Biển Đông:6 tháng đầu năm 2011: hàng chục vụ tàu Trung Quốc vi phạm

06/06/2011 04:36
(GDVN) - Trong 6 tháng đầu năm 2011, Việt Nam, Philippines, Malaysia liên tục ghi nhận các vụ đụng độ ở nhiều cấp độ khác nhau với tàu Trung Quốc tại biển Đông.

(GDVN) - Trong 6 tháng đầu năm 2011, các nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia liên tục ghi nhận các vụ đụng độ ở nhiều cấp độ khác nhau với tàu Trung Quốc tại khu vực thuộc đặc quyền kinh tế của mình trên biển Đông.

Trung Quốc gây hấn với Philippines

Ngày 3/6/2011, Tổng thống Benigno Aquino III tiết lộ, Manila đã có các văn bản ghi nhận 7 sự cố liên quan tới việc tàu Trung Quốc xâm nhập lãnh hải tranh chấp và tấn công các tàu của Philippines trong chưa đầy 4 tháng gần đây.

Hôm 1/6, trong thông cáo báo chí đăng trên trang web của Bộ ngoại giao Philippines (DFA), Manila cho biết đã phát hiện tàu hải giám và tàu hải quân Trung Quốc ở gần Iroquois Reef-Amy Douglas Bank. Iroquois Reef-Amy Douglas Bank nằm ở phía tây nam Reed Bank và cũng thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.

Đường 9 đoạn

Đường 9 đoạn phi lý do Trung Quốc vạch ra năm 2009 bao quanh
tới 80% diện tích Biển Đông gồm vùng biển vốn thuộc chủ quyền từ
lâu của các quốc gia Đông Nam Á là Việt Nam, Philippines,
Malaysia, Bruinei - nơi ghi nhận các xụ xâm phạm liên tục của tàu
Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Ngày 27/5/2011, DFA cũng đã bày tỏ quan ngại với Đại sứ quán Trung Quốc trước những thông tin được đăng tải trên báo chí Trung Quốc về việc nước này dự kiến lắp đặt một giàn khoan hiện đại nhất ở Biển Đông trong tháng 7. DFA đã yêu cầu phía Trung Quốc thông tin chính xác về vị trí lắp đặt giàn khoan khổng lồ.

Bộ Quốc phòng và các lực lượng vũ trang Philippines từng đưa thông báo về việc các ngư dân nước này phát hiện các tàu Trung Quốc đã dựng một số lượng cột sắt chưa xác định và thả phao ở vùng biển lân cận Amy Douglas Bank, Amy Douglas Bank cách Palawan - đảo chính của Philippines - 125 hải lý vào ngày 21 và 24/5.

Báo chí Philippines dẫn thông tin từ giới chức Không quân cho hay vào ngày 12/5, hai máy bay MiG (thông tin không cho biết là MiG 21 hay 29) được cho là của Trung Quốc đã tiến hành hoạt động quấy rối trên vùng trời Bãi Cỏ Rong. Khi đó, hai máy bay trinh sát OV-10 của Không quân Philippines đã bị hai chiếc MiG đe dọa.

Ngày 2/3, hai tàu chiến Trung Quốc gắn súng máy đã gây hấn với tàu thăm dò MV Venture của Philippines hoạt động trong khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), cách đảo Palawan 200 km về phía tây, Manila.

Philippines đã triển khai hai máy bay chiến đấu (trong đó có một máy bay ném bom) để bảo vệ tàu thăm dò dầu khí của mình, sau khi tàu này đánh tín hiệu báo cáo việc bị hai tàu tuần tra Trung Quốc quấy nhiễu ở một khu vực tranh chấp tại Biển Đông. Tàu Trung Quốc sau đó rời đi mà không có đụng độ gì.

Ngày 25/2, trong khi neo đậu tại cồn Jackson, thuộc khu vực Reed Bank (bãi Cỏ Rong), ba tàu đánh cá của Phillippines đã bị các tàu chiến Trung Quốc tiếp cận. Sau khi giới thiệu qua loa phóng thanh, các tàu này đã yêu cầu các ngư dân Phillipines phải rời đi ngay lập tức.

