Bộ GTVT: "Thu phí bảo trì đường bộ, chất lượng đường sẽ tốt lên"

05/04/2012 06:26
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - Bộ GTVT:Thu phí bảo trì đường bộ, chất lượng đường sẽ tốt lên, cú “bẻ lái” ngoạn mục của BT Thăng?...là những tin bài nóng về vấn đề thu phí giao thông.
Bộ GTVT: Thu phí bảo trì đường bộ, chất lượng đường sẽ tốt lên

Theo nguồn tin của Tiền Phong, liên Bộ GTVT và Tài chính vừa hoàn thành dự thảo thông tư quy định mức phí cụ thể và hướng dẫn sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ, thu từ 1/6.

Theo đó, có 8 loại ô tô, 4 loại xe máy. Mức thấp nhất với xe máy là 80 nghìn đồng/năm, cao nhất với ô tô là 16,7 triệu đồng/năm. Tổng số phí thu được dự kiến khoảng 6.000 tỷ đồng/năm.

Theo nội dung dự thảo, có thể thấy rõ, ô tô có trọng lượng càng cao, số chỗ ngồi nhiều, xe máy phân khối lớn sẽ phải chịu mức đóng cao
Theo nội dung dự thảo, có thể thấy rõ, ô tô có trọng lượng càng cao, số chỗ ngồi nhiều, xe máy phân khối lớn sẽ phải chịu mức đóng cao

Phí sẽ được thu trực tiếp theo đầu phương tiện giao thông đường bộ theo chu kỳ cấp giấy kiểm định và bảo vệ môi trường. Cơ quan kiểm định sẽ chịu trách nhiệm thu.

Phương thức thu phí mô tô, xe máy do UBND cấp tỉnh quy định, phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội của địa phương.

Về nội dung chi tiêu của quỹ, liên bộ đưa ra ba nhóm nội dung chi, gồm: Chi bảo trì công trình đường bộ (chi bảo dưỡng thường xuyên, chi sửa chữa định kỳ...); Chi Quản lý công trình đường bộ (lưu trữ, quản lý và khai thác hồ sơ hoàn công công trình đường bộ, lập hồ sơ quản lý, chi hoạt động trạm kiểm tra trọng tải xe, lập hồ sơ điểm đen, chi trực đảm bảo giao thông...); Chi bộ máy quản lý và các khoản chi khác có liên quan.

Bộ GTVT đánh giá tác động của việc thu phí bảo trì đường bộ, sẽ làm tăng chi phí trong giá thành vận tải từ 1,5 - 2%. Tuy nhiên, bộ này cho rằng, nếu quỹ đi vào hoạt động, chất lượng đường sẽ tốt lên, giảm thiểu ùn tắc và TNGT.
"Câu chuyện quy hoạch giao thông ít được quan tâm ở Việt Nam”

Nguồn tin trên VnMedia cho hay, theo GS.TS Nguyễn Trường Tiến, Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam, Chủ tịch Hội, Chủ tịch Công ty Tư vấn AA, quy hoạch giao thông, giống như mạch máu và mạch khí trong cơ thể con người vậy. Chính vì vậy để giải quyết vấn đề của giao thông không phải cứ tính chuyện thu phí, cấm xe là có thể có kết quả.

Ùn tắc giao thông đang là chuyện cơm bữa ở Hà Nội, nhưng nếu làm theo đúng quy hoạch thực trạng này đã có thể không xảy ra. Ảnh: Xuân Hưng
Ùn tắc giao thông đang là chuyện cơm bữa ở Hà Nội, nhưng nếu làm theo đúng quy hoạch thực trạng này đã có thể không xảy ra. Ảnh: Xuân Hưng

Ông cho rằng, câu chuyện quy hoạch giao thông ít được quan tâm ở Việt Nam. Ở Việt Nam có các Viện quy hoạch xây dựng, thủy lợi, nhưng gần đây mới có Viện Quy hoạch giao thông của Đại học Xây dựng. Ở các nước họ có Viện Quy hoạch của quốc gia, trong đó các quy hoạch đều có sự tương tác, tương quan, liên hệ, bổ sung cho nhau. 
Theo GS.TS Tiến, quy hoạch giao thông là phải có khả năng rất tổng hợp. 

"Câu chuyện chống ùn tắc giao thông rất cần những nghiên cứu tổng hợp và điều tra cụ thể. Chúng ta cứ thích các biện pháp hành chính và các quyết định rất bị động, thiếu cơ sở khoa học. Làm gì bây giờ cũng cần nghiên cứu", GS.TS Tiến nói. 

Để giải quyết bài toán giao thông, theo GS.TS Nguyễn Trường Tiến, cần xác định rõ các trung tâm, các đường vành đai và các đường hướng tâm. Phải có quy hoạch cả phần ngầm của giao thông và kết hợp giữa giao thông ngầm, nổi và các loại hình giao thông, cần có những nghiên cứu rất cụ thể.
Cú “bẻ lái” ngoạn mục của Bộ trưởng Thăng?

