Biển Đông:Trung Quốc rình mò, Philippines dùng chiến thuật Nga đối phó

29/04/2014 11:06
Hồng Thủy
(GDVN) - Manila quyết định áp dụng các chiến thuật của Nga, sử dụng các hình thức liên lạc truyền thống thay cho internet, điện thoại di động để đối phó với Bắc Kinh.
Tàu chiến cũ Philippines đánh chìm ngoài bãi Cỏ Mây năm 1999 để ngăn Trung Quốc tiếp tục bành trướng về phía Đông quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Tàu chiến cũ Philippines đánh chìm ngoài bãi Cỏ Mây năm 1999 để ngăn Trung Quốc tiếp tục bành trướng về phía Đông quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

Inquirers ngày 29/4 đưa tin, Bộ Tổng tham mưu quân đội Philippines cho biết Trung Quốc đang tìm mọi cách rình mò, đánh cắp các bí mật quân sự nước này. Chính vì vậy Manila quyết định áp dụng các chiến thuật của Nga, sử dụng các hình thức liên lạc truyền thống thay cho internet, điện thoại di động để đối phó với Bắc Kinh.

Hiện tại, các bộ phận phụ trách xử lý tranh chấp trên Biển Đông trong biên chế Bộ Tổng tham mưu quân đội Philippines bị cấm sử dụng điện thoại di động và internet. Mọi thông tin liên lạc không bao giờ được gửi qua e-mail mà sử dụng bản in và hệ thống liên lạc truyền thống.

Tất cả các cổng USB máy tính đều bị khóa lại, ngăn chặn rò rỉ bí mật quân sự. Tiếng địa phương được khuyến khích sử dụng khi trao đổi, thay vì tiếng Anh hoặc tiếng phổ thông Philippines.

Bên cạnh nỗ lực ngăn chặn những kẻ rình mò, quân đội Philippines cũng hết sức cảnh giác, đề phòng các hoạt động gián điệp truyền thống. Một số kẻ đến từ cộng đồng doanh nhân, các nhà cung cấp, thậm chí là ngư dân.

Gián điệp truyền thống và chặn thông tin liên lạc có thể đã được Trung Quốc sử dụng để ngăn chặn hoạt động tiếp tế của Philippines cho lực lượng đồn trú ngoài bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, là đối tượng cả Trung Quốc, Đài Loan và Philippines nhảy vào tranh chấp).

Đá Vành Khăn nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc đánh chiếm bất hợp pháp, xây công sự nhà nổi kiên cố trái phép làm chỗ đứng chân cho các chiến hạm và lắp đặt hệ thống thiết bị thông tin do thám, phá sóng liên lạc của đối phương.
Đá Vành Khăn nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc đánh chiếm bất hợp pháp, xây công sự nhà nổi kiên cố trái phép làm chỗ đứng chân cho các chiến hạm và lắp đặt hệ thống thiết bị thông tin do thám, phá sóng liên lạc của đối phương.

Hôm 29/3 một tàu công vụ Philippines chở đồ tiếp tế, lính đổi gác và các phóng viên quốc tế ra bãi Cỏ Mây, sau nhiều nỗ lực mới vượt được vòng vây của tàu Trung Quốc để tiếp cận căn cứ.

Tuy nhiên từ 3 ngày trước đó, hệ thống thông tin liên lạc của hải quân Philippines đang đóng chốt tại một số điểm đảo ở Trường Sa đã bị mất các tín hiệu, từ sóng di động cho đến internet mặc dù các hoạt động viễn thông, liên lạc trong đất liền vẫn bình thường.

Quân đội Philippines cho biết, Trung Quốc đã tìm cách xâm nhập, phá sóng liên lạc. Trung Quốc cũng biết chính xác thời gian tàu Philippines ra bãi Cỏ Mây để tìm cách ngăn chặn. Thời điểm đó có các tàu cá khác hoạt động ở khu vực này, nhưng Cảnh sát biển Trung Quốc chỉ nhằm vào chiếc tàu công vụ Philippines.

Nguồn tin nói với Inquirers, bất cứ khi nào Manila có lịch trình tiếp tế hoặc thay quân đồn trú ngoài bãi Cỏ Mây, hoạt động cơ bắp và (tác chiến) điện tử của Trung Quóc ở khu vực này lại tăng đột biến.

Một quốc gia đã chi hàng tỉ USD cho quốc phòng và an ninh có thể sở hữu công nghệ tiên tiến nhất để nghe trộm các đối thủ của nó trên Biển Đông, Inquirers bình luận.

Tuy nhiên, Philippines đã nhờ hải quân Mỹ sử dụng máy bay P-8 Poseidons để đối phó với Trung Quốc. Các phóng viên tin rằng quân đội Philippines đã làm việc với Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương hải quân Mỹ để đảm bảo cho hành trình ra bãi Cỏ Mây hôm 29/3 được an toàn.

Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia cũng đã tiết lộ hồi đầu tháng này, Mỹ đã giúp Philippines trong các hoạt động ngoài bãi Cỏ Mây, tuy nhiên không có chi tiết cụ thể nào được cung cấp.

Hiệp ước hợp tác quân sự mở rộng Mỹ - Philippines vừa được ký kết hôm qua cho thấy lợi ích quốc gia của Mỹ ở Biển Đông là giữ nguyên hiện trạng khu vực.
Hồng Thủy