Bình Thuận chăm lo, trợ giúp và bảo vệ người khuyết tật

01/09/2013 10:44
Theo HỒNG LÊ/ Báo Bình Thuận
(GDVN) - Người khuyết tật là bộ phận yếu thế của xã hội, họ có những khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần, vì thế gây ra suy giảm đáng kể và lâu dài đến khả năng thực hiện các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày. Trên thế giới người khuyết tật chiếm khoảng 10% dân số. Ở Việt Nam số người khuyết tật cũng tương đương với tỷ lệ này.
(30/8)

Riêng ở Bình Thuận, theo thống kê bước đầu có khoảng 20.000 người khuyết tật, chiếm gần 1,7% dân số.

Những năm qua, hoạt động chăm sóc, trợ giúp và bảo vệ quyền người khuyết tật trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, xã hội quan tâm, đáp ứng nguyện vọng và các nhu cầu cơ bản, bức xúc của người khuyết tật, nhất là những người có công với nước, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người thuộc diện nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Đã có hàng chục ngàn người được hưởng các chính sách thương binh, trợ cấp xã hội tại cộng đồng, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, phục hồi chức năng. Nhiều gia đình và người khuyết tật được tặng nhà tình thương, phương tiện đi lại, công cụ lao động, được hỗ trợ trong tìm kiếm việc làm, hoạt động tập thể …

Tuy nhiên, cũng thấy rằng vẫn còn một bộ phận không nhỏ người khuyết tật gặp khó khăn, thất học, không có nghề nghiệp, không có việc làm và không có nguồn thu nhập để bảo đảm cuộc sống; một số phải lang thang xin ăn kiếm sống. Những khó khăn mà người khuyết tật thường gặp là do điều kiện lao động, cơ sở hạ tầng chưa phù hợp, sức khỏe yếu, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc còn hạn chế. Một số người khuyết tật chưa được sự quan tâm của gia đình và nỗ lực vươn lên vượt qua khó khăn, mặc cảm để hòa nhập vào các hoạt động chung cộng đồng, xã hội…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày Người khuyết tật 18/4 là dịp để các ngành, các cấp, các đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp các tổ chức và cá nhân có lòng hảo tâm thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm chăm sóc, trợ giúp và tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Đây là hoạt động có ý nghĩa về kinh tế, chính trị, xã hội và mang tính nhân văn sâu sắc, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Để triển khai thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật trong thời gian tới, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cộng đồng dân cư quan tâm, trợ giúp người khuyết tật. Các cơ quan truyền thông đại chúng của tỉnh phối hợp với ngành chức năng tăng cường phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước có liên quan như Luật Người khuyết tật, các văn bản hướng dẫn thi hành, các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật; tổ chức triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thông qua các trung tâm trợ giúp pháp lý của tỉnh và câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở cơ sở.

Cùng với công tác tuyên truyền, đẩy mạnh các các hoạt động hỗ trợ chăm lo đời sống, việc làm, qua đó tiếp thêm nghị lực cho người khuyết tật để họ có điều kiện hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh việc chi trả chế độ kịp thời, đúng đối tượng các chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước, thì việc giải quyết vốn vay, hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người khuyết tật cũng phải được quan tâm.

Cùng với đẩy mạnh công tác từ thiện cần xây dựng nhiều mô hình hoạt động hướng đến việc hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật. Vận động các doanh nghiệp, các nhà máy, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tạo điều kiện giúp đỡ để người khuyết tật có thể vào làm việc, nhằm giúp đỡ họ có điều kiện tự xây dựng cho mình cuộc sống và thu nhập ổn định.

Theo HỒNG LÊ/ Báo Bình Thuận