"Bí thư Quảng Bình vi hành và ông Nguyễn Bá Thanh có điểm giống nhau"

16/03/2013 14:17
Hồng Chính Quang
(GDVN) - “Về phong cách làm việc cụ thể sâu sát, tìm được những điểm nhấn cần xử lý giải quyết thì đồng chí Lương Ngọc Bính và đồng chí Nguyễn Bá Thanh có những điểm giống nhau”, ĐBQH Đỗ Mạnh Hùng nói.
LTS: Sáng 14/3, sau khi bắt đầu giờ làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lương Ngọc Bính cùng Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Sơn và một cán bộ thanh tra tiến hành kiểm tra đột xuất tại 7 quán cà phê ở TP.Đồng Hới. Chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ đã phát hiện khoảng 15 cán bộ, công chức đang uống cà phê; trong đó có cán bộ của Sở Công thương, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Công ty điện lực Quảng Bình… 

Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trước những thông tin được nhiều người chú ý và qua đó thể hiện sự ủng hộ, hoan nghênh Bí thư tỉnh uỷ Quảng Bình này.

Ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội
Ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội

“Tỉnh nào cũng làm được như Quảng Bình thì sẽ có tác dụng tích cực”

PV: Nhiều người rất hứng thú với thông tin Bí thư tỉnh uỷ Quảng Bình Lương Ngọc Bính “vi hành” ở quán cà phê và đã phát hiện ra khá nhiều cán bộ, công chức bỏ bê công việc la cà quán xá trong giờ hành chính. Ông đánh giá thế nào từ động thái này từ phía Quảng Bình trong việc chấn chỉnh tác phong làm việc của cán bộ, công chức?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Việc người lãnh đạo cao nhất của một địa phương có nhiều cách để kiểm tra. Và có những biện pháp phù hợp vừa mang tính hiệu quả lâu dài nhưng cũng có những biện pháp để làm ngay trong đó có việc đi kiểm tra thực tế. Việc này rất tốt. Việc sâu sát với thực tế sẽ giúp cho lãnh đạo có những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công việc.

Tình trạng làm việc kém hiệu quả, "ăn cắp" giờ của Nhà nước cũng có ở một bộ phận cán bộ công chức, viên chức. Và điều này phải được chấn chỉnh ngay.

Các cụ ta có câu: “Một người biết lo còn hơn cả kho người biết làm”. Với những người lãnh đạo trực tiếp và những người lãnh đạo cao hơn biết lo thì cấp dưới sẽ có cách, điều kiện để làm việc có hiệu quả. Thứ hai là người lãnh đạo gương mẫu thì cũng có tác động mạnh mẽ tới cấp dưới. Thứ ba là người lãnh đạo mà sâu sát có những kiểm tra thích hợp thì cũng sẽ có tác động. 

Ở đây, tôi nghĩ phải làm sao để công chức, viên chức đạt đến sự tự giác trong việc chấp hành kỷ luật lao động và nâng cao hiệu quả công việc. Còn việc đi kiểm tra hành chính, đột xuất là cần thiết nhưng cũng chỉ là biện pháp mang tính tức thời. Sẽ chẳng có Bí thư Tỉnh uỷ nào cứ đi kiểm tra đột xuất như thế này mãi dù việc sâu sát thực tế là rất cần thiết. 

Nếu các địa phương khác mà làm được như Quảng Bình thì chắc cũng sẽ có tác động tích cực.

Mối liên hệ giữ chạy công chức, công chức ăn cắp giờ và chuyện “cắp ô”

PV: Trở lại thời gian trước đây không lâu, dư luận đã được nghe các thông tin không hay về công chức, viên chức. Đầu tiên là ông Trần Trọng Dực nói về việc chạy công chức 100 triệu. Sau đó, tại một cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho biết hiện có khoảng 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” và đến giờ Bí thư Quảng Bình phát hiện nhiều công chức, cán bộ “ăn cắp" giờ của Nhà nước. Thưa ông, ông có nghĩ các sự việc này có mối liên hệ mật thiết với nhau?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Tôi nghĩ là có mối liên hệ bởi vì một người nào đó được vào “biên chế” theo cách nói bây giờ bằng những con đường không lành mạnh thì có thể người đó có những suy nghĩ tiêu cực trong cách làm việc: phải làm như thế nào để lấy lại chi phí và mình được vào là do tiền nên cũng không dễ dàng bị gạt ra khỏi bộ máy…

Điều mà tôi muốn nói là vai trò định hướng công việc, tính gương mẫu, tính kiểm tra bao quát của người lãnh đạo đồng thời cũng phải tính đến biện pháp lâu dài để đội ngũ cán bộ công chức của chúng ta đạt đến một sự tự giác trong chấp hành kỷ luật lao động nói riêng và nâng cao hiệu quả công việc nói chung.

PV: Qua sự việc này, nhiều người đã so sánh Bí thư Quảng Bình Lương Ngọc Bính với Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh…

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Nếu cán bộ nào cũng làm theo lời dạy của Bác Hồ: chí công, vô tư thì chắc là đều có những nét chung như đồng chí Nguyễn Bá Thanh hay đồng chí Lương Ngọc Bính chứ không chỉ cá nhân hai đồng chí này.

Còn về phong cách làm việc cụ thể sâu sát, tìm được những điểm nhấn cần xử lý giải quyết thì đồng chí Lương Ngọc Bính và đồng chí Nguyễn Bá Thanh có những điểm giống nhau.

PV: Cách đây không lâu, LS. Lê Đức Tiết (Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Trung ương Việt Nam) đã có 2 bài viết trên báo Giáo dục Việt Nam về việc “vi hành” của đức vua Lê Thánh Tông và của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với ý nghĩa to lớn của “vi hành”. Chúng ta đang thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nên phải chăng, trong thời gian tới, các vị lãnh đạo (cả địa phương và Trung ương) nên tăng cường “vi hành”, thưa ông?

Ông Đỗ Mạnh Hùng: Tôi nghĩ rằng “vi hành” cũng là một cách, nhưng nói khái quát hơn thì người lãnh đạo phải tăng cường cụ thể, sâu sát với thực tế. Với người lãnh đạo, “vi hành” chỉ là biện pháp, còn quan trọng là qua thực tế thì thiết kế chính sách như thế nào, thiết kế hướng làm việc cho cả địa phương và lĩnh vực mình quản lý như thế nào.
Hồng Chính Quang