Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: “Tôi cũng rất xót xa” trước sai phạm tại Vinalines

13/06/2012 20:40
Hồng Chính Quang
(GDVN) - Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT trước vấn đề đầu tư gây thất thoát vốn ở một số Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước trong buổi chất vấn chiều nay, 13/6.
Chiều nay, 13/6, phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIII tiếp tục. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trả lời chất vấn về các vấn đề: sử dụng vốn ODA, cắt giảm đầu tư công, sự thất thoát vốn của một số Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước, nợ xấu của các ngân hàng…"Tôi cũng xót xa lắm"
Đại biểu Trần Du Lịch đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh bày tỏ sự băn khoăn khi nguồn vốn của nhà nước cấp cho một số Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước bị sử dụng lãng phí và thất thoát. "Cách đây hai năm, cũng tại hội trường này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã tranh luận với một đồng chí ở Thường vụ Quốc hội. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng Bộ vô can trong vụ việc. Theo lời Bộ trưởng Bộ KH và ĐT, các ông Chủ tịch tập đoàn, tổng công ty tự ý giải quyết những việc liên quan đến nguồn vốn trong cơ quan, không ai biết gì cả. Như vậy, với vai trò là cơ quan tham mưu, phân bố nguồn lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có xót xa không, khi số tiền đó, được tiêu dùng như tiền riêng của các nhân". Một số đại biểu khác tiếp tục bày tỏ băn khoăn về trách nhiệm của Bộ KH&ĐT trong việc thất thoát vốn của một số Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước.  Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói: “Về vấn đề đầu tư của Doanh nghiệp nhà nước gây thất thoát, tôi cũng rất xót xa, rất trăn trở. Hầu hết các luật chưa thật hoàn thiện. Những sai phạm vừa rồi ở một số Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước còn liên quan đến bản chất con người, người ta biết luật pháp nhưng cố tình vi phạm. Bộ đã có một số đề nghị với Chính phủ. Định hướng của Chính phủ trong thời gian tới là Bộ chủ quản sẽ quản lý trực tiếp doanh nghiệp".
"Tôi nghĩ là vốn ở doanh nghiệp nhà nước hay vốn của doanh nghiệp nhà nước đi vay thì cũng là của đất nước vì nếu các doanh nghiệp này phá sản thì nhà nước phải đứng ra chịu trách nhiệm. Do đó, các dự án lớn của các doanh nghiệp này đều phải báo cáo và phải có người giám sát việc đầu tư. Chúng ta đã trao quyền quá lớn cho các doanh nghiệp này. Chúng ta cần phải thay đổi cơ chế”.

Nghị trường nóng lên với vấn đề đầu tư dàn trải...
Nghị trường nóng lên với vấn đề đầu tư dàn trải...

Nóng vấn đề cắt giảm đầu tư công quá mức và đầu tư dàn trải

Nhiều đại biểu cho rằng, vì Bộ KH&ĐT cắt giảm đầu tư công quá mức gây thất thoát, lãng phí nhiều tiền của nhà nước bởi nhiều công trình còn dang dở chưa hoàn thiện, không thể đưa vào sử dụng. Về vấn đề này,  Bộ trưởng Bộ KH& ĐT nêu phương án, nếu địa phương nào có vốn thì sẽ góp vốn để khắc phục tình trạng này. Đồng thời, Bộ KH&ĐY nêu giải pháp khác là tập trung nghiên cứu, xem xét việc tái đầu tư công đồng thời huy động các nguồn lực khác từ khu vực tư nhân và các thành phần kinh tế khác.

Đại biểu Trần Du Lịch tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bùi Quang Vinh về sự đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Theo ông Lịch, điều này nguyên nhân là do cơ chế từ trên, áp lực tới các địa phương phải lo phát triển kinh tế; cùng với đó là tư duy kinh tế chưa tốt... Đại biểu Đỗ Văn Dương (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) cũng đặt ra câu hỏi đối với Bộ trưởng Vinh: “Có bao nhiêu dự án đầu tư công dàn trải? Không hiệu quả? Lãng phí gây thiệt hại bao nhiêu và diễn ra ở đâu? Trách nhiệm của Bộ KH&ĐT tới đâu trong việc này? 

Trả lời các câu hỏi trên của các đại biểu, Bộ trưởng Vinh nói: “Vấn đề giải quyết sự dàn trải như đại biểu Lịch nói là hoàn toàn đúng. Căn cơ của vấn đề đầu tư dàn trải rất sâu xa. Áp lực phát triển kinh tế của các địa phương khác nhau trong khi nguồn lực của địa phương lại không đáp ứng được. Ở nước ngoài, chính phủ của họ không giao vấn đề làm kinh tế cho địa phương. Vấn đề về tư duy kinh tế, có sự cạnh tranh giữa các địa phương về kinh tế. Còn ý kiến về tư duy kinh tế của đại biểu Lịch nói cần phải có hội thảo và cần phải sửa sớm Luật đầu tư 2005, Luật Doanh nghiệp”.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh


Liên quan đến chấn vấn trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc sai phạm ở Vinalines, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, ngày 11/1/2011, Bộ Tài chính có văn bản báo cáo tình hình hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trong năm 2009, 2010 và đã có khuyến cáo đến công ty này.

Ngày 27/7/2011, Bộ Tài chính tiếp tục có văn bản báo cáo về tình hình tài chính của Tổng công ty hàng hải Việt Nam và đã cảnh báo tình hình tài chính của công ty mẹ của Vinalines đang gặp khó khăn. Trong đó chúng tôi đã nêu rất nhiều khuyết điểm, đề xuất…”. 

Không lấy tiền của dân mua nợ xấu của các ngân hàng

Nhiều đại biểu cho rằng, sau vụ việc liên quan đến Vinashin cho thấy đã có lỗ hổng về pháp lý. Cụ thể ở đây là trách nhiệm các Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT - các đơn vị quản lý ngành trong việc sử dụng vốn ở các tập đoàn đoàn, Tổng công ty không được xác định rõ ràng để rồi khi xảy ra vấn đề, toàn bộ trách nhiệm đổ hết cho Thủ tướng.

Nói về nợ xấu của các ngân hàng, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định: “Không lấy ngân sách để mua nợ xấu của các ngân hàng”.

Một số vị đại biểu cho rằng trọng trách của một số Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước về biển là quá lớn và đề xuất xử lý bằng cách chuyển trọng trách này cho một số doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng xử lý. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng đó có thể là một gợi ý về hướng xử lý, góp phần tăng hiệu quả kinh doanh…

17h, buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh kết thúc. Theo lịch làm việc, ngày mai, phiên chất vấn sẽ được tiếp tục với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang.

Điểm nóng

Nam thanh niên tìm đến khách sạn người yêu tự tử để… tự vẫn

Nhọc nhằn lội mương mưu sinh ở thủ đô

3 em nhỏ 10 tuổi chết đuối trên sông Dinh

Bàng hoàng trà chanh làm từ phụ gia

Hồng Chính Quang