Tuy nhiên, do có vấn đề khi kéo mỏ neo, thuyền trưởng tàu F/V Maricris 12 đề nghị phía Trung Quốc "vui lòng chờ trong chốc lát" nhưng một tàu chiến Trung Quốc liên tục đáp lại rằng sẽ nổ súng. Sau đó, thuyền trưởng tàu F/V Maricris 12 nghe thấy ba tiếng súng liên tiếp và thấy đạn bắn trúng mặt nước cách tàu khoảng 0,3 hải lý khiến các tàu này phải tới một hòn đảo gần đó của Philippines trú ẩn.

Trở lại vị trí trên vào ngày 28/2 thu mỏ neo, tàu F/V Maricris 12 trông thấy ba tàu đánh cá Trung Quốc có màu xanh da trời, đỏ và xanh lá, đang đánh bắt thủy sản trong khu vực này.

Trước động thái trên, Bộ trưởng ngoại giao Albert F. del Rosario của Philippines đã lên tiếng tuyên bố: “Bất kì sự xây dựng mới nào của Trung Quốc trong các vùng lân cận bỏ trống của bãi Amy Douglas đều là sự vi phạm rõ ràng với tuyên bố về cách ứng xử chung giữa các bên trong khu vực biển Đông (DOC) năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc".

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin mô tả về việc phát hiện thấy các tàu Trung Quốc gần Reed Bank (Bãi Cỏ Rong) trong thời gian qua là “đáng báo động”.

Philippines cũng đã gửi công hàm chính thức đến Liên hợp quốc để phản đối Trung Quốc về vấn đề chủ quyền Biển Đông ngày 15/4 và chuẩn bị hồ sơ chi tiết 7 vụ tàu Trung Quốc bị phát hiện ở vùng biển tranh chấp của nước này trong 4 tháng qua. Philippines cho rằng, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với các đảo và vùng biển lân cận tại Biển Đông là không có cơ sở luật pháp quốc tế.

Tuần trước, Manila đã triệu tập đại diện của Bắc Kinh để chuyển tải những “quan ngại nghiêm trọng” về sự xâm nhập gần đây của tàu Trung Quốc ở khu vực tranh chấp hai bên thuộc Biển Đông. Cũng trong tuần này, Manila đã 3 lần lên tiếng phản đối việc các tàu Trung Quốc vi phạm lãnh hải của Philippines.

Đối đầu căng thẳng với Malaysia

Từ 10 giờ sáng ngày 29/4 đến 3 giờ sáng ngày 30/4 (17 tiếng đồng hồ), các tàu Ngư chính của Trung Quốc đã đối đầu với tàu chiến và máy bay chiến đấu của Malaysia khi đi vào vùng đặc quyền kinh tế thuộc lãnh hải của Malaysia, trong khi phía Trung Quốc cho rằng họ đang thi hành nhiệm vụ quản lý định kỳ ở lãnh hải thuộc về họ và yêu cầu các tàu của Malaysia rời đi.

Thời điểm gay cấn nhất là khi các khẩu pháo trên tàu chiến Malaysia chĩa thẳng vào tàu Ngư chính 311 của Trung Quốc lúc 10 giờ sáng ngày 29/4. Cuối cùng, tàu Trung Quốc buộc phải rời đi dưới sự giám sát của hải quân Malaysia.

Phá hoại tàu dân sự, đe dọa ngư dân Việt Nam

Rạng sáng 26/5, giữa lúc tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang khảo sát địa chấn tại Lô 148 trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam thì bị 3 tàu hải giám mang số 72, 17 và 84 của Trung Quốc tấn công. Tàu Trung Quốc đã cắt đứt cáp của tàu Việt Nam và sau đó tiếp tục đe dọa.

Trong thời gian gần đây, tàu Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để đánh cá. Có ngày có tới hơn 200 tàu ngang nhiên xâm phạm.

Song song với đó là hành vi bắt giữ tàu và ngư dân, tịch thu đoạt ngư cụ, hải sản và đòi tiền chuộc đối với các ngư dân Việt Nam đánh bắt tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Một số tàu cá Việt Nam khi gặp bão đã vào các đảo do Trung Quốc chiếm đóng ở Hoàng Sa để lánh nạn cũng bị ngăn trở, thậm chí bị bắn chặn.

{iarelatednews articleid='3972,3938,3939,3689,3661,3670,3622,3653,3604,3593,3600'}

Nguyễn Hường (Tổng hợp)