.

Bên cạnh đó, để phòng chống các nhiễm khuẩn đường tiêu hóa như ỉa chảy, nấm, vết loét chị thường hay uống nước dưa vì nó bổ sung vi khuẩn có lợi cho đường tiêu hóa nhất là sau một đợt điều trị kháng sinh.

Chị thường dùng cải bẹ rửa sạch muối với nước đun sôi để nguội (như muối dưa). Sau đó bỏ bã, lấy nước dưa lần 1. Tiếp tục cho nước đun sôi để nguội và thêm vào một ít nước cũ để một ngày, lấy nước dưa lần hai.

Theo chị, điều quan trọng bên cạnh chuyện ăn, chuyện uống là vấn đề vệ sinh. Trước hết là giữ sạch cho chính mình, môi trường xunh quanh, các vật dụng trong nhà càng sạch càng tốt.

Chăm sóc sức khỏe tinh thần

Buổi sáng của chị bắt đầu từ 6 giờ, lo cho con ăn uống, đưa con đi học, rồi tất tả đi đến từng làng bản để vận động người có "H" tham gia xét nghiệm.

Chị trải lòng: làm việc hết mình, tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi hợp lý sẽ làm tăng thêm sức lực, giảm căng thẳng đối với người nhiễm HIV.

Sau khi chồng mất, chị quyết định chị thành lập 2 Câu lạc bộ dành cho người có H trên địa bàn xã Châu Hạnh- huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An vào năm 2002.

Dù phụ trách cả công tác phụ nữ của bản, lẫn công việc của CLB nhưng chị vẫn vẫn tiếp tục bán thuốc vừa bán thêm hàng tạp hóa ở nhà, trồng mía đường để cải thiện thu nhập.

Chị tâm sự, đam mê với công tác xã hội để giúp đời, giúp người sẽ giúp mình, quên đi những lo lắng, sợ hãi, không còn thời gian để nghĩ vu vơ.

Bằng giọng điệu vui vẻ, chị cho biết chính những bận rộn giúp đỡ những người có chung hoàn cảnh trong cuộc sống là phương thuốc tốt giúp chị chữa lành những vết thương trong tâm hồn, những đau đớn, dằn vặt khi nhớ về căn bệnh của bản thân.

THỤY MIÊN