Bộ trưởng bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình:

"Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói về phương thức mới trong thi tuyển công chức"

25/03/2013 06:09
HCQ
(GDVN) - Hiện, Bộ Nội vụ đang chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương tổ chức thực hiện Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” với mong muốn xây dựng một nền công vụ phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.
Trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” ngày 24/3, về việc thi tuyển công chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nói: “Gần đây việc thi tuyển công chức đã từng bước được cải tiến và đổi mới. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều kết quả quan trọng vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế mà dư luận xã hội đang quan tâm như tính khách quan công bằng, minh bạch, nghiêm túc trong thi tuyển. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình (Ảnh: Việt Dũng)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình (Ảnh: Việt Dũng)

Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ với chức năng quản lý nhà nước đã nghiên cứu đề ra nhiều giải pháp trong đó có việc thi tuyển công chức theo phương thức thi trắc nghiệm trên máy. Ưu điểm của phương pháp này là máy tính tự ra đề thi, tự đánh giá bài thi, quản lý thời gian thi và tự chấm điểm khi thí sinh ấn nút nộp bài thi. 

Đối với thí sinh sau khi làm bài thi xong là có thể biết ngay kết quả thi. Thí sinh tham dự kỳ thi dù có trúng tuyển hay không trúng tuyển thì khi ra khỏi phòng thi đều thấy thoải mái và hài lòng vì mọi người đều cảm thấy sự công bằng, minh bạch trong quá trình thi tuyển. Phải khẳng định rằng đây là một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo tính khách quan, công bằng, minh bạch trong thi tuyển công chức mà dư luận xã hội đang quan tâm”.

Nói về điểm cần rút kinh nghiệm qua lần thi trắc nghiệm được tổ chức vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết: “Đây là hướng thi tích cực cần phải nghiên cứu, triển khai, thực hiện trong các cơ quan, tổ chức nhà nước, phù hợp với mục tiêu đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, đảm bảo tính khách quan hơn, công bằng hơn, minh bạch hơn trong thi tuyển công chức. Đảm bảo chất lượng của kỳ thi, đánh giá đúng thực chất và năng lực của người dự thi. Tiết kiệm thời gian, nhân lực, kinh phí tổ chức thi và hạn chế tiêu cực có thể xảy ra trong các kỳ thi.

Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện phần mềm vi tính về thi công chức để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cho thực hiện ở các ngành, các cấp, khẩn trương bổ sung, hoàn thiện ngân hàng đề thi theo các lĩnh vực chuyên môn trong hoạt động công vụ”.

“Hiện nay vẫn còn quá sớm để nói rằng đây là một hình mẫu để tổ chức triển khai thực hiện trong phạm vi cả nước, song với kết quả, thành công ban đầu, có thể khẳng định phương thức thi trực tuyến trên máy vi tính sẽ góp phần thực hiện tốt hơn mục tiêu cải cách chế độ công vụ, công chức”, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói.
Bộ trưởng Bình cũng cho biết thêm: "Hiện, Bộ Nội vụ đang chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương tổ chức thực hiện Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” với mong muốn xây dựng một nền công vụ phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, đây là một việc lớn và khó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, Bộ Nội vụ mong muốn rằng có sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ của các Bộ ngành, sự hưởng ứng của nhân dân để thực hiện thành công".
Ngày 18/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1557/QĐ-TTg  phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”, đặt mục tiêu chung là xây dựng một nền công vụ “chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả.

Đề án cũng đặt ra 8 mục tiêu cụ thể liên quan đến tất cả các lĩnh vực của cải cách chế độ công vụ, công chức, trong đó có mục tiêu nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, thi nâng ngạch công chức, đến năm 2015, 100% các cơ quan ở Trung ương và 70% các cơ quan ở địa phương thực hiện ứng dụng công nghệ tin học vào thi tuyển, thi nâng ngạch công chức.

Đề án này đã nhận được sự quan tâm và kỳ vọng của dư luận trong bối cảnh ước tính vẫn có khoảng 30% công chức hoạt động chưa thực sự hiệu quả, tình trạng “chạy” công chức vẫn tồn tại,  ở nhiều nơi, người có thực tâm, thực tài vẫn chưa có nhiều cơ hội để cống hiến. 
HCQ