Thông tin trên báo Pháp luật & Xã hội, việc bất ngờ tuyên bố chưa thu phí xe ô tô vào thành phố giờ cao điểm và phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân có thể coi là cú "bẻ lái" ngoạn mục đối với các loại phí của Bộ trưởng Đinh La Thăng?
Xem như đó là "món quà" mà Bộ trưởng tạm "lì xì" cho hàng chục triệu người dân Việt, dù thực tế Bộ trưởng chưa sờ tay vào túi mình lấy ra bất kỳ cái gì đem cho. Gọi đây là cú "bẻ lái" ngoạn mục bởi Bộ trưởng từng nói "thu phí của người dân chưa bao giờ dễ dàng", biết là vậy nhưng Bộ trưởng vẫn kiên quyết "không đóng thuế, dân đi…bộ".

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Không có chuyện thu phí ngay. Ảnh: TL
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Không có chuyện thu phí ngay. Ảnh: TL

Bỗng trong cuộc họp báo chiều tối 3/4 tại trụ sở Bộ GTVT, Bộ trưởng Thăng mở đầu bằng lời xin lỗi việc Bộ cung cấp thông tin cho báo chí chưa kịp thời, chưa đầy đủ dẫn đến việc các nhà báo thông tin chưa chính xác. Và rằng: Bộ có thiếu sót khi chưa có lộ trình cụ thể để thực hiện thu các loại phí này. "Tổng tư lệnh" ngành giao thông "chốt" lại: "Chúng tôi chưa trình thời điểm cụ thể nên không có chuyện thu phí ngay được"
Điều này có thể hiểu, một chính sách có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân nhưng Bộ GTVT lại có "thiếu sót" phần rất cơ bản là lộ trình thực hiện, và người dân "chả biết đâu mà lần" nên cứ nháo nhào lo sợ, cứ... kêu trước là vừa? Dân kêu ghê quá, Bộ… giật mình lòi "thiếu sót". 

Mặc dù Bộ trưởng "nhận lỗi" như vậy nhưng có nhiều ý kiến cho rằng: Nếu không gặp phải "cơn bão phản đối" 2 loại phí này thì chắc là thực hiện "luôn và ngay" rồi? Khi được hỏi: Liệu Bộ trưởng có nóng vội khi đề xuất thu 2 loại phí này trong khi đời sống của nhân dân còn khó khăn? Bộ trưởng phản đối gay gắt và cho biết: "Thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ chứ không phải Bộ GTVT thích làm thì làm". Lại một cú "bẻ lái" ngoạn mục nữa chăng?
Hiến kế chống tắc, bạn đọc phản ứng thu phí

VnMedia đăng tải hiến kế nhiều biện pháp chống ùn tắc giao thông gửi tới Bộ trưởng Thăng của bạn đọc Nguyễn Quân (Hà Nội).

Bạn đọc Nguyễn Quân nhận định, vấn đề ách tắc giao thông đô thị trên cả Việt Nam cũng chỉ chủ yếu là với 2 thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh mà thôi và cũng chỉ tại cửa ngõ thành phố và một số quận trung tâm chứ không phải là với các quận huyện ngoại thành. Vì vậy, giải pháp cần tập trung vào 2 thành phố này chứ không phải là bắt toàn dân gánh phí như phương án của bộ GTVT. 

Ùn tắc giao thông trên một số tuyến đường Thủ đô giờ cao điểm.
Ùn tắc giao thông trên một số tuyến đường Thủ đô giờ cao điểm.

Về qui hoạch đô thị cần giãn mật độ dân số ra là giải pháp lâu dài nhưng cũng phải làm ngay từ bây giờ. Xong trước mắt cần biện pháp tức thời là đánh phí vào các tòa nhà cơ quan, công sở, văn phòng, nhà hàng, khách sạn bất kể là tư nhân hay nhà nước tại các quận nội thành trung tâm. Đây chính là phí gây ách tắc giao thông do các cơ quan công sở này đã thu hút về đây một lượng lớn nhân viên lao động và khách giao dịch. 
Đồng thời với đó qui hoạch đô thị và giao thông cần tăng nhanh bến xe bãi đỗ hợp lý do một thời gian dài chúng ta chỉ chuẩn bị giao thông cho xe đạp, xe máy chứ không phải ô tô. Phát triển xây dựng nhanh các cầu vượt nhẹ như đang làm với 4 nút giao thông tại Hà Nội và tránh tối đa các rẽ cắt hay quay đầu trên các phố trung tâm. Các ngã tư tại các thành phố cần được xẻ vát góc hợp lý hơn chứ không phải vuông góc như đa số hiện nay là hệ quả của quy hoạch giao thông không cho ô tô!
Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có thể tạm thời dừng cấp hay hạn chế đăng kí ô tô xe máy một thời gian để đợi cho việc hoàn thiện hệ thống giao thông tốt hơn sẽ cấp phép trở lại. Song song với đó là cấm các xe máy, ô tô 4 chỗ mang biển ngoại tỉnh lưu thông vào các quận trung tâm để giải pháp tạm dừng cấp đăng kí xe có hiệu quả hơn. Tất nhiên đồng thời với đó là phải tổ chức các xe buýt sạch sẽ văn minh và luồng tuyến hợp lý hơn nữa.
Hải Phong (Tổng hợp)